Không dễ hóa giải 'trái đắng'

0:00 / 0:00
0:00
Không dễ hóa giải 'trái đắng'
TP - COVID- 19 lần thứ tư đã thể hiện rõ sức “tàn phá" khi nợ xấu toàn ngành ngân hàng đang chuyển xấu rõ rệt. “Nợ xấu COVID” ngày càng chiếm phần lớn. Nếu cuối năm 2020, nợ xấu nhận diện tổng thể chỉ ở mức 3,8% thì tháng 5/2021 cộng thêm “nợ xấu COVID” con số đã lên đến 5%.

Tiếp tục, đến tháng 6/2021, nợ xấu ngoại bảng cộng lại lên tới 7,2% (trong khi đó nợ xấu nội bảng ghi nhận trên báo cáo của các tổ chức tín dụng chỉ 1,7%).

Nợ xấu chuyển xấu nhanh. Thậm chí, không những “đe dọa” xóa bỏ kết quả và nỗ lực ấn tượng của hệ thống ngân hàng 5 năm qua, mà nó còn kéo lùi thành công của toàn hệ thống về mức của gần 5 năm trước. “Nếu không có COVID-19 thì chắc chắn chỉ tiêu giảm nợ xấu hoàn toàn xuống dưới 3% của toàn ngành đã đạt được”, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước từng chia sẻ.

Nợ xấu vốn dĩ không bao giờ ngọt, bởi nó là sản phẩm sinh ra trong quá trình vay mượn giữa khách hàng, doanh nghiệp và các ngân hàng. Nó đem tới rủi ro có nguy cơ mất vốn của ngân hàng, mất tài sản thế chấp của người vay.

Những ngày này, câu chuyện về nợ xấu khiến nhiều tổ chức không vui. Đơn cử: có những chủ doanh nghiệp đứng trước nguy cơ xử lý nợ tài sản thế chấp sẽ rơi vào tình cảnh tay trắng mất đất, mất nhà, khách sạn; có những người dân thì đang khóc ròng vì có thể bị đấu giá đất mất nhà, sổ đỏ, ô tô… Còn ngân hàng, với việc rao bán nợ, xử lý, thu hồi, mua bán nợ nhiều có khi bị mang tiếng là thiếu nhân văn… Nhưng trớ trêu, có những khoản nợ, ngân hàng đã lùi hạ xuống dưới giá vốn từng cho vay mà bán đâu có dễ.

Thống kê thời gian qua, dư nợ ở các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng dịch Covid-19 chiếm tới khoảng hơn 80%-90% dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam, điều này khiến cho số nợ quá hạn và nợ xấu phát sinh là rất lớn, tất yếu. Dự đoán nó sẽ để lại hậu quả nặng nề cho cả nền kinh tế và ngành ngân hàng.

Giải pháp nào cho xử lý nợ xấu “thời hậu COVID -19”? Theo Phó Thống đốc Thường trực ông Đào Minh Tú, đến thời điểm này, nợ xấu thực sự trở thành trách nhiệm chung của cả ngành ngân hàng, doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế cần phải cùng nhau gánh vác. Để cấp thiết ứng cứu, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng tổng thể các biện pháp như: yêu cầu các ngân hàng minh bạch không che giấu nợ xấu; không được cho khách hàng đảo nợ trên chính khoản vay tài sản bằng các biện pháp nghiệp vụ “luồn lách”. Bên cạnh, sửa đổi Thông tư 01 và 03 qua Thông tư 14 với những điểm linh hoạt như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ngăn ngừa và có phác đồ điều trị nợ xấu cấp là ưu tiên số 1 nhưng song song với đó là phải giúp cho các doanh nghiệp vượt khó, trợ lực nền kinh tế và bảo đảm an toàn hệ thống. Xử trái đắng nợ xấu, đúng là không dễ!

MỚI - NÓNG