Không có tác dụng tìm mộ liệt sỹ

Không có tác dụng tìm mộ liệt sỹ
TP - Sau khi Tiền Phong số ra ngày 6-8 đăng bài “Sơ hở về khoa học” của tác giả Lê Mai, phản ánh việc Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học Bionet Việt Nam (Cty Bionet) phát biểu trên truyền hình dùng công nghệ xét nghiệm ADN và phát triển ngân hàng gene tìm người thất lạc sơ hở về khoa học.

Ngân hàng ADN của Bionet:

Không có tác dụng tìm mộ liệt sỹ

Sáng 11-8, TS Luyện Quốc Hải, chủ tịch HĐQT; bà Nguyễn Thị Hoài, Cty Bionet đến báo Tiền Phong phản ứng về một số vấn đề liên quan tới bài báo nói trên, đề nghị Báo gỡ bài báo trên Tiền Phong online xuống.

TS Luyện Quốc Hải: Hơn 90% là đủ tin cậy cho pháp lý

Nói tại báo Tiền Phong, TS Hải cho rằng: “100% khách hàng đến Cty Cổ phần Bionet hoàn toàn rất hài lòng". TS Hải nhận định: Kết quả xét nghiệm từ nhiều trung tâm xét nghiệm ADN như Viện Khoa học hình sự (Bộ Công An-PV) phía Nam, Viện 108 đều sai.

Ông Hải cho biết, Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an trong TPHCM làm cực kỳ sai, mà hiện nay ông phải giải quyết. Hay như việc ông Lương (GS-TS Lê Đình Lương-PV) phải đứng trước hội đồng khoa học xin lỗi về một việc sai gây ra vụ án mạng kéo dài 10 năm cũng là ví dụ…

Tại hai công văn Cty Cổ phần Bionet gửi đích danh TBT Báo Tiền Phong, TS Hải đều phản bác lại tác giả Lê Mai. Ngân hàng gene của Bionet đã được PGS-TS Quyền Đình Thi-Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học đảm bảo về mặt khoa học…

Phản ứng về nội dung bài báo, TS Hải cho biết, công nghệ STR mà Bionet áp dụng còn rất mới mẻ, cần có những hiểu biết rất chuyên sâu và số lượng loci phải đủ lớn. Trường hợp bà Hồng và bà Bóc (không trực hệ) có CSI =14, xác suất 93,3% và sử dụng 25 loci. TS Hải nói: Kết quả xét nghiệm với xác suất trên 90% là đã đủ độ tin cậy cho pháp lý rồi.

Về trường hợp bà Hồng-bà Bóc, Bionet cho biết: Câu chuyện bắt đầu từ việc ông Thủ (ở Hải Dương) tìm em gái. Khi ông Thủ đăng tin trên Vnexpress thì có 4-5 người nhận làm em gái (trong đó có bà Hồng, bà Bóc).

Khi những người này làm xét nghiệm ADN dựa vào ngân hàng gene thì kết quả so sánh cho thấy: Không có người phụ nữ nào là em ruột của ông Thủ. Tuy nhiên, một kết quả rất bất ngờ từ ngân hàng gene là giữa bà Hồng và bà Bóc lại có mối quan hệ Half-sibling. Bionet đã nhờ đối tác DDC (Mỹ) phân tích lại độc lập và cho kết quả tương đương, đồng thời xem xét lại tất cả dữ kiện, thông tin về 2 người.

TS Hải cho biết, Bionet đã tư vấn chuyên sâu về các xét nghiệm khác cho bà Hồng, bà Bóc. Tuy nhiên, vì cả 2 gia đình đã có những thông tin bổ sung, gọi hồn cho thấy: Kết quả của Bionet hoàn toàn đáng tin cậy, không cần những xét nghiệm bổ sung khác.

Lựa chọn sai lầm về công nghệ

GS-TS Lê Đình Lương, thuộc Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam cho biết Bionet lựa chọn công nghệ này là một sai lầm. Công nghệ dùng đoạn lặp lại ngắn liên tiếp (STR) nằm trên nhiễm sắc thể thường để xác định huyết thống không trực hệ hoàn toàn không mới.

