Không đột phá, ô tô Việt Nam bị xe Lào, Campuchia cạnh tranh

Sau 10 năm, cùng hàng loạt các hợp tác mở rộng sản xuất, phân phối, liên doanh cùng Tập đoàn Hyundai, Tập đoàn Thành Công đã chuyển dịch cơ cấu từ nhập khẩu nguyên chiếc 100% thành sản xuất lắp ráp gần 100%,...
Sau 10 năm, cùng hàng loạt các hợp tác mở rộng sản xuất, phân phối, liên doanh cùng Tập đoàn Hyundai, Tập đoàn Thành Công đã chuyển dịch cơ cấu từ nhập khẩu nguyên chiếc 100% thành sản xuất lắp ráp gần 100%,...
TPO - Bộ Công Thương nhận định, nếu các nhà sản xuất ô tô trong nước không sớm có giải pháp hữu hiệu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chắc chắn sẽ khó lòng cạnh tranh với thị trường khu vực khi AFTA có hiệu lực, trong đó có cả xe Lào và Campuchia.

Trong báo cáo về tình hình sản xuất ô tô 9 tháng đầu năm 2019, Bộ Công Thương cho biết, sản lượng sản xuất ô tô 9 tháng qua ước đạt hơn 240.000 chiếc, tăng 8,3% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, sản lượng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhập khẩu tăng mạnh tới 3,86 lần về lượng và 3,5 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, đạt 73.063 chiếc với trị giá 1,39 tỷ USD.

Theo bộ này, các hãng sản xuất cũng như nhập khẩu đều đang dồn lực để đón đợt mua sắm cuối năm, trước mắt là phục vụ cho kỳ triển lãm lớn nhất trong năm diễn ra vào tháng 10 tới.

Hiện nay, trong nước có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 680.000 xe/năm.

Các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đề ra đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô; phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động; Chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện.

Đáng lưu ý, theo Bộ Công Thương, giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa bằng chất lượng xe nhập khẩu.

Về tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi, Bộ Công Thương cho biết, mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7 – 10%. Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa ...

“Hiện tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65 - 70%, Thái Lan đạt tới 80%. Như vậy, nếu các nhà sản xuất ô tô trong nước không sớm có giải pháp hữu hiệu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chắc chắn sẽ khó lòng cạnh tranh với thị trường khu vực khi AFTA có hiệu lực (một hiệp định thương mại tự do đa phương giữa các nước trong khối ASEAN. Theo đó, sẽ thực hiện tiến trình giảm dần thuế quan xuống 0-5%)”, Bộ Công Thương nhận định.

Chỉ ra nguyên nhân khiến ngành công nghiệp ô tô trì trệ, Bộ Công Thương cho rằng, do quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn quá nhỏ, trong khi ngành công nghiệp ô tô phát triển dựa vào lợi thế quy mô; Số lượng doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô quá nhiều so với quy mô thị trường.

Bên cạnh đó theo Bộ Công Thương, các loại thuế, phí đối với sản phẩm ô tô chưa thực sự hợp lý, chưa tạo thuận lợi cho đa số người dân sở hữu ô tô.

Đồng thời, các chính sách liên quan đến ngành chậm ban hành so với các nước trong khu vực làm mất cơ hội thu hút đầu tư. Chính sách trong nước chưa ổn định và đồng bộ, do đó chưa tạo được bước đột phá cho việc phát triển ngành...

Cạnh tranh gay gắt, cách nào gỡ khó cho xe nội?

Theo Bộ Công Thương, ô tô nhập khẩu thuế 0% sẽ không chỉ là ô tô các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia hiện nay mà còn là ô tô từ các quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) như Nhật Bản, Canada, hay Đức, Anh, Pháp trong 7-10 năm tới.

Bộ Công Thương dự kiến nhập siêu ngành ô tô năm nay sẽ đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỷ USD. Bên cạnh sức ép từ các quốc gia đi trước, Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh từ sự phát triển của các nước đi sau trong khu vực (Myanma, Lào, Campuchia).

Nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với những định hướng quan trọng.

Đối với xe chở người đến 9 chỗ ngồi (xe con), mục tiêu đến năm 2020 - 2025, xe sản xuất trong nước đáp ứng 60 - 70% nhu cầu thị trường và nội địa hóa đến 2020 đạt từ 35 - 40%, đến năm 2021 - 2025 đạt 40 - 45%.

Đối với xe tải và xe khách, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung vào phát triển các chủng loại sản phẩm sản xuất trong nước có lợi thế và các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, nông thôn; các loại xe chuyên dùng.

Thời gian tới, Bộ này cũng sẽ phối hợp với các bộ ngành trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách mới tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp lớn, thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn có kèm theo chuyển giao và làm chủ công nghệ tại Việt Nam.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước, với thời hạn của chính sách là từ 5-10 năm...

MỚI - NÓNG