Khốn khó hơn trong 'cơn bão' tăng giá

Khốn khó hơn trong 'cơn bão' tăng giá
TP - Năm 2007, chỉ số tăng giá tiêu dùng so với năm 2006 là 12,63%, trong đó giá lương thực, thực phẩm được xác định tăng cao nhất. Phải chăng đời sống nông dân được cải thiện?

Tại tỉnh Tiền Giang, PV Tiền phong gặp anh Nguyễn Minh Nhiên, 40 tuổi, ở ấp Tân Thạnh, xã Tân Lý Tây (Châu Thành) đang thu hoạch lúa trên 3 công (3.000m2). Anh Nhiên chán nản: “Mỗi công một vụ trừ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu còn 250.000 đồng”.

Anh Nguyễn Hữu Lợi, 41 tuổi ở ấp Hòa Phú, xã Hòa Tịnh (Chợ Gạo, Tiền Giang) có 5 công ruộng. Anh ngao ngán: “Năm nay giá phân tăng cao nên làm ruộng không có lời, tình hình này chắc phải bỏ ruộng. Năm vừa rồi, mỗi vụ tôi thu hoạch lời 600.000đồng/công. Năm nay mỗi vụ tổng cộng chỉ hơn 1 triệu đồng kể cả công xá đổ ra”.

Anh Lợi cho biết, giá mỗi bao 50 kg phân ĐAP đầu năm 360.000 - 370.000 đồng, cuối năm 550.000 đồng; URÊ đầu năm 260.000 - 270.000 đồng, cuối năm 350.000 đồng; KALI đầu năm 260.000 - 270.000 đồng, cuối năm 400.000 đồng.

Ở tỉnh Sóc Trăng, ông Nguyễn Hữu Trí, gần 70 tuổi, ở xã Mỹ Phước (Mỹ Tú) cho biết, ruộng ở xứ ông làm 2 hoặc 3 vụ/năm. Năm 2007, năng suất lúa bình quân một vụ 5,5 tấn lúa tươi/ha, bán giá 3.300 đ/kg.

Một ha thu được 1.815.000 đồng, chi phí phân bón, thuốc sâu, xăng dầu bơm tưới 1.370.000 đồng. Một ha, một vụ còn 4.450.000 đồng, kể cả công lao động. Mức lời này, theo ông Trí là tương đương năm trước…

Cũng ông Nguyễn Hữu Trí, nuôi heo năm nay lời khá hơn năm trước. Heo 100 kg hiện bán được 3,1 triệu đồng, trừ giống và thức ăn lời 600.000 đồng, kể cả công nuôi (một lứa heo nuôi 5 – 6 tháng).

Nếu một gia đình nông dân bình thường có 5 công lúa làm 2 vụ, lấy công làm lời thu một năm, theo anh Nhiên và anh Lợi ở Tiền Giang, được khoảng 2,5 triệu đồng, còn làm khá như ông Trí ở Sóc Trăng được khoảng 4,4 triệu đồng.

Gia đình này còn tích cực nuôi heo, chẳng hạn được 400 kg, lấy công làm lời thu nhập thêm 2,4 triệu đồng. Với một gia đình nông dân thường có 5 người, thu nhập một năm 4,9 - 6,8 triệu đồng, cuộc sống sẽ rất khó khăn.

Khai thác biển, nuôi trồng thủy sản đầy lo âu

Ông Lê Văn Sử - Phó Giám đốc Sở Thủy sản Cà Mau, nhận định: “Nghề khai thác biển Cà Mau đang lâm vào bế tắc bởi giá xăng dầu, chi phí tăng cao nhưng giá bán sản phẩm khai thác mới nhích lên chút ít. Chúng tôi  lo, tình hình này sẽ có nhiều tàu nằm bờ”. 

Khốn khó hơn trong 'cơn bão' tăng giá ảnh 1
Những vuông tôm ở Kiên Lương đang bị bệnh đốm trắng tấn công. Ảnh: Hồng Lĩnh

Nơi tập trung nhiều tàu khai thác biển của Cà Mau là thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời) có 780 chiếc tàu khai thác biển. Ông Nguyễn Quốc Cường, ở khu vực 6, thị trấn Sông Đốc, than: “Tôi có 2 chiếc tàu trông đèn câu mực, chuyến đi biển mới nhất chi phí tăng lên 4 triệu đồng so với trước đây nên lời chỉ hơn 4 triệu đồng!”.

Ông Nguyễn Văn Thiên - Trưởng ban Thủy sản thị trấn Sông Đốc cung cấp  con số tổng quát: “Năm 2007 khai thác thủy sản 60.603 tấn, giảm hơn 1.000 tấn so với năm trước. Ngư dân có tàu lớn, khai thác xa bờ còn cầm cự được. Ngư dân có tàu nhỏ hơn, khai thác tuyến lộng, gần bờ đang huề hoặc lỗ vốn”.

Kiên Giang là tỉnh có đội tàu đánh bắt lớn nhất nước với gần 8.000 chiếc. Cơn “bão giá” không chỉ làm cho nhiều chủ tàu không dám ra khơi vì sợ lỗ mà đời sống của hàng chục ngàn ngư phủ cũng gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Bảy, chủ tàu đánh cá ở huyện đảo Kiên Hải than thở: “Giá dầu tăng, các chi phí khác (như gạo, thực phẩm, đá lạnh…) cũng đua nhau tăng giá. Nhiều ngư phủ đã chạy lên bờ đi tìm nghề khác vì tàu nằm bờ, đánh bắt thua lỗ”.  

Trong khi  đó, dân nuôi trồng thủy sản cũng kêu trời. Anh Trần Văn Lâm - Chủ doanh nghiệp nuôi tôm Toàn Cầu (Kiên Lương, Kiên Giang) nhăn nhó, tính: “Thức ăn cho tôm trước chỉ 1.200đ/kg, nay tăng lên 2.000đ/kg. Vật tư, thuốc xử lý nuôi tôm cũng đua nhau tăng, chỉ có tôm là… hạ giá.

Tôm loại một vào thời điểm Noel mọi năm giá 100 - 110.000 đ/kg, năm nay chỉ còn 80.000đ/kg. Hiện, bệnh đốm trắng trên tôm đang tung hoành khắp Hòn Đất và Kiên Lương”.

Người kinh doanh thủy sản ở ĐBSCL cũng “méo mặt”

Chủ vựa cá tôm Bích Khải ở thị trấn Sông Đốc, cho biết: “Chi phí tăng cao nhưng giá tôm cá không tăng theo là mấy. Cá xuất khẩu 45.000đ/kg, mực ống 30.000đ/kg, mực khô 130.000đ/kg, tôm chì 35.000đ/kg…

Giá hải sản tăng bình quân chỉ 1.000 - 2.000đ/kg hoặc có nhiều loại cá tiêu thụ nội địa không tăng. Lời lãi bán buôn mỏng lắm, không khéo là lỗ vốn, cụt vốn như chơi”.

Ông Nguyễn Bình, Giám đốc Cty TNHH Á Châu ở Kiên Giang lắc đầu: “Một kg mực nguyên liệu sau khi chế biến, xuất khẩu qua thị trường Hàn Quốc chúng tôi lời được 500 đồng.

Nguyên liệu và phí vận chuyển, bao bì, băng keo, dây đai đều tăng nhưng giá xuất khẩu không thể tăng ngay bởi hợp đồng đã ký kết. Phải nghiến răng chịu lỗ để giữ mối với khách hàng. Lao động cũng đang rục rịch đòi tăng lương. Doanh nghiệp chúng tôi đang méo mặt”.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.