Cử nhân ngây ngô
Hằng năm, các công ty tại khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất trên cả nước đều có nhu cầu tuyển nhân lực trình độ cao ở tất cả khối ngành. Dù mỗi năm Việt Nam có hàng ngàn cử nhân ra trường nhưng các nhà tuyển dụng vẫn khó tuyển được người đạt yêu cầu.
Như Cty TNHH Denso Việt Nam (KCN Thăng Long, Hà Nội) mỗi năm cần tuyển khoảng 100 người có trình độ cao đẳng, đại học vào vị trí kỹ sư và nhân viên. Đợt tuyển năm 2013, công ty nhận được 4.000 hồ sơ; năm 2014, dù đợt tuyển chưa kết thúc, nhưng công ty đã nhận được hơn 5.000 hồ sơ.
Bà Nguyễn Thùy Linh, Phòng nhân sự Cty TNHH Denso Việt Nam cho biết, dù có hàng ngàn hồ sơ, nhưng sau 3 vòng thi (xét hồ sơ, thi kiến thức, phỏng vấn), tỷ lệ đạt yêu cầu chủ yếu rơi vào cử nhân các trường danh tiếng như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Giao thông Vận tải, Ngoại thương, Học viện Tài chính, Ngân hàng...
“Cử nhân những trường này thường được ưu tiên hơn, do khi đi làm họ hoàn thành tốt công việc. Ngoài ra, trình độ ngoại ngữ, vi tính, khả năng thuyết phục, nhiệt tình với công việc… cũng hơn hẳn cử nhân những trường khác”, bà Linh nói.
Theo bà Linh, cử nhân những trường mới, ngành đào tạo chưa phù hợp, chất lượng kém hơn rất nhiều.
“Cử nhân những trường này khi phỏng vấn họ thường rất ngây ngô, thiếu cả kiến thức lẫn kỹ năng mềm. Đây là do chất lượng đào tạo và ý thức tự học của sinh viên, nhiều người tâm lý chơi nhiều hơn học, khi ra trường không thể đáp ứng được yêu cầu công việc”, bà Linh nói.
Theo nhà tuyển dụng này, khi tốt nghiệp phổ thông nhiều người không đủ kiến thức thi những trường đại học lớn, lại không muốn học trung cấp, học nghề. Nhiều em cố gắng theo đuổi ước mơ có bằng đại học bằng cách theo học những trường “mới và yếu”, nên thất nghiệp là… đương nhiên.
TS Bác sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa (Phó Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc) cho biết, mỗi năm ông được các công ty thuê khám sức khỏe cho hàng ngàn công nhân trước khi được tuyển.
Cử nhân mệt mỏi chờ đến lượt được gọi phỏng vấn
Từ kinh nghiệm thực tế ông thấy, cử nhân hiện nay không chỉ thiếu năng lực chuyên môn, khi xin đi làm công nhân, cử nhân còn gặp vấn đề về sức khỏe thể chất.
“Khi khám sức khỏe cho công nhân mới, dù họ không nói tôi cũng biết có rất nhiều người vừa học xong đại học, cao đẳng”, BS Nghĩa nói. Ông dẫn chứng, cử nhân đi khám tuyển thường bị loại do mắt cận học đường. Ngoài ra, do những năm sinh viên ít vận động, rèn luyện thể thao, ăn uống không đầy đủ.. khi đo nhịp tim, huyết áp thường yếu, không ổn định… không đạt yêu cầu của các công ty.
Theo BS Nghĩa, đa số các trường đại học, cao đẳng hiện chưa chú trọng đến việc rèn luyện thể chất cho sinh viên. Các trường đều dạy thể chất, nhưng theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, thậm chí chỉ dạy lý thuyết.
Nhiều công ty tìm mọi cách loại cử nhân khỏi vị trí công nhân phổ thông do liên quan tới pháp lý. “Nếu lỡ tuyển phải cử nhân vào làm công nhân, trong quá trình làm việc, nếu phát hiện có bằng cử nhân chúng tôi đều phải chấm dứt hợp đồng với họ. Dù những người có bằng vẫn nhanh nhạy, ăn nói lưu loát, tiếp cận công việc nhanh hơn lao động phổ thông. Nhưng quy định của công ty như vậy không thể làm khác”, bà Nguyễn Thùy Linh nói.
Trước thực tế đó, ông Vũ Hồng Quang, Trưởng ban Chính sách Kinh tế - Xã hội (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết: Các công ty tuyển dụng lao động phổ thông vì họ “yêu công việc và dễ bảo”.
“Các nhà tuyển dụng rất ngại những người nhiều chữ vì hay cãi, biết nhiều về quy định, chính sách”, ông Quang nói. Tuy vậy, theo ông Quang, đây là tâm lý tiêu cực tại các công ty, nhưng chỉ có thể tuyên truyền, không thể xử lý vì họ không phạm luật.
Thuê sân vận động làm giảng đường
Thực tế, dù có bằng cử nhân nhưng không đáp ứng được yêu cầu công việc ngày càng nhiều. Lý do một phần tới từ các trường đào tạo, khi chưa chú trọng chất lượng, chỉ lo về số lượng. Nhà trường thiếu quan tâm dạy những kỹ năng lao động cần thiết, thiếu hiểu biết pháp luật…
Hệ quả của tình trạng này gây ra cho xã hội vô cùng lớn, khi tiền của gia đình, nhà nước, xã hội cho việc đào tạo mỗi cử nhân không nhỏ; cử nhân thất nghiệp gây lãng phí nhân lực…
Ông Vũ Hồng Quang cho rằng, có một thời gian dài hệ thống giáo dục nước ta chưa coi trọng kiểm soát chất lượng đào tạo, có trường thuê cả sân vận động để làm giảng đường; giảng viên chủ yếu thỉnh giảng, khi có đoàn kiểm tra mới mời về cho đủ người theo quy định. Đoàn kiểm tra đi, giảng viên cũng rút theo.
Như một trường Sư phạm tại Mỹ Đình (Hà Nội), trong danh sách có giảng viên tiếng Anh, nhưng thực tế chỉ là mượn tên. Giảng viên này là con dâu của một cán bộ phòng đào tạo, khi có đoàn kiểm tra người này tới trình cho đủ người.
Theo ông Quang, Luật Dạy nghề đã quy định về chuẩn nghề, chuẩn chương trình đào tạo nhưng việc thực hiện chưa tốt. Cơ quan giám sát chưa làm tốt trách nhiệm kiểm định chất lượng dẫn tới đào tạo ồ ạt, kém chất lượng. Kết quả tất yếu là số lượng cử nhân thất nghiệp ngày càng nhiều.