Không giao quyền quá lớn cho tập đoàn

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, để cho doanh nghiệp “quyền” to quá sẽ phát sinh tiêu cực
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, để cho doanh nghiệp “quyền” to quá sẽ phát sinh tiêu cực
TP - Giá cả tăng cao, doanh nghiệp FDI chuyển giá, quản lý vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty… là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, để cho doanh nghiệp “quyền” to quá sẽ phát sinh tiêu cực
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, để cho doanh nghiệp “quyền” to quá sẽ phát sinh tiêu cực . Ảnh: Hồng Vĩnh

Kiểm soát chặt giá cả

Trả lời chất vấn của ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) về giá cả tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống người dân, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, có rất nhiều nguyên nhân tăng giá. Ngoài nguyên nhân từ bên ngoài, còn do tác động tổng hợp của thiên tai, dịch bệnh, sức mua tăng, thị trường tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, giá vàng, đôla.

Theo Bộ trưởng, hiện còn một số mặt hàng trong nước chưa theo giá thị trường, như: giá điện, giá than bán cho sản xuất giấy, phân bón, xi măng chỉ bằng 80% giá thị trường. Do vậy, phải có lộ trình điều chỉnh để không ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân.

Để chủ động quản lý giá dịp Tết, ông Ninh khẳng định, quan trọng nhất là đảm bảo cung cầu hàng hóa, không để thiếu hàng. Nếu thiếu hàng sẽ xảy ra đột biến về giá. Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương tổ chức lực lượng, nhất là lực lượng quản lý thị trường và cơ quan tài chính ở địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát giá trên địa bàn.

Doanh nghiệp FDI khai khống lỗ

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) trong việc ngăn chặn chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), ông Ninh cho biết, Bộ đã nắm được vấn đề này qua giám sát, kiểm tra và quyết toán thuế.

Tuy nhiên, ông Ninh thừa nhận, việc chống chuyển giá là rất khó khăn bởi việc này thực hiện từ nước ngoài. Khi xác định giá trị thiết bị, vật liệu từ công ty mẹ ở nước ngoài vào công ty con trên giấy tờ thì thấy rất hợp pháp. Trong lúc đó, việc triển khai thanh tra, kiểm tra cũng rất khó khăn.

Bộ Tài chính đã thanh tra 127 doanh nghiệp FDI lỗ nhiều, liên tục trong 3 năm qua và phát hiện các doanh nghiệp khai lỗ không đúng 1.450 tỷ đồng. Số tiền này đã được truy thu vào ngân sách.

Hiện Bộ Tài chính đang tiếp tục triển khai chương trình thanh tra toàn diện đối với doanh nghiệp FDI khác, tiến hành đối chiếu chứng từ đầu vào và đầu ra, tham khảo giá trên thị trường thế giới.

Bộ đã đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan thương vụ, tham tán thu thập các thông tin có liên quan khi cơ quan thuế có yêu cầu phối hợp chống chuyển giá.

“Chúng tôi đã xây dựng một chương trình chống chuyển giá. Bước đầu đã có kết quả, thu cho ngân sách một số vốn lớn. Trong năm tới sẽ thực hiện việc này mạnh mẽ hơn”- Ông Ninh cam kết.

Không để quyền to quá cho doanh nghiệp nhà nước

Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) hỏi về việc quản trị doanh nghiệp nhà nước đã đổi mới ra sao, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, chúng ta đang chuyển đổi theo phương thức quản lý, quản trị mới trong doanh nghiệp. Đó là hạn chế can thiệp hành chính từ trên xuống; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh cho các tập đoàn, tổng công ty.

Ông Ninh cho rằng, trước hết phải nghiên cứu để quy định rõ trách nhiệm của bộ quản lý ngành, bộ tổng hợp, HĐQT, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc về: quy hoạch; chiến lược; kế hoạch sản xuất kinh doanh. Trong đó, có những việc phải báo cáo lên trên để phê duyệt chứ không phải giao toàn quyền cho doanh nghiệp như hiện nay.

“Làm sao hạn chế được việc doanh nghiệp được quyền to quá, tự quyết rất nhiều vấn đề, dẫn đến phát sinh tiêu cực”- Ông Ninh nói.

Ngoài ra, phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát. Kiểm soát từ trong nội bộ, từ trên xuống dưới. Một nhiệm vụ quan trọng nữa là phải tiếp tục sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa để tăng cường giám sát và quản lý doanh nghiệp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG