Đó có thể là vấn đề tranh chấp thương mại Mỹ - Trung, là ý định của ông Trump về việc rút khỏi NATO, hay tình trạng chính phủ Mỹ đóng cửa một phần đang đe dọa nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sẽ rất khó để không thảo luận về ông tại Diễn đàn kinh tế thế giới diễn ra ở khu nghỉ dưỡng trượt tuyết của Davos, Thụy Sĩ, từ ngày 22-25/1.
“Ông Donald Trump sẽ đóng vai trò lấn át ở Davos cho dù ông ấy có ở đó hay không”, CNBC dẫn lời ông Tome Nides, Phó Chủ tịch Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Morgan Stanley và là cựu Thứ trưởng ngoại giao Mỹ.
“Điều mọi người lo nhất là quan hệ thương mại Mỹ - Trung và sức khỏe của kinh tế toàn cầu. Thực tế thì Mỹ là tâm điểm trong mọi cuộc thảo luận quanh Davos, và vì Donald Trump gây tranh cãi, nên những cuộc nói chuyện bên hành lang Davos sẽ đều về ông ấy”, ông Nides phán đoán.
“Trật tự của Mỹ đã qua, nhưng người ta chưa biết trật tự tiếp theo là gì. Thế giới đang bước vào giai đoạn nguy hiểm hơn, hỗn loạn hơn và điều mà những người tới Davos cần nghĩ đến là làm cách nào để bảo đảm khả năng hồi phục trước những cú sốc sắp tới”, ông Ian Bremmer, sáng lập viên hãng tư vấn Eurasia Group, nói.
Năm ngoái, khi đến Davos để nói về quan điểm “Mỹ là trên hết” và tự hào về sức mạnh của kinh tế Mỹ, ông Trump có một thị trường chứng khoán đầy khả quan và chính sách giảm thuế doanh nghiệp để tự hào. “Mỹ cởi mở với kinh doanh, và chúng ta đã lại cạnh tranh được”, ông Trump nói tại Davos năm 2018.
Thế giới đang chờ xem điều gì sẽ được nói đến ở Davos, bởi những lãnh đạo tập đoàn như CEO Goldman Sachs David Solomon, CEO Uber Dara Khosrowshahi và những chính trị gia như Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron năm nay không đến Davos vì bận xử lý các cuộc biểu tình của phe “áo vàng”, còn Thủ tướng Anh Theresa May còn bận với “Kế hoạch B” cho Brexit.
Ngoài G7, lãnh đạo Nga và Ấn Độ đang ngó lơ Davos. Ông Tập Cận Bình là lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên dự hội nghị này vào năm 2017, nhưng năm nay cử cấp phó sang. Reuters dẫn lời một quan chức Trung Quốc thường xuyên dự diễn đàn ở Davos các kỳ trước nói rằng Trung Quốc không bao giờ kỳ vọng đạt được tiến triển với Mỹ về chiến tranh thương mại tại diễn đàn này. “Đó chỉ là cơ hội để đưa ra tuyên bố chính trị”, ông nói.
“Davos sẽ bị lấn át bởi nỗi lo lắng lớn đối với thị trường chứng khoán, tăng trưởng kinh tế chậm lại và chính trị quốc tế”, ông Nariman Behravesh, chuyên gia kinh tế trưởng tại hãng dịch vụ thông tin toàn cầu IHS Markit, đánh giá.