Không có bàn tay vẫn còn đôi chân

Không có bàn tay vẫn còn đôi chân
Mặc dù đã mất đi đôi bàn tay, cậu học trò Võ Văn Kiệt (đang học lớp 9T2, Trường THCS Nguyễn Trãi, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) cố gắng nỗ lực tập viết, vẽ bằng chân. Không những vậy, em đã kiên trì tập gõ và sử dụng máy vi tính một cách thành thạo bằng đôi bàn chân.

Không có bàn tay vẫn còn đôi chân

> Cô giáo khuyết tật làm thủ lĩnh thanh niên
> Những sinh viên có nghị lực phi thường

Mặc dù đã mất đi đôi bàn tay, cậu học trò Võ Văn Kiệt (đang học lớp 9T2, Trường THCS Nguyễn Trãi, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) cố gắng nỗ lực tập viết, vẽ bằng chân. Không những vậy, em đã kiên trì tập gõ và sử dụng máy vi tính một cách thành thạo bằng đôi bàn chân.

Dù mất đi đôi tay, Kiệt đã nỗ lực học tập và là tấm “gương sáng” cho bạn bè noi theo
Dù mất đi đôi tay, Kiệt đã nỗ lực học tập và là tấm “gương sáng” cho bạn bè noi theo.

Tai nạn bất ngờ

Chị Trần Cẩm Thúy (mẹ ruột Kiệt) kể lại, trước đây gia đình chị quê tận huyện Kế Sách (Sóc Trăng). Cuộc sống ở quê khá vất vả, quanh năm bám mặt ruộng đồng nhưng vẫn không đủ chi tiêu trong nhà. Khi đó, một người bà con đã nói vợ chồng chị về thị xã Ngã Bảy phụ bán vật liệu xây dựng.

Năm đó, Kiệt cũng vừa hoàn thành chương trình tiểu học, với thành tích là học sinh giỏi 5 năm liền. Khi về thị xã Ngã Bảy, Kiệt được vào học tại trường THCS Nguyễn Trãi. Phát huy thành tích học tập của mình, 2 năm liền Kiệt đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường.

Một điều không may mắn với em, vào một ngày đầu tháng 8-2009, trong lúc Kiệt đang dùng chổi nhôm quét mạng nhện ngoài ban công. Bất ngờ, luồng điện từ đường dây điện trung thế gần đó xẹt ngang trúng vào cây chổi, khiến Kiệt bất tỉnh. Mọi người chạy ra ban công, thì phát hiện Kiệt bị cháy xém liền đưa vào Bệnh viện cấp cứu. Nhưng do vết thương quá nặng, sau đó Kiệt đã được chuyển lên BV Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh điều trị.

Kiệt viết bằng chân một cách thành thạo
Kiệt viết bằng chân một cách thành thạo.

“Khi đó, các sĩ bảo muốn giữ mạng sống cho con thì phải cưa 2 cánh tay, vì vết bỏng quá nặng đã làm hoại tử đôi tay. Dù đau lòng, nhưng tôi cũng cố kiềm nén khi chứng kiến con mình nằm trong phòng mổ”, chị Thúy nghẹn nghào kể lại. Riêng Kiệt, khi tỉnh lại em đã gào khóc, đòi chết cho xong khi biết 2 cánh tay của mình đã bị mất.

Trở về với đôi bàn tay không lành lặn sau 2 tháng nằm viện, Kiệt đã suy sụp hoàn toàn. Nhiều lúc, Kiệt bị mê sảng, cơn đau hành hạ làm em từ một cậu bé nhanh nhẹn, hoạt bát trở nên ít nói, hay trầm tư. Nhưng bằng nghị lực và sự động viên của người thân, thầy cô, Kiệt đã “đứng dậy”, khắc phục những khó khăn của mình để không trở thành gánh nặng cho mọi người.

