Không có kịch bản hoàn hảo nếu Mỹ tấn công Triều Tiên

Ảnh: US Navy
Ảnh: US Navy
TPO - Khả năng nổ ra cuộc chiến giữa Triều Tiên và Mỹ ngày càng gia tăng khi mà có nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sẽ thử nghiệm tên lửa hạt nhân lần thứ sáu nhân kỷ niệm 85 năm thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên.

Mỹ có sẵn sàng cho một cuộc tấn công Triều Tiên hay không? Và Triều Tiên sẽ đáp trả thế nào? Đây là câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Theo giới phân tích, để chuẩn bị cho một cuộc tấn công Triều Tiên, Mỹ phải có nhiều công tác chuẩn bị trên các phương diện: tình báo, vũ khí, quân số, hậu cần và dư luận quốc tế. Tuy nhiên, xét về tình hình thực tế Mỹ khó có được một kịch bản hoàn hảo nếu khai hỏa nhằm vào Triều Tiên.

Khi Mỹ mở một cuộc tấn công, nhiều khả năng Triều Tiên sẽ chọn giải pháp đáp trả đơn giản đó là tấn công vào các công dân Mỹ ở Hàn Quốc, kể cả bắt cóc và dẫn độ về Triều Tiên. Quyết liệt hơn, Triều Tiên có thể sử dụng hỏa lực pháo binh tập trung dọc khu vực biên giới để bắn phá Seoul.

Thương vong và thiệt hại trong trường hợp này không thể đong đếm được. Đánh đổi Seoul lấy chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ không phải là một lựa chọn hợp lý, trừ khi có giải pháp đảm bảo an toàn. 

Để tấn công Triều Tiên và ngăn chặn Triều Tiên đáp trả hủy diệt nhằm vào Hàn Quốc, Mỹ trước hết phải sử dụng đòn tấn công tên lửa, không kích tiêu diệt pháo binh của Triều Tiên.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, Mỹ chưa biết ý định hành động của Triều Tiên và việc chờ đợi có thể sẽ là thảm họa, vì chỉ vài tiếng chậm trễ là đủ để Triều Tiên gây thiệt hại nghiêm trọng cho Hàn Quốc.

Với Mỹ, đòn tấn công nhằm vào đồng minh thân cận là không thể chấp nhận được và vì vậy luôn phải tính sẵn kịch bản Triều Tiên sẽ giáng trả Hàn Quốc.

Tiếp đó để giành ưu thế trên chiến trường, Mỹ khi đó phải xem xét sử dụng không quân không kích dọc khu vực phi quân sự về phía Triều Tiên nhằm tiêu diệt hỏa lực pháo binh có tầm bắn vươn tới Seoul. Nói cách khác, Mỹ sẽ phải phá hủy một khu vực đặc biệt rộng lớn trong một thời gian cực kỳ ngắn.

Ở đây lại xuất hiện trở ngại khác, đó là hệ thống phòng không của Triều Tiên hiện sở hữu rất nhiều tên lửa đất đối không (SAM), thậm chí có thông tin cho rằng nước này đã phát triển được hệ thống phòng không gần giống với hệ thống S-300 của Nga và có khả năng "bắt chết" máy bay Mỹ cách xa mục tiêu hàng trăm km. 

Không có kịch bản hoàn hảo nếu Mỹ tấn công Triều Tiên ảnh 1 Hệ thống pháo phòng không của Triều Tiên xuất hiện trong một buổi duyệt binh tại Thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: Yonhap

Để hủy diệt pháo binh Triều Tiên, Mỹ sẽ phải dựa nhiều vào các máy bay ném bom chiến lược. B-52 là loại phù hợp nhất với  nhiệm vụ này nhờ khả năng mang được nhiều vũ khí, phóng chính xác từ độ cao lớn.

Nhưng do Triều Tiên có các loại SAM vươn tới trần bay của B-52, mà hệ thống tàng hình của "pháo đài bay" này rất kém nên rất có thể nhiều B-52 sẽ bị bắn hạ.

Để giảm tổn thất, Mỹ có thể sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-1 hoặc B-2 (tàng hình trước radar). Tuy nhiên, chưa bao giờ Mỹ thử nghiệm đòn tấn công này đối với các trận địa SAM được thiết lập dày đặc như ở Triều Tiên. Hơn nữa, số lượng B-1, B-2 trong kho không nhiều, trong khi đòi hỏi phải tiến hành hàng loạt đợt không kích. 

Không có kịch bản hoàn hảo nếu Mỹ tấn công Triều Tiên ảnh 2 Máy bay ném bom B-2 Spirit và các tiêm kích F-22 của Không quân Mỹ. Ảnh: Lầu Năm góc

Sau khi đã sử dụng tên lửa và không quân, đến đây, Mỹ buộc phải trở lại với đòn tấn công thông thường, được gọi là chiến dịch "chế áp phòng không đối phương" (SEAD). Lực lượng tham chiến chủ yếu là các máy bay tấn công gây nhiễu, được trang bị tên lửa có radar dẫn đường, có hệ thống tác chiến điện tử phát hiện sóng radar.

Số tên lửa này sẽ làm nhiệm vụ tiêu diệt các trạm radar, "bịt mắt" và khiến các trận địa SAM của Triều Tiên trở nên vô dụng. Nhưng lại xuất hiện thách thức khác, đó là các đòn đánh SEAD kéo dài ít nhất trong vài ngày, thậm chí vài tuần, đủ để pháo binh Triều Tiên hủy diệt Seoul. 

Như vậy, có thể thấy rằng nếu đánh phủ đầu Triều Tiên, điều mà Mỹ lo lắng nhất chính là khả năng thủ đô Seoul thất thủ. Xem ra Mỹ không có kịch bản hoàn hảo để tấn công Triều Tiên.

Nói cách khác, ngoại trừ xuống thang căng thẳng, không một đòn tấn công công quân sự nào nhằm vào Triều Tiên được coi là khả quan. 

MỚI - NÓNG