> Đối phó chứng viêm da mùa lạnh
> Da khô: Cách phòng ngừa và điều trị
Bác sĩ Nguyễn Duy Hưng, Viện Da liễu T.Ư cho biết có khoảng hơn 20% dân số ít nhất một lần mắc mày đay trong đời, căn bệnh thường bị gây ra bởi các yếu tố như thuốc, thức ăn, hoá học, vật lý, vi sinh vật.
Mày đay được chia làm 2 thể, cấp tính và mạn tính. Mày đay cấp tính là bệnh biểu hiện đột ngột ở bất cứ vùng nào trên cơ thể làm cho da sần, phù nề, ngứa dữ dội. Cơn xảy ra trong vài phút hoặc vài giờ rồi lặn hoặc có thể từng đợt kế tiếp nhau.
Trong cơn mày đay cấp có thể kèm theo sốt cao, nôn mửa, đau quặn bụng, khó thở… Mày đay mãn tính là tình trạng nổi mày đay kéo dài trên 8 tuần, không kể nhiều hay ít, có khi ngắt quãng nhiều ngày, có thể gặp các dạng khác nhau.
Bệnh thường xảy ra ở người có cơ địa dị ứng, với biểu hiện cấp tính. Các sẩn phù mày đay có thể tồn tại trong vài giờ và kéo dài trong vài ngày đến hàng tuần, thậm chí nhiều tháng.
Các sẩn phù mày đay rất dễ nhận biết do chúng nổi cao trên da như bị muỗi đốt, thường thành đám, ngứa. Triệu chứng ngứa có thể rất nhiều nhưng đôi khi cũng không trầm trọng.
Một số trường hợp mày đay nặng, thể phù mạch (angioedema), có thể gây đám phù lớn, gây phù mọng các tổ chức lỏng lẻo như mi mắt, môi, sinh dục.
Có trường hợp nặng còn gây phù thanh quản, đường hô hấp gây khó thở, phù nhung mao ruột gây tiêu chảy.
Khi tiếp xúc với vật lạ (dị nguyên), cơ thể sẽ hình thành một chất gọi là histamin.
Chất histamin này làm cho người bệnh bị ngứa và đồng thời cũng làm xuất hiện các triệu chứng khác như thở gấp, khó thở, thậm chí nghẹt thở, đồng thời có thể làm giãn mạch máu gây hạ huyết áp, choáng váng.
Trong những trường hợp đặc biệt này, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tính mạng người bệnh sẽ bị đe doạ.
Bệnh mày đay có thể do di truyền nhưng dạng này chiếm tỷ lệ thấp còn chủ yếu là gặp loại mày đay mắc phải do một trong các nguyên nhân nói trên.
Cho đến nay chưa có công bố hoặc tài liệu nào nói rằng bệnh mày đay do lây nhiễm.
Bác sĩ Hưng khuyến cáo các trường hợp bị mày đay phải được khám lâm sàng, xét nghiệm để có thể tìm được yếu tố gây dị ứng hoặc thực hiện phương pháp điều trị tốt nhất.
Đặc biệt chú ý khi đã bị nổi mày đay một lần cần đi khám bác sĩ chuyên khoa dị ứng ngay, không tự ý mua thuốc uống để tránh xảy ra phản ứng phụ không tốt cho sức khỏe.