Theo ông Tuyến, để đạt tăng trưởng kinh tế 8%/năm thì 6 tháng cuối năm cần đạt ít nhất 9,2% và các đơn vị phải liên tục cải cách, cải tiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Còn bất cập, hạn chế thì các đơn vị liên quan phải đề xuất UBND thành phố tháo gỡ.
“Cái gì ảnh hưởng, gây phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp (DN) thì phải giải quyết ngay. UBND TPHCM đã báo cáo với Thành ủy, ở quận huyện vẫn giữ mô hình tổ tiếp nhận và trả kết quả. Xu hướng sắp tới sẽ là “một cửa” liên thông tại các sở ban ngành. Sở nào là đầu mối nhận kết quả thì phải có trách nhiệm trả kết quả. Thủ tục nào liên thông các sở thì sở tiếp nhận phải chịu trách nhiệm. Phải có tổ công tác do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối để cấp phép đầu tư”- ông Tuyến nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thành phố chỉ đạo, không để DN phải cầm hồ sơ chạy lòng vòng đến từng sở xin từng con dấu. Phải làm được việc này để bỏ cơ chế xin - cho và vấn nạn cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho DN. “Cán bộ công chức cũng phải tự kiểm soát, chấn chỉnh thái độ phục vụ khi tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân. Không để những sự việc nhỏ trong hoạt động gây phiền hà không đáng có”, ông Tuyến nói.
Về tổ chức lưu thông phân phối hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân, lãnh đạo UBND TPHCM khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình bình ổn giá hàng hóa, dịch vụ, chấn chỉnh, giải tỏa các chợ tự phát, chợ tạm và thay thế bằng việc bán hàng lưu động nhằm phục vụ sinh viên, công nhân với giá ưu đãi.
Theo đại diện Cục Thuế TPHCM, trong 7 tháng đầu năm, nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN gặp nhiều thuận lợi, tổng thu ngân sách TPHCM đạt 188.000 tỷ đồng, trong đó phần thu nội địa tăng 16% so với cùng kỳ năm 2016. Với kết quả này, TPHCM hoàn toàn có thể đạt chỉ tiêu thu 347.000 tỷ đồng cả năm 2017 mà Trung ương đã giao.
Tính đến ngày 19/7, TPHCM thu được 57.803 tỷ đồng; dự kiến đến hết tháng 7 sẽ đạt hơn 62.000 tỷ đồng. Tình hình thu ngày càng căng thẳng, các mặt hàng có nguồn thu lớn như ô tô, sắt thép về TPHCM ngày càng ít, nhiều khả năng không đạt kế hoạch đề ra.