Không để thiếu nguồn hàng Tết Nguyên đán Tân Mão 2011

Không để thiếu nguồn hàng Tết Nguyên đán Tân Mão 2011
TPO - Theo dự báo của Sở Công thương Tp.Hà Nội, tháng 12-2010 và 2 tháng đầu năm 2011, nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Để đảm bảo nguồn hàng, Sở Công thương yêu cầu tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão 2011 từ 20-22%, cam kết không thiếu nguồn cung cấp hàng hóa tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng tăng giá tùy tiện, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Trên đây là một trong những nội dung quan trọng tại buổi họp báo về tình hình triển khai thực hiện bình ổn giá cả, thị trường những tháng cuối năm 2010 và phục vụ Tết Nguyên đán Tân Mão 2011 do Sở Công thương Tp.Hà Nội tổ chức hôm 22-11 vừa qua.

Tăng điểm bình ổn giá lên 500 điểm

Đánh giá của Sở Công thương, đến thời điểm này, UBND Tp.Hà Nội đã hoàn thành việc hỗ trợ 400 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay nhằm dự trữ các mặt hàng thiết yếu với lãi suất 0% để tồn trữ và bình ổn giá trên địa bàn. Hoạt động bình ổn giá đã phát huy tác dụng, góp phần giảm đà tăng giá, nhất là đối với hàng thiết yếu.

Các doanh nghiệp triển khai điểm bán hàng bình ổn giá, thực hiện treo biển nhận diện theo quy định; cố định ở những vị trí dễ nhìn, dễ nhận biết. Ngoài ra, chiến dịch “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với việc đưa hàng Việt về thị trường nông thôn qua các phiên chợ, Tp.Hà Nội đã tổ chức được 31 phiên chợ tại các huyện ngoại thành (tiêu chí hai phiên/huyện, mỗi phiên ba đến năm ngày). Doanh thu mỗi chợ phiên đạt 123 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết hiện Hà Nội có 396 điểm bán hàng bình ổn giá (52 điểm tại hệ thống siêu thị, 25 điểm tại các cửa hàng chuyên doanh, các cửa hàng tiện ích, 72 điểm tại các chợ truyền thống, còn lại là các tại hệ thống các cửa hàng, đại lý khác), tăng gấp 2 lần năm 2009, nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu đối với người dân thủ đô. Theo đó, đến cuối năm, Sở Công thương sẽ nỗ lực tăng điểm bình ổn lên khoảng 500 điểm.

Cũng theo Sở Công thương, mức lưu chuyển hàng hóa tháng Tết Nguyên đán Tân Mão sẽ tăng từ 20-22% so với các tháng khác và trên cơ sở nhu cầu tiêu dùng một số nhóm hàng thiết yếu. Do đó, Sở Công thương báo cáo thành phố kế hoạch để đôn đốc các doanh nghiệp chủ động tham gia thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán với khối lượng hàng phong phú. Cụ thể: Tổng Cty Lương thực miền Bắc chuẩn bị 2.600 tấn gạo các loại; Cty Xăng dầu khu vực I dự trữ 40 triệu lít xăng dầu; Tổng Cty Thương mại và các đơn vị thành viên triển khai dự trữ 17 mặt hàng, gồm: gần 500 tấn thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm các loại; 860 nghìn trứng gia cầm; 2.568 tấn thủy, hải sản đông lạnh, thực phẩm chế biến; 3.220.000 lít dầu ăn; 1.700.000 chai (lon) rượu, bia, nước ngọt; 570 tấn bánh mứt kẹo và 500 tấn rau, củ, quả các loại... với tổng giá trị khoảng 785 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, dịp Tết Nguyên đán, Tổng Cty Bia - rượu - nước giải khát sẽ đưa ra thị trường khoảng 75 triệu lít bia, rượu các loại; Cty CP Bánh mứt kẹo Hà Nội 400 tấn bánh, mứt kẹo. Các trung tâm thương mại, siêu thị như Metro, BigC, Intimex, Fivimart, Co.opmart... cũng sẵn sàng cung ứng hàng hóa ra thị trường Tết với tổng tiền hàng trị giá khoảng 1.200 tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp và hàng vạn hộ kinh doanh trên toàn hệ thống chợ Hà Nội dự kiến đưa ra thị trường khoảng 12.000 tấn thịt lợn, 6.000 tấn thủy sản, hơn 1.000 tấn thịt gia cầm và 50.000 tấn rau, củ, quả...

Xử lý nghiêm doanh nghiệp đẩy giá trục lợi

Trước đó, ngày 17-11, UBND Tp.Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm đơn vị sản xuất, kinh doanh lợi dụng biến động thị trường đẩy giá trục lợi, đồng thời thực hiện các biện pháp để kiếm chế tốc độ tăng giá những tháng cuối năm 2010 và đầu 2011.

Theo UBND Tp.Hà Nội, từ đầu năm đến nay mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp để ổn định giá, tuy nhiên do những biến động bất thường của giá thép, xăng dầu, vàng… nên đã đẩy giá các mặt hàng tiêu dùng tăng cao.

Văn bản của UBND yêu cầu tổ chức, cá nhân đẩy mạnh sản xuất để tăng lượng hàng hoá cung ứng ra thị trường dần ổn định giá bán hàng hoá, dịch vụ. Tuyệt đối không lợi dụng biến động của thị trường để tăng giá hàng hoá. Hàng thuộc danh mục bình ổn giá phải kê khai để loại trừ các yếu tố hình thành giá không phù hợp. Yêu cầu Sở Công thương dự trữ hàng hoá, mở rộng nguồn hàng và các mạng lưới bán hàng bình ổn giá tới các chợ dân sinh, đảm bảo phù hợp với nguồn hàng cung ứng theo nhu cầu tiêu dùng tại các điểm đăng ký bình ổn giá. Giá bán các mặt hàng này đảm bảo nguyên tắc bán thấp hơn giá thị trường tối thiểu 10% khi có biến động giá.

Ngoài ra, UBND chỉ đạo các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra thực hiện việc niêm yết giá bán hàng của tiểu thương, theo dõi diễn biến giá cả, cung cầu hàng hoá trên địa bàn. Phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của nhà nước về đầu cơ, liên kết độc quyền, lợi dụng nhu cầu tăng cao trong dịp lễ tết để trục lợi bất chính.

Trong năm 2010, UBND TP.Hà Nội đã sử dụng vốn ngân sách 400 tỷ đồng tạm ứng cho các doanh nghiệp không tính lãi suất để dự trữ, bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu, góp phần kiềm chế lạm phát từ ngày 1-7-2010 đến ngày 1-3-2011. Hàng bình ổn giá tập trung chủ yếu vào 9 nhóm hàng gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy hải sản, thục phẩm chế biến, dầu ăn, đường, rau quả.

Theo Quảng cáo
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.