KTS Lê Viết Hải, Chủ tịch HÐQT kiêm TGÐ Công ty CP xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình:

Không cam tâm làm nhà thầu phụ

Từ dự án chung cư cao cấp Le Yuan Residence (Malaysia) hoàn thành năm 2014, Hòa Bình đã đánh dấu sự phát triển ra thị trường nước ngoài và thêm khẳng định uy tín thương hiệu của một nhà thầu trong nước với đối tác nước ngoài.
Từ dự án chung cư cao cấp Le Yuan Residence (Malaysia) hoàn thành năm 2014, Hòa Bình đã đánh dấu sự phát triển ra thị trường nước ngoài và thêm khẳng định uy tín thương hiệu của một nhà thầu trong nước với đối tác nước ngoài.
TP - Tôi thật sự ấn tượng với KTS Lê Viết Hải ngay trong lần tiếp xúc đầu tiên. Hôm ấy, tại một hội nghị. Giọng Huế, sau một bài phát biểu tràn đầy tâm huyết về năng lực của ngành xây dựng nước ta, với câu chuyện hấp dẫn xung quanh việc công ty Hòa Bình chiến thắng nhà thầu ngoại, bỏ giá thấp hơn đến 2.000 tỷ đồng và rồi sau đó anh chủ động cầm guitar, say sưa hát những bản nhạc của mình sáng tác.

Khó hình dung người đang đàn hát  kia là Chủ tịch HÐQT -  TGÐ công ty xây dựng hàng đầu của VN có hơn 6.000 CBCNV với hàng trăm công trình xây dựng nhà cao tầng trong cả nước và đã vươn ra khu vực. Nhân Tiền Phong ra số báo đặc biệt chào mừng ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, tôi đã có dịp trò chuyện với anh.   

Anh nói: “Cả một thời gian dài, ngành xây dựng của mình không phát triển. Nhưng trong thời kỳ đổi mới, đất nước phát triển, xây dựng cũng phát triển theo, chúng ta có những cơ hội rất đáng quý khi nhiều nhà thầu ngoại đến Việt Nam, đưa công nghệ mới nhất đến nên mình có cơ hội làm việc với họ. Lúc này, Hòa Bình liên doanh với nhiều nhà thầu đến từ châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tất nhiên, mình không cam tâm làm thầu phụ hoài, mình phải học hỏi cho được công nghệ để làm chủ. Và mình đã thay thế nhà thầu nước ngoài ở các dự án lớn trong nước. Tuy nhiên, nếu mình an phận, không nắm bắt cơ hội để phát triển xây dựng ra nước ngoài thì mình sẽ lạc hậu đi”.

Và công ty Hòa Bình đã đi tiên phong trong việc vươn ra nước ngoài?

Cách đây 4 năm, Hòa Bình đã ra thị trường quốc tế bằng việc đảm nhận quản lý, thi công 2 dự án lớn tại Malaysia, tiếp đó năm 2013 công ty mở rộng thị trường sang Myanmar. Ðây là những bước đi nằm trong chiến lược phát triển thị trường quốc tế nhắm tới mục tiêu Hòa Bình trở thành nhà thầu quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực siêu cao tầng.

Hòa Bình đã chiến thắng nhà đầu tư ngoại, trúng thầu với giá thấp hơn đến 1 triệu USD so với giá bỏ thầu của nhà thầu ngoại tại dự án tòa nhà Vietinbank Tower. Anh có thể nói rõ hơn về  việc này?

Dự án tòa nhà Vietinbank Tower (Hà Nội) là dự án siêu cao tầng, cao đến 363m với diện tích sàn xây dựng lên đến 362.000 m2. Phần thân bê tông cốt thép của tòa nhà, vốn ngân sách đầu tư là 3.200 tỷ. Chủ đầu tư tổ chức đấu thầu, nhà thầu ngoại bỏ giá thấp nhất là 5.300 tỷ đồng. Không đủ ngân sách, chủ đầu tư đã mời nhà thầu trong nước tham gia và Hòa Bình đã trúng thầu với giá 3.060 tỷ đồng.

Với giá thấp như thế, làm sao Hòa Bình thuyết phục được chủ đầu tư về chất lượng công trình?

