Khởi nghiệp 'ngược bão': Vươn tầm rau má Việt

CEO Nguyễn Ngọc Hương (đứng) bên các sản phẩm bột rau xuất khẩu của mình Ảnh: U.P
CEO Nguyễn Ngọc Hương (đứng) bên các sản phẩm bột rau xuất khẩu của mình Ảnh: U.P
TP - Chẳng ai ngờ có một ngày các loại nông sản bình dân như rau má, tía tô, diếp cá… của một doanh nghiệp startup còn non trẻ có thể chinh phục được những khách hàng khó tính trời Âu.

Cô gái “nghiện” bột rau

Gặp Nguyễn Ngọc Hương (31 tuổi) - CEO Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt ở những buổi tọa đàm, phiên chợ nông sản… luôn có những câu chuyện khởi nghiệp hấp dẫn của cô gái trẻ “nghiện” bột rau. Khoảng năm 2015-2016, khi chưa ai nghĩ đến cây lá rau má mang đi làm bột để thay thế cho rau tươi và bán cả triệu đồng/kg, nhiều người cho rằng dự án khởi nghiệp của Hương không khả thi và cô bị “khùng”.

Nhưng Ngọc Hương vẫn quyết làm. Con đường mà cô cùng các cộng sự chọn phát triển là theo mô hình khép kín “trang trại - chế biến - trực tiếp phân phối”. Điều khó khăn nhất mà Hương phải vượt qua là làm sao có được một mô hình trồng nguyên liệu được tiêu chuẩn hoá để chuyển giao cho bà con nông dân, nhằm đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Nghĩa là phải thay đổi thói quen canh tác của người dân để có sản phẩm đầu vào đạt chuẩn, mới sản xuất được sản phẩm hoàn thiện - những sản phẩm không chỉ đạt tiêu chuẩn trong nước mà còn có khả năng vươn ra thế giới.

Với cách canh tác của người nông dân thông thường, thời gian khởi tạo vùng nguyên liệu chỉ khoảng 2-3 tháng, Hương phải mất hơn 6 tháng mới làm ra được nguyên liệu đủ tiêu chuẩn sản xuất và mất hơn một năm để ổn định đầu ra của trang trại.

Khi đã có nguyên liệu tốt, khâu chế biến lại càng quan trọng. Rau ăn lá vốn là loại nông sản rất khó bảo quản. Ngọc Hương chia sẻ, khác với cách truyền thống là phơi nắng hoặc chế biến gia nhiệt khiến dinh dưỡng mất đi rất nhiều, Hương áp dụng công nghệ mới là sấy lạnh. Mỗi loại rau cần thời gian sấy khác nhau, dao động từ 24-36 tiếng trước khi nghiền thành bột. Công nghệ này giúp giữ lại hương, vị nông sản gần như nguyên vẹn. Hương cùng đội ngũ của mình vừa làm vừa sửa, hoàn thiện sản phẩm qua từng ngày.

Theo Ngọc Hương, sản phẩm bột rau tiện dụng ở chỗ ngoài đảm bảo an toàn thực phẩm, còn giúp người dùng tiết kiệm thời gian và tận dụng dinh dưỡng của rau tối đa khi có thể uống luôn cả xác rau. “Sản phẩm này không nên làm theo kiểu handmade (làm thủ công ở nhà -PV) mà hãy sản xuất theo tiêu chuẩn - quy cách quốc tế. Không thể xuất khẩu vào châu Âu những sản phẩm làm theo kiểu thủ công, nhất là trong lĩnh vực chế biến thực phẩm” - Hương chia sẻ.

Từ sản phẩm chủ lực là bột rau má, Hương đã phát triển thêm nhiều loại sản phẩm khác là bột diếp cá, bột tía tô, bột chùm ngây, bột lá sen và bột trà xanh.

Luôn coi trọng khách hàng nhỏ

Công ty đang vào đà làm ăn thì đầu năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát khiến kinh doanh ngưng trệ. Không bán được hàng tại chỗ, Hương quyết định tổ chức bán hàng đem đến tận nơi cho khách hàng, khai thác triệt để kênh online… “Trong nguy có cơ, tụi mình tận dụng mọi hình thức bán hàng để vừa duy trì được sản xuất, vừa tạo doanh thu với mục tiêu công ty tồn tại vượt qua mùa dịch. Gần đây nhất, bên mình triển khai mô hình mới ‘Rau má Orama mang đi’, phục vụ tận nơi nhu cầu uống rau má sạch của mọi người. Tụi mình sử dụng nguyên liệu bột rau má sấy lạnh với chất lượng y hệt rau tươi, và được tiệt trùng sạch. Bên mình cũng có chương trình ‘bất kỳ ai cũng được tặng rau má sạch’ tại quán, với mong muốn ai cũng được uống rau má sạch” - Hương chia sẻ.

Cũng trong thời điểm dịch COVID-19, Hương tìm kiếm được đơn hàng đầu tiên xuất đi Hà Lan với hơn 10.000 sản phẩm bột rau Quảng Thanh, trị giá hàng trăm triệu đồng. “Đây là điều nhiều người không tưởng. Hà Lan là quốc gia đầu tiên nhập bột rau má chính ngạch” - Hương cho biết.

Để có thể xuất khẩu bột rau má đi châu Âu, Hương đã mất 4 năm chờ đợi và chuẩn bị đầy đủ nhiều thứ, từ vùng trồng nguyên liệu, công suất sản xuất, các loại giấy chứng nhận, bao bì sản phẩm…“Khi công ty xuất đi những đơn hàng đầu tiên sang các nước, đối tác nhận thấy sản phẩm có chất lượng tốt và thị trường có phản hồi tích cực cho những sản phẩm này. Do đó, dù trong mùa dịch, bên mình vẫn có những đơn hàng tiếp nối sau đợt hàng đầu tiên” - Hương nói.

Tháng 6/2020, Hương xuất đi chuyến hàng thứ 2 sang xứ sở hoa tulip với đơn hàng gần 20.000 sản phẩm bột rau sấy lạnh các loại. Không những thế, đều đặn mỗi tháng, Hương xuất 500 kg bột rau sấy lạnh các loại sang thị trường Ấn Độ và Hàn Quốc. Hương tiết lộ đang chờ đối tác ở Mỹ gửi bao bì và làm các thủ tục thông qua Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ - FDA để chuẩn bị xuất đi đơn hàng 5.000 sản phẩm. Nhật Bản sẽ là thị trường tiếp theo mà Hương hướng đến.

Bí quyết thành công của Hương là luôn coi trọng khách hàng nhỏ. Những khách hàng nhỏ dùng sản phẩm, thấy chất lượng tốt, quy trình sản xuất minh bạch và đạt các chứng chỉ về an toàn vệ sinh thực phẩm, họ sẽ giới thiệu với những khách hàng lớn. Khách hàng lớn sau khi thử nghiệm thấy tốt, sẽ đặt hàng xuất khẩu.

“Tôi có những người bạn cũng làm các mặt hàng đặc trưng Việt Nam và tôi thường khuyến khích họ là phải làm thật tốt sản phẩm và kiên nhẫn chờ thời cơ. Bởi nông nghiệp không phải là câu chuyện của một vài năm, mà đó là cuộc chơi dài hạn của những người có đam mê". 


Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc Cty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt 

MỚI - NÓNG