Nhà Tùng ở xã Văn Giang (Ninh Giang, Hải Dương), ruộng vườn rộng nên thường chăm sóc đàn gà như một thú vui của tuổi thơ. Bạn bè đặt cho Tùng tên bác sĩ thú y vì cậu say mê chăm sóc kiêm chữa bệnh cho gà. Tùng kể, những đêm đông, khi trời mờ sáng nghe tiếng gà gáy lúc nào cũng mang lại nguồn sức mạnh vô bờ thôi thúc cậu chăm chỉ học hành. Dù thời tiết có lạnh thế nào, hễ gà gáy, Tùng vung chăn, chạy đến bàn học với ước mơ trở thành bác sĩ...
Đàn gà lớn phổng, mẹ đem ra chợ bán, lấy tiền cho đứa con trai đóng học phí, mua sách vở khiến cậu tiếc ngẩn, lại đòi nuôi đàn gà mới. Phải hơn một năm đèn sách, lần thứ 2 đi thi, Tùng đỗ hệ đại học 6 năm của Học viện Y học cổ truyền, mở đường cho một nghề Tùng đam mê và xác định sẽ học suốt đời.
Gói gém mấy bộ quần áo lên Hà Nội nhập học, Tùng thuê phòng trọ ở cùng bạn. Góc nhỏ ấy chỉ khoảng 6m2, đủ kê chiếc giường cạnh bàn học nhỏ để ngày qua ngày, hai mái đầu trẻ vẫn thường cặm cụi với những cuốn sách y học dày hàng trăm trang. Tùng được thầy cô khen có bàn tay ấm, thích hợp với thủ thuật sóng trong xoa bóp, bấm huyệt Đông y.
Tùng luôn tâm đắc với slogan “không cao nhưng cũng khiến người khác phải ngước nhìn” giúp cậu có thêm sức mạnh tham gia rất nhiều hoạt động như học thêm tại các trung tâm châm cứu, đi trực tại các bệnh viện, các chương trình tình nguyện của trường. Tùng cười: "Mình đi học như đi chơi vậy. Ra đường nhìn thấy người nào có các triệu chứng bệnh tật là tập đoán bệnh. Nhìn thấy cỏ cây là phát hiện ra thuốc!".
Giảng viên Lê Đình Yên, người truyền dạy kĩ thuật xoa bóp, bấm huyệt coi Tùng là "hàng độc". Anh thường lấy Tùng làm gương cho các sinh viên. Theo thầy Yên, Tùng chẳng vì ngoại hình xấu xí mà buồn. Bù đắp cho thiệt thòi ấy, Tùng luôn hồn nhiên tươi cười.
Tùng hiền lành, đôi phút yêu thơ quên hết mọi thứ xung quanh, đặc biệt với thơ Nguyễn Bính. Hỏi Tùng đã bao giờ làm thơ tặng bạn gái, liền có câu trả lời: "Tình yêu nằm ở trong tim/Không phải trên miệng mà tìm được đâu!”.