Không “đầu hàng” số phận

Nhờ sự dìu dắt của người chị, Kiệt dần dần tập viết bằng chân. Hằng ngày, chị của Kiệt kèm em mình viết từng chữ cái bằng chân. Sau đó, dùng bảng tập đồ để Kiệt đồ lại từng chữ như học sinh lớp 1. Chị Thúy nhớ lại: “Thấy con viết bằng chân khó quá, phải dùng các ngón chân kẹp cây viết ở giữa, nhiều lúc các ngón chân cứng đơ, tôi bảo con thôi đừng học nữa nhưng nó vẫn cương quyết tập viết cho bằng được”.

Dần dần, những chữ cái quen thuộc ngày nào Kiệt đã viết được, rồi ghép chúng lại với nhau thành câu, từ hoàn chỉnh. Biết con mê môn tin học, nên ba mẹ Kiệt đã đầu tư cho con mình một chiếc máy tính xách tay. Khi đó, thầy Huỳnh Diệu Sanh (giáo viên dạy môn tin học Trường THCS Nguyễn Trãi) biết chuyện của Kiệt, đã dành thời gian rảnh sang nhà hướng dẫn em. Hơn 1 năm cố gắng, Kiệt đã điều khiển con chuột bằng chân, gõ bàn phím bằng hai cánh tay cụt và sử dụng thành thạo cả máy tính để bàn lẫn máy tính xách tay.

Với đôi bàn tay cụt, nhưng Kiệt sử dụng bàn phím máy vi tính rất nhanh nhẹn
Với đôi bàn tay cụt, nhưng Kiệt sử dụng bàn phím máy vi tính rất nhanh nhẹn.

Nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy giáo, sự cố gắng không mệt mỏi của Kiệt, em đã thi đậu chứng chỉ tin học trình độ A, rồi trình độ B của Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học tỉnh Hậu Giang. “Đối với những em học sinh lành lặn trạc tuổi Kiệt, việc sử dụng máy vi tính còn chưa thông thạo nhưng Kiệt lại lập “thành tích” nhỏ cho riêng mình. Đây là một nỗ lực rất lớn của em ấy”, thầy Sanh nói.

Niềm tin đã trở lại, Kiệt quyết định trở lại mái trường sau hơn 2 năm tạm ngưng việc học. Năm học 2011-2012, Kiệt vào học lớp 8 tại Trường THCS Nguyễn Trãi. Ngày đầu đến lớp, thấy Kiệt viết bằng chân, các bạn xung quanh ai cũng nhìm xem với ánh mắt hiếu kỳ. Khi biết được hoàn cảnh và ý chí vượt khó của Kiệt, ai cũng trầm trồ khen ngợi.

Thầy Nguyễn Văn Hóa, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trãi tự hào khi kể về cậu học trò: “Tuy mất đi đôi tay nhưng Kiệt đã phấn đấu trở thành học sinh giỏi. Bạn bè, thầy cô trong lớp đều giúp đỡ em ấy”. Và bây giờ, Kiệt trở thành tấm “gương sáng” hiếu học để các bạn cùng trường noi theo.

Với những “kỳ tích” đó, Kiệt đã được chọn tham gia vào đoàn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của tỉnh Hậu Giang ra Hà Nội gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân ngày Quốc tế thiếu nhi vừa qua. Kiệt đã dùng chân vẽ một bức tranh đồng quê tặng Chủ tịch nước và một bức tranh về trường lớp tặng nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.

Khi được hỏi về ước mơ sau này, Kiệt bày tỏ em mong muốn trở thành một giáo viên dạy tin học để truyền đạt những kiến thức mà mình có cho thế hệ mai sau. Cô Nguyễn Thị Mai Duyên, giáo viên chủ nhiệm lớp 9T2 chia sẻ: “Dù phải học chung với các bạn nhỏ tuổi hơn mình nhưng Kiệt không tự ti hay mặc cảm và luôn hòa đồng với mọi người. Các thầy, cô ở trường, dù khó hay dễ tính đều rất thương yêu Kiệt, không chỉ vì hoàn cảnh của em, mà còn do em là một người biết vươn lên, không chịu đầu hàng số phận”

Theo Văn Vĩnh
Công An Nhân Dân

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.