Không có tác dụng tìm mộ liệt sỹ ảnh 1
GS-TS Lê Đình Lương .

Thế giới đã sử dụng hàng chục năm, không cần đến kiến thức rất chuyên sâu vẫn có thể hiểu được. Công nghệ này cho ra kết quả có độ chính xác không cao, thường dùng để sơ bộ rà soát trong cộng đồng để phát hiện các cá thể có thể có liên quan huyết thống. Thế giới hay Việt Nam hiện nay cũng chỉ sử dụng công nghệ này để cho ra kết quả có tính gợi ý.

Như thế nghĩa là nếu dùng công nghệ xác định huyết thống trực hệ này để xác định quan hệ huyết thống không trực hệ, chẳng hạn như xét nghiệm cho bà Bóc và bà Hồng, là không chính xác, mất thời gian?

Đúng thế. Dùng công nghệ này để xác định quan hệ huyết thống không trực hệ là một lựa chọn sai lầm khi mà các đương sự (bà Hồng và bà Bóc) còn đang khỏe mạnh, có thể dễ dàng tiếp cận lấy mẫu và khai thác thông tin. Tôi phải nhắc lại đây là công nghệ thế giới chỉ dùng để tìm kiếm kết quả có tính chất gợi ý mà thôi. Không ai dùng kết quả đó để kết luận.

Trên truyền hình, TS, Tổng giám đốc Cty Cổ phần Bionet khẳng định ngân hàng ADN đang được Bionet xây dựng để tìm kiếm người thất lạc. Liệu ngân hàng này có dùng để tìm kiếm hài cốt liệt sỹ được không?

Không được! Một ngân hàng gene dùng để tìm kiếm hài cốt phải bao gồm những trình tự ADN của hai đoạn HV1 và HV2. Những dữ liệu này hoàn toàn không có trong ngân hàng gene của Bionet, như đã giới thiệu trên truyền hình.

Không có tác dụng tìm mộ liệt sỹ ảnh 2
CV xin lỗi GS Lê Đình Lương do GS-TSKH Nguyễn Hữu Tăng ký.

Nhân đây, xin hỏi thêm Giáo sư về việc giám định ADN liên quan đến vụ án loạn luân ở Tiền Giang. Tại Báo Tiền Phong, TS. Luyện Quốc Hải gọi đây là vụ “Án mạng” và nói rằng, Giáo sư đã phải đứng trước hội đồng khoa học để xin lỗi. Thực hư ra sao?

Trước tiên phải khẳng định là không có án mạng nào cả và cũng không có chuyện tôi phải xin lỗi ai đó ở bất cứ đâu về vụ việc này, cũng hoàn toàn không có những chuyện ly kỳ khác mà anh Hải đã tự bịa ra. Tuy nhiên, tôi thực sự rất buồn! Không phải buồn vì nội dung của sự việc, vì sự việc đó đã được giải quyết triệt để.

Lãnh đạo tạp chí đăng những bài vu khống tôi về vụ việc này đã ra lời xin lỗi chính thức (xin gửi kèm). Tôi chỉ buồn vì anh Luyện Quốc Hải từng là sinh viên do tôi trực tiếp đào tạo, lại có thể dựng chuyện với người thầy đã dạy mình.

Ths Nguyễn Lê Cát: Kết quả 93,3% không có ý nghĩa!

Ths Nguyễn Lê Cát - Chủ nhiệm Khoa Xét nghiệm, Viện Pháp y Quân đội cho biết, kết quả phân tích ADN với xác suất 93% hoàn toàn không có ý nghĩa.

Không có tác dụng tìm mộ liệt sỹ ảnh 3
Hình minh họa về ngân hàng ADN của Bionet trên truyền hình.

Cty Bionet vừa công bố lập ngân hàng gene đầu tiên và “đòi” các nhà khoa học phải coi trọng. Việc lập ngân hàng ADN tại các cơ quan khoa học chính thống ra sao?

Nếu sử dụng ngân hàng ADN tìm kiếm người mất tích, thì có nghĩa là phải có dữ liệu ADN của người cần tìm kiếm được lưu trữ từ trước đó trong hệ thống cơ sở dữ liệu của ngân hàng.

