Không cấm và được phép

TP - Chuyện ngược đời nhưng vẫn đang diễn ra tại quận 1, TPHCM: thanh tra xây dựng đang được xem là làm thay cảnh sát, thanh tra giao thông khi đi phạt những người đậu xe (trái luật) ở lòng, lề đường.

Nghị định 34 của Chính phủ chỉ cho phép chủ tịch UBND các cấp, trưởng công an các cấp, cảnh sát giao thông đường bộ, thanh tra giao thông đường bộ được lập biên bản, xử phạt hành vi nói trên... nhưng đây mới là thí điểm, chưa triển khai chính thức.

Theo lý giải của UBND quận 1, quyết định 133 của UBND TPHCM (hướng dẫn thực hiện Quyết định 89 của Thủ tướng Chính phủ) có quy định thanh tra xây dựng được lập biên bản tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự lòng lề đường, nơi công cộng trên địa bàn quận huyện.

Xuất phát từ đó, năm 2009, Chủ tịch UBND quận1 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của thanh tra xây dựng quận này và thanh tra xây dựng của 10 phường thuộc quận 1, nêu rõ: ngoài các chức năng, nhiệm vụ được quy định, thanh tra xây dựng quận1 được tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự lòng lề đường, thanh tra xây dựng 10 phường được kiểm tra, lập biên bản, xử lý các hành vi vi phạm hành chính liên quan lĩnh vực trật tự lòng lề đường, trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông...

Và ngoài cảnh sát giao thông (xử lý các trường hợp vi phạm giao thông động), thanh tra giao thông (xử lý các trường hợp vi phạm giao thông tĩnh), đến quận 1, TPHCM, bạn có thể bị phạt lỗi đậu xe bởi thanh tra xây dựng nữa.

Có thể nói, đây lại thêm một trường hợp các cơ quan công quyền vận dụng luật theo ý mình, có lợi cho hoạt động của mình mà đẩy sự bất lợi cho người dân. Mấu chốt của vấn đề là cách hiểu các hành vi “vi phạm trật tự đô thị” là khá chung chung và cơ quan chức năng muốn diễn giải nó theo hướng nào nghe chừng cũng xuôi. Nhưng chính họ, hơn ai hết phải hiểu rằng lẽ ra nhiệm vụ xử phạt nói trên thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông.

Điều đáng suy ngẫm là hiện tượng cơ quan công quyền tùy tiện diễn giải các bộ luật hay ứng dụng luật theo ý mình trong công vụ không phải là cá biệt hiện nay. Ngay cả giám đốc công an một tỉnh miền Trung, bình luận về việc dùng lưới quăng vào bánh xe kẻ đua xe trái phép, rằng “không có luật nào cấm”, dù không dẫn ra (hay dẫn ra được) có luật nào cho phép thực hiện hành vì đó không và nếu xảy ra tai nạn thì việc xử lý trách nhiệm sẽ phải được thực hiện ra sao.

Vấn đề ở chỗ, hành vi quăng lưới không liên quan khái niệm “phản cảm” như một số tờ báo viết (phản cảm hay không tùy thuộc nhận thức và quan điểm của mỗi người) nhưng rõ ràng không có luật nào cho phép. Mà cơ quan công quyền phải là nơi đầu tiên thấm nhuần tư tưởng “công dân được làm những gì pháp luật không cấm, còn cơ quan công quyền chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”.

Theo Báo giấy