Có một số yếu tố then chốt để chúng tôi mạnh dạn làm và thuyết phục chủ đầu tư, đó là việc nội địa hóa cấu kiện xây dựng nhằm giảm giá thành. Trong đó có 2 hạng mục quan trọng là các cấu kiện thép và cấu kiện bê tông sợi thủy tinh. Giải quyết được vấn đề  này, chúng ta vừa giảm được chi phí rất lớn cho dự án lại vừa nâng cao năng lực sản xuất của các công ty vật liệu trong nước. Một khi trình độ sản xuất của chúng ta đạt được đẳng cấp quốc tế thì ngành xây dựng Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để mở rộng thị trường.

Ngoài ra, với các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế Hòa Bình đang áp dụng sẽ hạn chế tối đa các yếu tố rủi ro và có chi phí quản lý thấp. Và Hòa Bình đã chứng minh được năng lực, giải quyết những bài toán phức tạp nhất trong xây dựng nhà siêu cao tầng.

Anh có thể nói rõ hơn về tính phức tạp của dự án này?

“Là một kiến trúc sư, tôi thấm thía rằng, việc xây dựng một doanh nghiệp cũng như xây một tòa nhà. Để có tòa nhà vững chãi thì phải xây dựng nền móng vững chắc. Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, cần phải được xây dựng trên một nền tảng vững bền”.

Kỹ thuật trong xây dựng nhà siêu cao tầng là rất phức tạp và đòi hỏi trình độ chuyên môn rất cao. Công trình trên 150 m được gọi là siêu cao tầng, trong khi đây là công trình cao đến 363m, 68 tầng cao, tổng diện tích xây dựng 362.000m2. Ðài móng của tòa nhà là một khối bê tông khổng lồ với trọng lượng lên đến 22.000m3. Do đó, nếu đổ bê tông không liên tục thì có rủi ro hình thành từng lớp không liên kết, còn đổ liên tục bê tông thì có rủi ro cao là nứt vì nhiệt phát sinh trong quá trình thủy hóa xi măng. Ðó là hiện tượng bê tông tỏa nhiệt trong quá trình ninh kết, làm cho nhiệt độ bên trong khối bê tông tăng cao. Trong khi đó bề mặt bê tông lại tiếp xúc với nhiệt độ môi trường sinh ra ứng suất nhiệt gây nứt khối bê tông. Nếu là khối bê tông bình thường thì chênh lệch nhiệt độ giữa tâm khối đổ và bề mặt không lớn nên không nhìn thấy hiện tượng đó rõ ràng, nhưng đối với một khối bê tông khổng lồ thì hiện tượng nứt sẽ thấy rất rõ.

Ðể giải quyết kỹ thuật phức tạp này, chúng tôi phải lắp đặt một hệ thống giảm nhiệt trong bê tông. Thực tế, các biện pháp kỹ thuật này trên thế giới đã có nhưng khi triển khai, đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao và Hòa Bình đã làm thành công. Chúng tôi có thể hãnh diện nói rằng, công trình này giống như một cuộc cách mạng trong xây dựng của Việt Nam bởi nhà thầu nội đã chứng minh được năng lực của mình, không thua gì nhà thầu nước ngoài.

“Tiền nào của nấy”, không biết với gói thầu rẻ hơn chất lượng có tương đương nhà thầu ngoại không thưa anh?

Không phải tương đương đâu mà phải nói là đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế. Có thể nói, đây là công trình xây dựng lớn nhất do một công ty xây dựng Việt Nam đảm nhiệm. Công trình này không phải là thử thách của riêng Hòa Bình mà của ngành xây dựng Việt Nam. Chúng tôi đã phải giải nhiều bài toán vô cùng nan giải về kỹ thuật, ví dụ như bài toán co ngắn cột. Theo thiết kế, một tầng có chiều cao 5m nhưng khi chồng lên 68 tầng thì chiều cao tầng đó không còn 5 m, có thể bị co ngắn do hiện tượng đàn hồi, co ngót và từ biến của bê tông. Vậy yêu cầu đặt ra là phải xây bao nhiêu để bù đắp sự co ngắn chênh lệch này sao cho khi thi công xong mỗi tầng đều phải có cao độ chính xác là 5 m. Ðiều này không chỉ là đáp ứng đúng yêu cầu như bản vẽ thiết kế mà còn để các thiết bị được lắp đặt ăn khớp. Chưa kể, mỗi vị trí, mỗi tầng có sự co ngắn khác nhau. Và chúng tôi đã tìm ra được cách giải quyết bài toán hóc búa này.

