Không còn hoài nghi, lo lắng

Không còn hoài nghi, lo lắng
TP- “Những thành tựu to lớn mà chúng ta đạt được trong phát triển kinh tế một năm qua đã xoá tan mọi lo lắng và hoài nghi”. 

Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã nói như vậy tại Diễn đàn thương mại và đầu tư Việt Nam sau một năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Lễ kỷ niệm một năm ngày Việt Nam gia nhập WTO, được tổ chức ngày 11/1.

Theo Phó Thủ tướng, sau một năm gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến những chuyển biến rất tích cực, trong đó nổi bật là sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu.

Trong năm 2007, Việt Nam đã thu hút trên 20 tỷ USD vốn FDI, tăng 21,5% so với năm trước. GDP tiếp tục tăng trưởng cao và ổn định ở mức 8,5% - đứng thứ hai thế giới.

Kết quả hết sức quan trọng nữa là đa số các doanh nghiệp và ngành hàng của Việt Nam (kể cả sản xuất và dịch vụ) đã bước đầu tỏ ra đủ khả năng đối phó với các thách thức, đặc biệt là sự cạnh tranh tăng mạnh và đã có những bước phát triển nhờ tận dụng được các thời cơ hội nhập mang lại.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng phát triển rất ngoạn mục, chiếm 56,9% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Riêng ngành tài chính - ngân hàng, tuy khả năng cạnh tranh còn chưa cao nhưng cũng đã có những bước đi rất ấn tượng.

Tốc độ tăng trưởng các dòng vốn chu chuyển qua hệ thống ngân hàng trong năm 2007 đạt mức cao nhất trong vòng 20 năm qua. Đồng thời, năm 2007 cũng là năm hoạt động rất hiệu quả của các ngân hàng nước ngoài và đặc biệt là khối các tổ chức tài chính phi ngân hàng tại Việt Nam.

Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam cũng đã thực thi nghiêm túc các cam kết gia nhập WTO của mình. Cụ thể, đã xây dựng và hoàn chỉnh nhiều văn bản pháp quy quan trọng nhằm đưa hệ thống pháp luật về kinh tế-thương mại phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của WTO.

Bên cạnh đó, ông Phạm Gia Khiêm cũng nói rằng, Việt Nam đã nỗ lực mạnh mẽ trong cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh chống tham nhũng.

Trong nhiều lĩnh vực, Việt Nam đã mở cửa thị trường nhanh hơn, rộng hơn so với cam kết trước hết vì lợi ích phát triển của nền kinh tế quốc dân.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cũng thừa nhận, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, nhập siêu lớn, chất lượng tăng trưởng của một số ngành chưa bền vững, năng lực cạnh tranh ở cấp độ còn hạn chế.

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng gắn kết với nền kinh tế thế giới, việc giải quyết các vấn đề nội tại của nền kinh tế để tăng trưởng và phát triển bền vững càng trở thành nhiệm vụ quan trọng và cấp bách.

MỚI - NÓNG