Chiều 19/11, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng có buổi tiếp xúc với cử tri thành phố.
Tại buổi tiếp xúc, hàng loạt ý kiến của cử tri TP Đà Nẵng đã quan tâm đề cập, góp ý đến công tác phòng chống tham nhũng cũng như việc xây dựng các bộ Luật quan trọng để ngăn ngừa, hạn chế tham nhũng.
Cử tri Nguyễn Thanh Ngọc (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) nêu ý kiến về việc thời gian qua, một số cán bộ cấu kết với kẻ xấu "ăn chia" đất đai, gây bất bình. Điều này phải khắc phục triệt để trong quá trình sửa đổi bổ sung Luật đất đai.
Cử tri Đà Nẵng nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri chiều ngày 19/11. Ảnh: Nguyễn Thành |
“Không để đất đai thành chùm khế ngọt cho bao kẻ tham lam cấu kết chia nhau, kiếm chác. Không để tái diễn các vụ án như Phan Văn Anh Vũ, Dương Thị Bạch Diệp, Alibaba và hàng ngàn trường hợp tương tự trong cả nước như thời gian qua”, ông Ngọc kiến nghị.
Bên cạnh đó, cử tri TP Đà Nẵng cũng đề nghị phải hoàn thiện Luật đấu thầu để triệt tiêu nạn đấu thầu giả, quân xanh, quân đỏ. Vì đi liền với đó là nạn tham nhũng, hạ thấp chất lượng công trình, dự án kéo dài thời gian, đội vốn….
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Nguyễn Thành |
Tiếp thu và trả lời ý kiến cử tri TP Đà Nẵng, ông Võ Văn Thưởng cho biết: Công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua được Trung ương chỉ đạo rất quyết liệt, đi vào chiều sâu và đạt được nhiều kết quả. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã ra nhiều quy chế, nhiều kết luận, chỉ thị đi vào cuộc sống và được nhân dân, dư luận đánh giá rất cao…
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành được thành lập đã chỉ đạo xử lý được nhiều vụ án, giải quyết được nhiều vấn đề, xử lý được nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trong chỉ đạo xử lý các vụ việc.
Từ cuối năm 2021 đầu năm 2022, trên cả nước đã xử lý về mặt đảng, xử lý về mặt hành chính, hình sự đối với hàng loạt cán bộ đảng viên sai phạm. Đồng thời, cũng đã kịp thời cho nghỉ, thay thế cán bộ có uy tín giảm sút, năng lực hạn chế…
Về công tác xây dựng, sửa đổi các bộ Luật quan trọng hiện nay, Thường trực Ban Bí thư cho biết: Yêu cầu xây dựng Luật trong tình hình mới là phải làm sao để các văn bản Luật có chất lượng, khoa học, có tính khả thi, không chồng chéo, không xung đột. Đây là yêu cầu rất cần thiết, quan trọng. Đặc biệt không để xảy ra việc cài cắm lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản pháp luật.
“Tham nhũng chính sách là rất ghê gớm. Khi làm pháp luật mà bị lợi ích nhóm cài cắm, người làm luật kết hợp với nhóm lợi ích tự phát tạo lỗ hổng thì hậu quả rất lớn”, ông Thưởng nhấn mạnh.
Đồng thời ông Võ Văn Thưởng cũng cho biết: Hiện nay, Bộ Chính trị đã có chỉ đạo về việc này. Trong quá trình làm một số Luật quan trọng đã đặt ra vấn đề kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, việc giám sát của cơ quan chức năng, nhà nước trong quá trình xây dựng pháp luật cũng được chú trọng. Để khi pháp luật có vấn đề hay khi có nảy sinh sai phạm lớn do luật gây ra, thì phải truy trách nhiệm cơ quan xây dựng luật.