Khi phân tích ADN để tìm kiếm người mất tích, có hai phương pháp so sánh thường được sử dụng; so sánh trực tiếp mẫu ADN cần tìm kiếm với hệ thống cơ sở dữ liệu đã được lưu trữ trong ngân hàng ADN (nếu có) hoặc so sánh gián tiếp với mẫu ADN của những người thân có quan hệ huyết thống với người cần tìm kiếm.

Hiện nay Viện Pháp y Quân đội đã hoàn thiện quy trình với cả hai phương pháp: vừa phân tích ADN nhân, vừa phân tích ADN ti thể.

Khi dùng phép thử siblingship test (TS Hải thì gọi là công nghệ full sibling và half sibling-PV) cho ra kết quả xác suất 93%, thì Viện Pháp y Quân đội cũng như trung tâm của các nước phát triển có kết luận quan hệ huyết thống không?

Viện Pháp y Quân đội là một Viện có chức năng giám định, nghiên cứu khoa học..., với quy chuẩn chặt chẽ. Nếu một kết quả xét nghiệm đạt độ tin cậy 93% thì chưa thể đưa ra được kết luận nào, có chăng kết quả đó chỉ được sử dụng để tham khảo hoặc mang tính định hướng.

Trong giám định pháp y hình sự, tranh chấp dân sự thì kết quả xét nghiệm có độ tin cậy 93% hoàn toàn không có ý nghĩa. Kết quả chỉ có ý nghĩa khi có độ tin cậy đạt 99,9% trở lên. Trong hệ thống quy chuẩn của các nước phát triển, độ tin cậy 93% không được cân nhắc và xếp loại trong giám định.

Tại Tiền Phong, TS Hải cho biết, Bionet không xét nghiệm chuyên sâu để kết luận quan hệ giữa bà Hồng và bà Bóc vì có thông tin bổ sung của gia đình nhờ gọi hồn, tâm linh. Liệu có ở đâu, đơn vị khoa học nào làm như thế không?

Khi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, chúng tôi cũng học hỏi được kinh nghiệm từ nhiều nước trong đó có Mỹ. Với những nước mà tôi được biết thì chưa có nước nào sử dụng tâm linh để tìm kiếm hài cốt. Khả năng tâm linh ngoại cảm là khả năng siêu nhiên, chúng ta không kiểm định được nó. Chúng tôi không nhận xét về việc này.

Thực tế kiểm nghiệm lại cho thấy, tìm kiếm bằng tâm linh ngoại cảm độ chính xác rất thấp. Tìm kiếm qua tâm linh, không kèm theo thông tin khách quan nào thì độ chính xác gần như bằng 0.

Theo ông, có bao giờ Viện Pháp y Quân đội và Viện 108 cũng như Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) để xảy ra nhiều sai sót khiến đơn vị nào đó ví như Cty Cổ phần Bionet phải giải quyết hậu quả không?

Tôi phải nói luôn là chúng tôi làm xét nghiệm thì sẽ chịu trách nhiệm trước kết quả xét nghiệm của mình. Không có các trường hợp phải giám định lại trong nhiều năm qua.

Viện có quan hệ hợp tác về khoa học với các đơn vị thuộc cơ quan nhà nước như Viện Khoa học hình sự, Học viện Quân y… và một số tổ chức trên thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ hợp tác về khoa học, không nhận xét về cơ quan mà chúng tôi hợp tác.

“Với công nghệ và cách làm ngân hàng gene như của Bionet đang làm thì có áp dụng cho tìm kiếm hài cốt liệt sỹ được không?

Đây là vấn đề nằm trong chiến lược rất quan trọng của Bionet. Ngân hàng gene này nó có thể phục vụ cho vấn đề quốc phòng, tội phạm hình sự (ngân hàng gene tội phạm). Ngân hàng của Bionet bên công an, quốc phòng rất muốn làm, nhưng không nổi” - TS Hải nói

n Theo bản kết quả xét nghiệm cho bà Bóc và bà Hồng từ Mỹ gửi về thì Kết quả xét nghiệm chỉ để dành cho hiểu biết cá nhân, kết quả này không có giá trị tại tòa... (Kết quả xét nghiệm do Bionet cung cấp)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.