'Không chứng minh tài sản là khó khăn trong phòng chống rửa tiền'

'Không chứng minh tài sản là khó khăn trong phòng chống rửa tiền'
TP - Trả lời Tiền Phong về tình hình phòng chống rửa tiền tại Việt Nam thời gian qua ngày 22/7, ông Nguyễn Văn Ngọc-Cục trưởng Cục phòng chống rửa tiền Ngân hàng Nhà nước thừa nhận kết quả đạt được trong công tác này còn khiêm tốn do nhiều lý do trong đó có phần hạn chế về cơ sở pháp lý.

> Hé lộ 'chân rết' rửa tiền Liberty Reserve ở Việt Nam
> Phá đường dây rửa tiền lớn nhất trong lịch sử

Ông Nguyễn Văn Ngọc
Ông Nguyễn Văn Ngọc.

Phát hiện vụ việc còn khiêm tốn

Ông Ngọc cho biết: Tình hình tội phạm rửa tiền ở Việt Nam chưa có đánh giá chính thức của cơ quan thẩm quyền về vấn đề này. Liên quan đến kết quả mà cơ quan pháp luật đạt được, nó được phản ánh còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân là vì năm 2009, Quốc hội mới thông qua sửa đổi Bộ Luật Hình sự 1999, sửa đổi điều 251 thành tội rửa tiền. Luật sửa đổi bổ sung này có hiệu lực 1/1/2010. Nhưng khi có tội danh rồi, cũng chưa có thể xem xét để điều tra truy tố xét xử tội này vì nó còn khá mởi mẻ ở Việt Nam và chế tài chưa có nhiều…

Vậy kể từ khi Luật đưa tội danh này vào, và cơ quan chức năng bắt tay vào thực thi, đã có những vụ việc nào được phát hiện và phương thức thực hiện của tội phạm này diễn ra như thế nào, thưa ông?

Theo như thông tin mà Viện Kiểm sát tối cao cho hay thì hiện nay đang xem xét để xử lý truy tố 2 cá nhân lên quan tới tội danh rửa tiền, vụ Huỳnh Thị Huyền Như- vụ án lớn Về phương thức, trước đó, họ đã có những hoạt động bất hợp pháp.

Huỳnh Thị Huyền Như lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền của cá nhân, tổ chức, sau đó có hành vi che giấu, chuyển tiền bất hợp pháp (theo thông tin mới nhất từ cơ quan công an hiện vụ án này đã chuyển sang chức danh tội cho vay nặng lãi- PV). Từ những tội danh này, chúng ta sẽ truy tố thêm tội danh rửa tiền. Nhưng cũng cần phải xem xét liệu chúng ta có xử tội phạm kép hay không.

Các tổ chức quốc tế từng cảnh báo Việt Nam có thể trở thành điểm đến của tội phạm rửa tiền. Ảnh: ngọc châu
Các tổ chức quốc tế từng cảnh báo Việt Nam có thể trở thành điểm đến của tội phạm rửa tiền. Ảnh: ngọc châu.

Ông có thể nói cụ thể hơn về giá trị số tiền rửa và cách thức tiến hành hành vi trong vụ án này?

Số tiền tính trên giao dịch khoảng 70 triệu đồng. Vì đây là vụ án lớn đang được cơ quan công an điều tra nên chúng tôi không thể nói gì nhiều.

Khó tìm nguồn gốc tiền

Để phòng chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra quy định giao dịch trên 200 triệu đồng trong ngày thì phải báo cáo? Việc này có được các ngân hàng thương mại tuân thủ?

Hiện 100% các NHTM đã cài đặt hệ thống báo cáo tự động. Báo cáo giao dịch tiền mặt không phải là báo cáo giao dịch liên quan đến rửa tiền, mà chỉ là tiềm ẩn rủi ro rửa tiền cao, nên thu thập để phân tích, trên cơ sở phân tích đó, để xem có trường hợp nào rửa tiền.

 Rửa tiền phải có hợp tác quốc tế, vì bản thân tội phạm rửa tiền tiềm ẩn yếu tố quốc tế. Theo kiến nghị của FATF, lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền thì các quốc gia cần có sự hợp tác với nhau.

Ông Nguyễn Văn Ngọc

Với các nước, một số tiền đến ngưỡng nào đó sẽ phải khai thác nguồn gốc nhưng Việt Nam không có. Điều này có thể làm “lọt” đối tượng và tiền rửa không thưa ông?

Trên thực tế phải xem lại quy định trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước theo Bộ Luật Tố tụng hình sự. Theo bộ luật đó, các cơ quan của Nhà nước phải có trách nhiệm chứng minh xem xét một vấn đề nào đó có vi phạm pháp luật hay không. Vì vấn đề đó, người dân không có trách nhiệm chứng minh tài sản. Đây cũng được xem là khó khăn trong phòng chống rửa tiền... Ở Mỹ, người ta chuyển hướng là người dân phải có trách nhiệm chứng minh được khối tài sản của họ là hợp pháp.

Không có thỏa thuận nào với Liberty Reserve

Các tổ chức quốc tế từng cảnh báo Việt Nam có thể trở thành điểm đến của tội phạm rửa tiền. Về nhận định này ông thấy sao?

Thực ra, với hoạt động kinh tế mở của Việt Nam chúng ta đang có hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó có đầu tư Việt Nam ra nước ngoài và nước ngoài vào Việt Nam. Đây là điều tất yếu thông thường, như quy định của IMF là các quốc gia không được sử dụng các biện pháp để ngăn chặn nguồn tiền vãng lai, như các nguồn vốn đầu tư. Vậy, với hội nhập, việc chuyển vốn là đương nhiên. Từ góc độ rửa tiền, chúng tôi chỉ nói là những khó khăn, thách thức, chứ không thể nói vì không có biện pháp đấu tranh chống rửa tiền mà hạn chế. Tóm lại, với phương thức đó, tội phạm rửa tiền có thể lạm dụng việc đó để chuyển hoặc rửa những đồng tiền bất hợp pháp là có.

Liên quan đến thông tin cho rằng website của tổ chức chuyển tiền Liberty Reserve (Mỹ) tại Việt Nam có thực hiện chuyển tiền và giao dịch qua bốn NHTM thời gian qua, thông tin Cục phòng chống rửa tiền nắm về vụ việc này đến đâu?

Còn liên quan đến Liberty Reserve xin khẳng định lại là hiện chưa có cơ quan nào, cả Việt Nam và nước ngoài khẳng định là 4 NHTM ở Việt Nam có liên quan đến Liberty Reserve ở nước ngoài. Qua điều tra của chúng tôi, không có thỏa thuận nào giữa trang mạng của Việt Nam ký thỏa thuận với Liberty Reserve liên quan đến dịch vụ đảm bảo thanh toán, mua bán của Liberty Reserve.

Xin cảm ơn ông !

Năm 2009, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống rửa tiền, chỉ đạo các ngành phòng chống rửa tiền trên toàn quốc. Ngân hàng Nhà nước thành lập Cục phòng chống rửa tiền, trực thuộc cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng. Ngoài ra, Bộ Công an, Toà án, Viện kiểm sát dù chưa thành lập cơ quan chuyên biệt nhưng đã có các đầu mối để phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, như C46 BCA, Vụ Pháp chế, đơn vị của Tổng cục An Ninh… trong phòng chống rửa tiền.

Khánh Huyền

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG