Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nói rằng, Đà Nẵng đã trải qua hơn 8 ngày không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, nhưng chưa đủ cơ sở để khẳng định thành phố đã sạch các ca dương tính trong cộng đồng. Ông yêu cầu các đơn vị chức năng của thành phố thiết lập lại trạm kiểm soát ở các khu vực cửa ngõ đường bộ, đường hàng không và các bến tàu, xe.
“Lúc này không có nhiệm vụ nào cao hơn chống dịch. Đây là nhiệm vụ hàng đầu. Tất cả các nhiệm vụ khác phải song hành thực hiện. Đà Nẵng đang muốn làm sạch bên trong thì phải ngăn ngừa xâm nhập bên ngoài vào. Phải có cả biện pháp bên trong và bên ngoài”, ông Quảng nói.
Ông yêu cầu các ngành chức năng thay đổi phương thức kiểm soát người ra vào thành phố, tăng cường sử dụng công nghệ như khai báo y tế điện tử, quét mã QR…
Xét nghiệm lần 2 cho công nhân
Ngày 27/5, chính quyền Đà Nẵng quyết định sẽ tổ chức xét nghiệm lần 2 cho Khu công nghiệp (KCN) An Đồn nơi có dịch COVID-19 bùng phát và lây lan hàng chục ca. Riêng các KCN khác, việc xét nghiệm lần 2 phải giao cho chủ doanh nghiệp thực hiện, thành phố không xét nghiệm cho doanh nghiệp nữa.
Doanh nghiệp mong có vắc-xin cho công nhân
Trong tọa đàm mới đây về gỡ khó cho doanh nghiệp (DN) khi dịch COVID-19 bùng phát, ông Thân Ðức Việt, Tổng Giám đốc Công ty May 10, nói: “Chúng tôi vẫn đang yêu cầu 200 lao động dạng F2, F3 ở nhà. Nếu kéo dài, sẽ rất khó để duy trì sản xuất, bởi may mặc làm theo thời vụ, tính theo ngày, chứ không còn theo tuần”. Theo ông, DN đã đưa ra các kịch bản chống dịch khác nhau, như cách ly tổ sản xuất, cách ly cả toà nhà, nhưng các vấn đề cách ly, truy vết, dập dịch chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề, vắc-xin mới đóng vai trò trọng yếu. PGS.TS Ðặng Ngọc Ðức (Ðại học Kinh tế quốc dân) nhận định: “Ðể giúp duy trì lao động, việc tiêm vắc-xin cho công nhân là cần thiết trong thời điểm này. Bên cạnh đó, phải tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính bởi đây là một trong những yếu tố DN cho rằng gây phiền phức, cản trở sự phát triển của DN”.
Ngọc Linh
“Tại tất cả các địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang…, việc xét nghiệm cho công nhân tại các KCN doanh nghiệp phải chịu chi phí hết. Chỉ mỗi Đà Nẵng là đang bỏ tiền ra để xét nghiệm cho các doanh nghiệp. Vì vậy, việc xét nghiệm lần thứ 2 chủ doanh nghiệp phải chịu chi phí và phải thực hiện theo yêu cầu của thành phố”, ông Quảng nói.
Ông yêu cầu ngành chức năng tập trung cao độ đảm bảo an toàn tại các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, không để vỡ trận tại các KCN.
Đà Nẵng đang triển khai xét nghiệm cho công nhân tại 6 KCN và 1 khu công nghệ cao với 65.444 lao động.
Hôm qua, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, yêu cầu Sở Y tế, UBND các quận, huyện trên cơ sở kết quả xét nghiệm ra thông báo cụ thể bằng văn bản kèm danh sách, kết quả xét nghiệm công nhân các nhà máy gửi bàn giao cho chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động để tiếp tục chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, bắt buộc người lao động trong doanh nghiệp khai báo y tế và ký bản cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
“Nếu xảy ra các trường hợp người lao động mắc COVID-19 thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, chịu toàn bộ chi phí phòng, chống dịch và phải tạm dừng hoạt động cho đến khi đảm bảo an toàn”, ông Chinh nói.