Khởi tố thêm 14 bị can trong vụ án tại Gang thép Thái Nguyên

TPO - Cơ quan điều tra đã khởi tố thêm 14 người vì sai phạm liên quan dự án mở rộng sản xuất nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Sai phạm tại dự án này đã khiến nhiều quan chức, lãnh đạo khác chịu kỷ luật.

Ngày 13/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (CQĐT) thông báo đã khởi tố thêm 14 bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Khởi tố thêm 14 bị can trong vụ án tại Gang thép Thái Nguyên ảnh 1 8 trong số 9 người bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Trong số này, có 9 người bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Số này gồm Đặng Văn Tập - nguyên Phó GĐ Thường trực Ban Quản lý dự án TISCO;  Đồng Quang Dương - nguyên Phó GĐ kiêm Thư ký dự án TISCO; Nguyễn Trọng Khôi - nguyên Phó Tổng GĐ Tổng Cty Thép Việt Nam (VNS); Trịnh Khôi Nguyên - nguyên Trưởng phòng Đầu tư phát triển VNS; Đỗ Xuân Hòa - nguyên Kế toán trưởng TISCO; Lê Thị Tuyết Lan - nguyên Phó phòng Kế toán Thống kê Tài chính TISCO; Uông Sỹ Bính - nguyên Phó phòng Kế toán Thống kê Tài chính TISCO; Nguyễn Văn Tráng - nguyên Ủy viên Ban kiểm soát VNS; Đặng Thúc Kháng - nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Trưởng Ban kiểm soát VNS.

Ngoài ra, có 5 bị can bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” gồm Lê Phú Hưng - nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị VNS; Nguyễn Minh Xuân - nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị VNS; Nguyễn Chí Dũng - nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị TISCO; Hoàng Ngọc Diệp - nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị TISCO; Đoàn Thu Trang - nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị TISCO.

Khởi tố thêm 14 bị can trong vụ án tại Gang thép Thái Nguyên ảnh 2

5 bị can bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” 

Trong 14 người trên, riêng bị can Đặng Thúc Kháng phải chịu biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giam. Các quyết định và lệnh của CQĐT đã được Viện KSND Tối cao phê chuẩn.

Vụ án xảy ra tại TISCO được các cơ quan chức năng dự kiến sẽ xử lý trong năm 2020. Liên quan sai phạm tại dự án này, một loạt quan chức bị xác định có trách nhiệm và phải chịu kỷ luật.

Trong số đó, ông Hoàng Trung Hải – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ bị Bộ Chính trị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vào đầu năm 2020.

Theo thông báo, Bộ Chính trị nhận thấy trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Hoàng Trung Hải đã có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình chỉ đạo thực hiện Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II Cty Gang thép Thái Nguyên (Dự án TISCO II).

Cụ thể, ông Hải đã thiếu trách nhiệm, không xem xét, cân nhắc thấu đáo ý kiến của các bộ, ngành, cho ý kiến không rõ ràng, thiếu chặt chẽ, không đúng Hợp đồng EPC, không đúng quy chế làm việc của Chính phủ đối với việc xem xét một số phát sinh về giá vật liệu xây dựng, điều chỉnh giá trị Hợp đồng gói thầu EPC...

Ngoài ra, Ban cán sự Đảng Bộ Công thương cũng có trách nhiệm trong vụ việc vì thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý… Chịu trách nhiệm chính gồm các ông Vũ Huy Hoàng - Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn 2007 - 2016 và các cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương là ông Lê Dương Quang, Đỗ Hữu Hào.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.