Không chùn bước và tỏa sáng

Bùi Trung Hiếu (giữa) trong một lần nhận học bổng.
Bùi Trung Hiếu (giữa) trong một lần nhận học bổng.
TP - Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, xảy ra nhiều biến cố nhưng Bùi Trung Hiếu và Lâm Thiên Phú vẫn nỗ lực vươn lên để học giỏi. Hiếu, Phú là những gương sáng thanh niên, vinh dự được về Thủ đô tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ IV, do T.Ư Đoàn tổ chức, diễn ra từ 28-29/8.

“Học để không còn thời gian mà buồn”

Đó là câu nói của Bùi Trung Hiếu, SN 1997, quê huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam khi tâm sự về tuổi thơ đầy những buồn, đau. Cha bỏ đi khi mới lên 2 tuổi, Hiếu phải sống với người bác ruột để mẹ ra Hà Nội làm ăn. Năm Hiếu lên 3 tuổi, bố về báo đã có vợ mới và một cô con gái. Năm học lớp 6, mẹ ruột Hiếu sinh thêm một em bé trai.

Ngày mẹ sinh em cũng là ngày Hiếu nhận bác ruột làm mẹ nuôi và ở hẳn cùng bác. Người mẹ thứ 2 của Hiếu không có chồng, lại ốm yếu nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Để nuôi Hiếu ăn học, mẹ nuôi phải làm nhiều việc, từ bán than, làm thuê, đến trồng rau, nuôi gà. Ngoài giờ học, Hiếu giúp mẹ nuôi chở than cho khách hàng trong xã. Hè năm lớp 10, 11, Hiếu vác đá thuê trong mỏ khai thác gần nhà, mỗi ngày làm từ 5 đến 6 giờ, với mức tiền công 50-70 nghìn đồng. Tiền kiếm được Hiếu dùng để mua sách vở.

Lên lớp 12, Hiếu suy sụp tinh thần khi mẹ ruột đột ngột qua đời. “Trước khi mất, mẹ căn dặn, nếu có mệnh hệ gì thì nhờ bác gửi em trai vào trại trẻ mồ côi. Nhưng mẹ nuôi thương em lắm nên đã nhận nuôi cả hai anh em”, Hiếu kể. 

“Mình học để không còn thời gian mà buồn. Cứ rỗi là mình tập trung vào giải đề Toán, Lý, học tiếng Anh… Mẹ mất rồi, mình phải học thật giỏi, sau này có công ăn việc làm ổn định để còn làm chỗ dựa cho mẹ nuôi và em trai”. 

Trung Hiếu chia sẻ

Từ ngày mẹ ruột mất, cách duy nhất khiến cậu bớt buồn là lao vào học tập. Hiếu học rất giỏi, suốt 12 năm là học sinh giỏi toàn diện. Cậu từng đoạt giải Ba môn tiếng Anh cấp tỉnh lớp 10, 11. Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, Hiếu còn là 1 trong 5 học sinh có số điểm cao nhất nước, được vinh dự trao giải Hoa Trạng nguyên. Hiếu thi đỗ vào hai trường đại học với số điểm cao: Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội (116/140 điểm) và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (9,14/10 điểm). 

“Mình học để không còn thời gian mà buồn. Cứ rỗi là mình tập trung vào giải đề Toán, Lý, học tiếng Anh… Mẹ mất rồi, mình phải học thật giỏi, sau này có công ăn việc làm ổn định để còn làm chỗ dựa cho mẹ nuôi và em trai”, Hiếu nói.

Sau khi suy nghĩ, Hiếu chọn ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Với sự nỗ lực trong học tập, Hiếu săn được nhiều học bổng (tiếp sức đến trường; học bổng hỗ trợ học tập của Trường ĐH Bách khoa...). Năm học đầu tiên, trong học kỳ I, Hiếu đạt loại khá (7.0 tính theo hệ 10); học  kỳ hai đạt loại xuất sắc (9.2).

Không chùn bước và tỏa sáng ảnh 1

Lâm Thiên Phú (bên trái) cùng bạn thân.

Bí thư đoàn mẫn cán

Lâm Thiên Phú, SN 1997, hiện là học sinh lớp 12 chuyên Sinh (Trường THPT chuyên Bến Tre). Sinh ra trong một gia đình có 6 anh, chị em ở thành phố Bến Tre, Phú mồ côi mẹ từ năm 8 tuổi. Năm lớp 8, bố đi bước nữa để lại Phú cùng mấy anh, chị em tự mình nuôi nhau. Phú kể, nhà nghèo nên từ lớp 7 đã phải bươn chải làm nhân viên phục vụ nhà hàng, quán karaoke để có tiền ăn học. “Ban ngày đi học, tối lại đi làm thêm ở quán. Hôm sau đi học người bơ phờ, buồn ngủ díu mắt nhưng lúc đó vì hoàn cảnh phải cố thôi”, Phú kể.

Phú ham học, cứ có thời gian rỗi là cậu dành cho việc học tập. Bởi với Phú, chỉ có con đường học tập mới có hy vọng vươn lên thoát nghèo. Năm 2013, trong đợt thi vượt cấp lên lớp 10, Phú thi đậu vào lớp chuyên Sinh (Trường THPT chuyên Bến Tre). Biết được hoàn cảnh gia đình Phú, Đoàn Trường THPT chuyên Bến Tre đã tạo điều kiện để cậu học tập như: không thu tiền học phí, ở ký túc xá của trường.

Không phụ sự kỳ vọng, Phú là một trong những học sinh giỏi xuất sắc, tiêu biểu của trường với nhiều thành tích đáng nể: đạt HCV Olympic 30-4 và HCB cuộc thi Trại hè Phương Nam, môn Sinh học năm học 2014-2015; giải Nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học năm học 2015-2016. Trong 2 năm liền, Phú được nhận học bổng Trần Văn Ơn do Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Bến Tre xét tặng (học bổng dành cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống và học tập tốt). “Số tiền giành được từ học bổng em dùng chi tiêu sinh hoạt và mua sách vở”, Phú cho hay.

Luôn năng nổ tích cực trong hoạt động Đoàn, được sự tín nhiệm của thầy cô, bạn bè, năm lớp 11, Phú trở thành Ủy viên BCH Đoàn trường nhiệm kỳ 2014-2015; sau đó là Bí thư Đoàn trường nhiệm kỳ 2015-2016. Phú vinh dự được nhận Giấy khen của Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn với thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong phong trào thanh thiếu nhi; nhận được danh hiệu “Tôi - Người Thanh niên Đồng Khởi mới” (danh hiệu cao quý dành cho những người thanh niên Đồng Khởi tiêu biểu).

Về dự định của bản thân, Phú cho biết, sẽ cố gắng học tập tốt để có thể thi đậu vào một trường đại học y để có cơ hội trở thành bác sỹ chữa bệnh cứu người.

MỚI - NÓNG
Tắm rừng được nhiều người làm nghệ thuật lựa chọn vì nó có khả năng kích thích các ý tưởng sáng tạo
Du lịch ôm cây để chữa lành
TP - Thoạt nghe nhiều người sẽ cho rằng đây lại là một trò “điên” gì khác của giới trẻ, song trên thực tế, việc ôm cây trong nghi thức tắm rừng đang trở thành một liều thuốc ngon, bổ, rẻ cho những tâm hồn cần sắp xếp, làm mới lại mình. Xu hướng này bắt đầu từ Nhật Bản và hiện đang lan tỏa mạnh mẽ ở Việt Nam.