Trao đổi tại diễn đàn, anh Lê Đức Tùng, Bí thư Đoàn ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, vấn đề mấu chốt, cản trở nhất cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là chưa quan tâm đúng mức đến sử dụng nội lực của đất nước. Có những công việc, vấn đề các nhà khoa học, trí thức trẻ của Việt Nam hoàn toàn có thể xử lý được, nhưng không có cơ hội.
Anh Tùng mong muốn, Bộ KH&CN phối hợp với Đoàn có tham mưu, đề xuất với Chính phủ, làm sao các trường ĐH phối hợp với các doanh nghiệp, công ty lớn, sử dụng một phần doanh thu của doanh nghiệp vào các công trình nghiên cứu tại các trường ĐH.
Anh Lê Đức Tùng, Bí thư Đoàn ĐH Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: Trường Phong
Vẫn theo anh Tùng, cán bộ trẻ không đề xuất tăng lương, thưởng mà chỉ cần việc đăng ký đề tài nghiên cứu công khai, minh bạch, được tạo điều kiện thuận lợi hơn, thoát khỏi cơ chế xin cho... “Tôi biết riêng Bộ KH&CN và Đoàn thanh niên thì rất khó. Cái chính là cần được tạo điều kiện. Người trẻ rất nhiệt tình, nhưng khó vì cơ chế”, anh Tùng nói thêm.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, rất hiểu tâm tư, nguyện vọng của giới trẻ nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia đóng góp vào các công trình lớn của đất nước, tuy nhiên, với nhiều dự án, chỉ cần có tiêu chí “có kinh nghiệm từ 1 – 3 công trình” thì coi như đã loại bỏ tất cả các doanh nghiệp Việt Nam, vì chưa làm những công việc như vậy.
Nghịch lý ở chỗ, các doanh nghiệp nước ngoài trúng thầu, sau đó lại thuê toàn bộ người Việt làm. Chứng tỏ người Việt có thể làm được, nhưng chịu thiệt vì đơn vị đó “chưa có kinh nghiệm”.
Anh Nguyễn Phi Long, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam cũng nhìn nhận, hiện nay vẫn đang có chính sách ưu đãi cho đầu tư nước ngoài nên nhiều doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn. “Như vừa rồi chúng ta nói, chỉ cần đưa ra tiêu chí phải có kinh nghiệm làm một vài công trình trước đó thì doanh nghiệp Việt Nam bị loại hết”, anh Long nói.
Trao đổi thêm với các đại biểu, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, đa số các ý kiến về khởi nghiệp đặt câu hỏi về vai trò của nhà nước, tại sao bộ không làm cái này, cái kia, nhưng, trong nền kinh tế thị trường phải tuân thủ theo những quy luật khách quan như cung cầu, lợi nhuận, trung gian...
“Nhà nước chỉ có chức năng xây dựng chính sách. Nhiều người hỏi sao nhà nước không làm, nhưng nếu can thiệp thì sai quy luật kinh tế thị trường, lại quay về kinh tế kế hoạch hóa ngày xưa”, ông Tùng nói.
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Hải Đăng
Theo ông Tùng, hiện nay, nhiều người cũng có ý kiến cho rằng, người giỏi là người nắm bắt được cơ hội, nhưng thực ra không phải nắm cơ hội nữa mà phải tạo ra cơ hội.
“Đó là tư duy và hành động của những người thành công. Nắm bắt được tinh thần mới của luật, của nhà nước, họ thay đổi tư duy, lớn lên trong hành động, trong nghiên cứu, ứng dụng, triển khai”, ông Tùng nói thêm.
Anh Nguyễn Phi Long cho biết, trong nhiệm kỳ 2017 – 2022, T.Ư Đoàn dự kiến sẽ huy động khoảng 10 nghìn tỷ đồng hỗ trợ khởi nghiệp. Hiện nay, T.Ư Đoàn đã thành lập Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phối hợp với VTV thực hiện chương trình quốc gia khởi nghiệp. T.Ư Đoàn cũng đang chờ thông tư của Bộ KH&CN và Bộ KH&ĐT để thành lập Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, chủ yếu vận động nguồn tài trợ để hỗ trợ.
“Nếu chỉ kinh doanh, lập công ty thì đó chỉ là lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng. Không có sáng tạo, không có hàm lượng khoa học công nghệ thì không thể là khởi nghiệp được”, anh Long nói.
Anh Long cũng chia sẻ quan điểm, với khởi nghiệp, tiền không phải quan trọng nhất. “Kiến thức mới là nền tảng. Cơ chế cũng đã thay đổi, không phải nói nhà nước phải làm gì mà chỉ là bà đỡ, hỗ trợ”, anh Long nói.