Không dự Cánh diều vì thiếu 2.000 euro!

Không dự Cánh diều vì thiếu 2.000 euro!
TP - Đó là lý do đơn giản và thiết thực nhất của đạo diễn Phan Đăng Di trước thắc mắc về việc 'Bi, đừng sợ!' không có mặt trong danh sách 11 bộ phim tham dự giải thưởng Cánh diều vàng năm 2011.

>> Lần đầu tiên có giải phim ngắn

Cảnh phim Bi, đừng sợ!
Cảnh phim 'Bi, đừng sợ!'

Theo lý giải của anh, việc Bi, đừng sợ! tham dự Cánh diều hoàn toàn được phép từ phía nhà sản xuất nhưng phải tự trả tiền để in bản phim. Con số 2.000 euro hiện rất quan trọng khi mà dự án phim Cha và con và... của anh lại đang trên đường tìm kiếm nguồn kinh phí.

Việc Bi, đừng sợ! - một bộ phim mang tính tìm tòi nghệ thuật đã được ghi danh tại nhiều giải thưởng quốc tế như Cannes, Stockholm, Châu Á – Hồng Kông... lại không có mặt trong danh sách 11 phim tham dự Cánh diều vàng 2011 gây nhiều thắc mắc. Là đạo diễn của phim, anh có thể lý giải kỹ hơn?

Lý do thực ra rất đơn giản, chúng tôi không có bản 35mm nào để gửi cho Hội cả, hiện tại bản 35mm duy nhất của phim có tại Việt Nam đang phải nộp lưu chiểu tại Cục Điện ảnh, muốn in thêm bản mới phải đặt làm tại Pháp, với chi phí 2.000 euro (chưa kể phí hải quan và vận chuyển), đây là chi phí không được quy định trong hợp đồng nên nhà sản xuất không đồng ý trả.

Đạo diễn Phan Đăng Di
Đạo diễn Phan Đăng Di.

Hội Điện ảnh có liên lạc với chúng tôi để mời, nhưng vì lí do kể trên chúng tôi phải từ chối. Thực ra cách đây 3 tháng, cô Hồng Ngát – Phó chủ tịch thường trực điện ảnh Việt Nam đã mời tôi đến giới thiệu bộ phim (bằng đĩa DVD) tại một buổi chiếu chuyên đề dành cho các hội viên hội điện ảnh.

Đó là buổi chiếu chính thức đầu tiên của Bi, đừng sợ! tại Việt Nam. Với cá nhân tôi, thái độ trân trọng đó của Hội điện ảnh Việt Nam dành cho bộ phim đã mang đầy đủ ý nghĩa của một giải thưởng rồi.

Hội điện ảnh lý giải phim dự thi phải do nhà sản xuất gửi chứ đạo diễn không có quyền. Vậy, anh có liên lạc với nhà sản xuất để họ gửi phim? Nhà sản xuất có được biết về giải thưởng này?

Bộ phim của tôi có sự tham gia sản xuất của nhiều công ty thuộc nhiều quốc gia, mọi vấn đề liên quan việc sản xuất, phát hành đều được quy định rõ trong hợp đồng; tôi là đạo diễn, tôi chỉ chịu trách nhiệm về mặt sáng tạo, được trả nhuận bút cho phần việc đó. Hãng chịu trách nhiệm sản xuất chính đang giữ quyền phát hành.

Sau Cannes, họ sẽ không bao giờ gửi phim đến bất kì liên hoan phim hay Giải thưởng điện ảnh nào trên thế giới nếu không nhận được screening fee (phí chiếu phim, thông thường khoảng 300 đến 600 euro cho mỗi buổi chiếu). Đây là một quy định rõ ràng và không có ngoại lệ. Riêng với thị trường Việt Nam, chúng tôi được quyền quyết định nhưng họ sẽ không đồng ý trả tiền để in bản phim, và đó là cả một vấn đề…

Nghe nói trước đây, Bi, đừng sợ! cũng không được Cục điện ảnh ủng hộ? Thực hư việc đó ra sao và nó có ảnh hưởng gì tới việc đem phim tham dự hay trong việc tham gia Cánh diều không?

Phim Bi, đừng sợ! có sự đóng góp về tài chính của Quỹ hỗ trợ sản xuất phim – Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Việt Nam, Cục Điện ảnh là một trong những cơ quan tham gia tư vấn cho quá trình xét duyệt tài trợ này, vì thế tôi nghĩ nếu ngay từ đầu Cục không ủng hộ thì chúng tôi cũng khó nhận được tài trợ.

Về sau, khi phim hoàn thành và trình duyệt, Cục đã yêu cầu cắt bỏ khoảng 5 phút mà Cục cho là không phù hợp, đây là một điều rất đáng tiếc nhưng tôi không cho rằng nó liên quan đến thái độ ủng hộ hay không ủng hộ của Cục đối với tác phẩm. Khi một bộ phim đã được cấp phép thì về Luật, không có cơ quan nào, ngay cả Cục Điện ảnh có quyền can thiệp việc chúng tôi gửi phim hay không gửi phim đến đâu…

Có thể nói Bi, đừng sợ! là bộ phim tiêu biểu cho dòng phim độc lập bắt đầu manh nha và được biết đến ở Việt Nam. Là người tiên phong, anh có thể nói gì về dòng phim này?

Phim độc lập là dòng phim gìn giữ sự sâu lắng cần thiết cho điện ảnh như một môn nghệ thuật đã trưởng thành, thiếu nó, điện ảnh rất dễ trở thành một trò giải trí thông thường cho trẻ con.

Dòng phim, nội dung phim kiểu khai phá như Bi, đừng sợ! sẽ là dòng phim anh theo đuổi? Nếu tư nhân mời anh làm phim kiểu phim Tết, phim hè, phim Noel..., anh có nhận?

Cho đến hiện tại thì đúng là như vậy. Câu hỏi thứ hai của bạn thì tôi chưa nghĩ đến, đợi khi nào có nhà sản xuất đến đặt vấn đề hẵng hay, còn đến giờ, cũng chưa ai mời tôi cả.

Anh có dự định làm ở nơi nào đó, một môi trường điện ảnh (nhà nước hay tư nhân) để đỡ mệt mỏi trong việc tìm kiếm tài trợ, sản xuất phim?

Việc tìm nhà đầu tư để sản xuất phim bao giờ cũng mệt cả và nó hoàn toàn không phụ thuộc vị trí anh đang đứng. Tôi không nghĩ vị trí của tôi hiện tại khiến tôi vất vả hơn những người khác; nhìn các bạn đồng nghiệp cả trong lẫn ngoài nước, tôi tự thấy mình đã may mắn nhiều lắm.

Dự án sắp tới của anh là gì, công việc, phim..., anh có thể kể một chút về nó?

Tôi đang chuẩn bị cho một dự án mới dự kiến bấm máy vào cuối năm 2011, có tựa đề Cha và con và… Phim này dựa trên một câu chuyện có thật đăng trên báo Thanh Niên 15 năm trước, kể về một đám thanh niên tại một xóm trọ nghèo một hôm rủ nhau đi đình sản để lĩnh thưởng… Rất nhiều chuyện bất ngờ, giật gân đã xảy ra.

Phim sẽ được quay tại Sài Gòn và miền Tây, đầu tháng 3 tôi sẽ bắt đầu casting, cuối tháng 3 sẽ mang dự án sang LHP Hồng Kông để gặp các nhà đầu tư, bắt đầu một hành trình dài đi tìm vốn sản xuất. Nhưng tôi cũng thấy vui vì tại LHP Hồng Kông lần này, bên cạnh dự án của tôi, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng sẽ đến để trình bày dự án phim nghệ thuật mới tinh của anh ấy có tên Dream State.

Đạo diễn Phan Đăng Di (sinh năm 1976) đã làm 2 phim ngắn gây được tiếng vang lớn là Sen - lựa chọn trình chiếu tại LHP ngắn nổi tiếng nhất thế giới: Clermont Ferrand (2006), Khi tôi 20 (LHP Venise lựa chọn dự thi).

Anh cũng là tác giả được đề cử kịch bản hay nhất của Giải thưởng điện ảnh châu Á năm 2009 với phim Chơi vơi. Bi, đừng sợ! là phim dài đầu tay của Phan Đăng Di, sản xuất bởi Le Arte, Sud-est và BHD năm 2009, hoàn thiện hậu kỳ tại Pháp tháng 4-2010. 

Bi, đừng sợ! kể câu chuyện về một gia đình ở Hà Nội. Bi, 6 tuổi sống cùng bố mẹ, người cô ruột chưa chồng và bà giúp việc lâu năm. Xáo trộn của gia đình bắt đầu xảy ra khi ông nội Bi - một người già đau ốm ở phương xa - bỗng nhiên trở về. Đó là hai thế giới hiển hiện với những người đàn ông loay hoay với những cơn say, sự đau đớn của bạo bệnh và những người phụ nữ gắng giải phóng cho mình khỏi những ám ảnh từ dục vọng cá nhân.

Với những viên đá lạnh của một bối cảnh Hà Nội mùa hè nóng đến bức bối, mỗi nhân vật có một cách trải nghiệm với nó để sống tiếp. Bi muốn giữ lại sự bất tử của những chiếc lá khi ướp nó vào đá, đá xoa dịu cơn đau của người ông, người cô ruột dùng những viên đá làm tan ham muốn dục vọng, và những cơn khát vô tận trong những cơn say triền miên của bố Bi…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG