Cuộc gặp Obama-Medvedev:

Không chờ đợi bước đột phá

Không chờ đợi bước đột phá
TP - Ngày 5/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama rời Nhà Trắng sang thăm chính thức Liên bang Nga trong hai ngày, bắt đầu từ ngày 6/7, theo lời mời của Tổng thống Dmitry Medvedev.

>> Ông Obama muốn khởi đầu mới trong quan hệ Nga-Mỹ

Hãng tin Nga Ria-Novosti cho biết, trong thời gian ở thăm ông Obama sẽ có cuộc hội đàm cấp cao với các nhà lãnh đạo Nga. Các cuộc hội đàm này tập trung vào các vấn đề cắt giảm vũ khí hạt nhân, kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu, và những vấn đề khác về quan hệ quốc tế và quan hệ song phương Nga-Mỹ.

Sau khi thăm Nga, Tổng thống Barack Obama sẽ sang Ý dự Hội nghị thượng đỉnh G-8 trước khi thăm Ghana.

Trước chuyến thăm Nga, Tổng thống Mỹ Obama đã có cuộc trả lời phỏng vấn của báo Novaya Gazeta - một trong những tờ báo đối lập của Nga. Trong đó, ông Obama nói rằng việc Mỹ tìm cách xây dựng lá chắn tên lửa ở châu Âu là nhằm bảo vệ Mỹ và các đồng minh châu Âu khỏi tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân từ Iran chứ không phải từ Nga.

Tổng thống Obama nói Mỹ đã và sẽ không bao giờ lập hệ thống phòng thủ tên lửa nào nhằm chống tên lửa từ phía Nga vì đó là lối tư duy của thời kỳ chiến tranh lạnh.

Thời chính quyền của Tổng thống George W. Bush, Washington đạt được thỏa thuận với Warsaw và Prague về việc triển khai 10 tên lửa đánh chặn ở Ba Lan và một hệ thống radar cảnh báo sớm ở Cộng hòa Czech vào năm 2013. 

Matxcơva liên tục phản đối kế hoạch này cho rằng hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Đông Âu đe dọa an ninh quốc gia của Nga và phá vỡ sự cân bằng quân sự ở châu Âu.

Trước chuyến thăm Nga, Tổng thống Mỹ Obama từng có lần cho thấy ông có thể treo các kế hoạch của người tiền nhiệm George W. Bush về vị trí thứ ba trong hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ. Ông Obama cho rằng cần có thêm những phân tích khác nữa.

Trước chuyến thăm Nga lần này, Tổng thống Barack Obama hứa sẽ “cài đặt lại” các quan hệ Nga-Mỹ mà dưới thời Tổng thống George Bush bị giảm sút xuống mức thấp nhất của thời kỳ chiến tranh lạnh.

Ông Obama nói trên tờ báo đối lập Nga Novaya Gazeta: “Tôi tìm cách khởi động lại các mối quan hệ với Nga vì tôi tin rằng người Mỹ và người Nga có nhiều lợi ích chung-những lợi ích mà hai chính phủ của chúng ta vừa qua đã không cố gắng theo đuổi một cách tích cực nhất”.

Trong khi đó, từ Matxcơva, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev bày tỏ sự lạc quan ở mức khiêm tốn đối với chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Tổng thống Mevedev nói với báo RAI và Corriere della Sera rằng cách đây vài ngày ông nói chuyện điện thoại với Tổng thống Obama về chương trình nghị sự của chuyến thăm, và về quá trình chuẩn bị hiệp ước mới cắt giảm vũ khí chiến lược.

Theo ông, đó là nội dung quan trọng nhất của chuyến thăm. Ngoài ra, chương trình nghị sự cũng mở rộng sang sự lo ngại khác như các cuộc xung đột trong khu vực, nỗ lực vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu, xung đột địa phương và các mối quan hệ song phương.

Tổng thống Medvedev kết luận về chuyến thăm Nga của Tổng thống Obama: “Nói chung tôi chỉ lạc quan một cách khiêm tốn, tất nhiên hãy để kết quả chuyến thăm tự nói lên tất cả”.

Đây là chuyến thăm chính thức Nga đầu tiên của Tổng thống Obama kể từ ngày nhậm chức. Trong chuyến thăm này, Tổng thống Obama và Tổng thống Medvedev được chờ đợi ký kết một hiệp định song phương trong đó phía Nga đồng ý để cho Mỹ vận chuyển quân và thiết bị quân sự bằng đường không qua không phận Nga để sang Afghanistan.

Hai bên sẽ ký thỏa thuận mở một hành lang quan trọng cho quân đội Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến chống lực lượng Taliban nổi dậy ở Afghanistan theo chiến lược mới về Afghanistan của Tổng thống Obama.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.