Trò chuyện với KTS Lê Viết Hải từ công việc đến cuộc đời, tôi cảm nhận khát vọng và tinh thần thép của người sáng lập và có gần 30 năm dẫn dắt Hòa Bình vượt qua nhiều sóng gió thương trường. Năm anh  lên 9 tuổi, cha anh, một hiệu trưởng trường trung tiểu học tại thành phố Huế quyết định đưa vợ con vào Sài Gòn sinh sống. Nhà đông con, nên anh chẳng có việc gì chưa từng làm qua để phụ giúp bố mẹ. Chính những năm tháng đó đã giúp anh tích lũy được nhiều bài học quý cho hoạt động kinh doanh sau này, đặc biệt là bài học về chữ nhẫn, không ngại khó, ngại khổ, tận tâm tận lực với khách hàng. Năm 1985, sau khi tốt nghiệp Ðại học Kiến trúc TP.HCM, anh vào làm việc tại Công ty Quản lý Nhà thuộc Sở Nhà đất TP.HCM. Sẵn chuyên môn cộng thêm đam mê kinh doanh từ nhỏ, nhận thấy tiềm năng của ngành xây dựng rất lớn, năm 1987, anh quyết định thành lập Văn phòng Xây dựng Hòa Bình.

 Ban đầu chỉ  5 kỹ sư và gần 20 công nhân, ba năm sau, Văn phòng Xây dựng Hòa Bình đã hoàn thành công trình khách sạn Riverside (trên đường Tôn Ðức Thắng, TP.HCM), một công trình có quy mô lớn, kỹ thuật thi công phức tạp lúc bấy giờ. Từ cột mốc này, Hòa Bình liên tục trúng thầu các dự án lớn. Gây dựng thương hiệu từng chút một, Hòa Bình đã vươn lên vị thế top đầu các doanh nghiệp xây dựng lớn nhất trong nước, là tổng thầu của nhiều dự án có quy mô hàng ngàn tỷ đồng. Năm 2015, Hòa Bình đặt mục tiêu không dưới 5.000 tỷ đồng doanh thu. Trong giai đoạn phát triển 10 năm đến năm 2024, công ty phấn đấu đạt doanh thu 45.000 tỷ đồng.

Không cam tâm làm nhà thầu phụ ảnh 1

KTS Lê Viết Hải 

Tuy nhiên, “sự nghiệp kinh doanh của tôi không phải đơn giản như cách đánh dấu những cột mốc đi lên của Hòa Bình. Tôi đã từng trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn trong việc điều hành công ty. Có thời điểm, ba mẹ tôi phải bán nhà, mượn tài sản của anh em thế chấp ngân hàng, quay vòng vốn, giúp công ty thoát khỏi khó khăn”, anh  Hải chia sẻ. Anh nói: “Là một kiến trúc sư, tôi thấm thía rằng, việc xây dựng một doanh nghiệp cũng như xây một tòa nhà. Ðể có tòa nhà vững chãi thì phải xây dựng nền móng vững chắc. Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, cần phải được xây dựng trên một nền tảng vững bền”. Và nền tảng vững bền đó, theo anh, chính là công nghệ thi công tiên tiến, có nguồn nhân lực chất lượng cao, nền tảng quản trị tốt cộng với văn hóa doanh nghiệp đậm nét. Thông điệp đó được anh  truyền tải đến mọi người trong công ty và được cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp. Năm 2009, khi ERP (hệ thống hoạch định các nguồn nhân lực) còn là khái niệm khá mới, Hòa Bình đã mạnh dạn đầu tư đồng loạt trên các dự án, tránh thất thoát và phân bổ nguồn lực một cách hợp lý. Hiện Hòa Bình cũng là công ty xây dựng trong nước đầu tiên áp dụng giải pháp BIM trong công tác thiết kế, quản lý xây dựng các công trình lớn. Hòa Bình cũng là công ty xây dựng đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đến thời điểm này được cấp chứng chỉ Conquas của Singapore khi thực hiện dự án Celadon City (TP.HCM). 

 Không rảnh rỗi nhiều nhưng anh vẫn tranh thủ thời gian để sáng tác nhạc, một niềm đam mê của anh bên cạnh cả núi công việc bộn bề. Ở các hội nghị, liên hoan công ty và gặp gỡ giao lưu bạn bè, người ta hay bắt gặp hình ảnh ông chủ tịch HÐQT kiêm TGÐ Lê Viết Hải gảy đàn guitar cất vang lên những bản tình ca về tình yêu và về công ty do chính mình sáng tác.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.