Khởi nghiệp “cú chót”

CEO Gcalls Phạm Tấn Phúc (bên phải) và Xuân Bằng giới thiệu về hệ thống tổng đài thông minh. Ảnh: Ngô Tùng.
CEO Gcalls Phạm Tấn Phúc (bên phải) và Xuân Bằng giới thiệu về hệ thống tổng đài thông minh. Ảnh: Ngô Tùng.
TP - Liên tiếp gặp thất bại nhưng hai cựu sinh viên tài năng của trường ĐH Bách khoa không nản, và với lần khởi nghiệp “cú chót” họ đã gặt hái thành công với dự án giúp doanh nghiệp địa phương toàn cầu hóa dịch vụ chăm sóc khách hàng bằng ứng dụng tích hợp.

Không ngừng sáng tạo

Năm 2010, khi đang là sinh viên năm 2 trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM, Phạm Tấn Phúc được tuyển vào làm thêm tại một tập đoàn đa quốc gia. Làm việc ở đây một thời gian, Phúc bỏ việc để theo đuổi ý tưởng muốn tạo ra một thương hiệu công nghệ Việt.

Năm 2011, Phúc và 5 người bạn nộp đơn lên Ban giám hiệu xin gia hạn đóng học phí, dùng số tiền (12 triệu đồng) để khởi nghiệp. Sau một thời gian vùi đầu nghiên cứu thử nghiệm, dự án kinh doanh Click Now ra đời với tính năng giúp mọi người nuôi thú ảo và đến sử dụng dịch vụ tại các điểm ăn uống, một hình thức quảng bá mới về marketing lúc bấy giờ. Tuy nhiên hoạt động chỉ được gần một năm dự án phải tạm dừng vì thiếu chiến lược.

Năm 2012, Phúc cùng vài người bạn khác tiếp tục xây dựng một nền tảng kết nối giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam với tên gọi HR Key.Dự án này khép lại sau 8 tháng hoạt động không hiệu quả.

Năm 2013, Nguyễn Xuân Bằng (cộng sự của Phúc) tạm gác con đường khởi nghiệp để sang Đức du học và làm việc ở 2 tập đoàn của Đức và Hoa Kỳ. Trong khi đó, Phạm Tấn Phúc vẫn kiên trì khởi nghiệp với dự án mới “Bản đồ chống hàng giả” và được Ngân hàng Thế giới (World Bank) đầu tư 3.000USD. Thế nhưng “đứa con tinh thần” này cũng nhanh chóng “chết yểu” bởi kinh phí không đủ cho một ứng dụng mang tầm cỡ quốc gia.Cạn vốn, Phúc phải lập nhóm gia công phần mềm ngay tại phòng trọ để duy trì “lửa” khởi nghiệp.

“Giữa lúc đang học tập, làm việc ở nước ngoài, mình nhận được “bức tâm thư” của Phúc và đó cũng là động lực mạnh mẽ để cùng Phúc khởi nghiệp một lần nữa. Lần này chúng tôi làm với tinh thần dành những đồng vốn cuối cùng để làm cú chót, nếu tiếp tục thất bại thì sẽ làm việc trả nợ”, Xuân Bằng chia sẻ về những ngày chật vật khởi nghiệp.

Khởi nghiệp “cú chót”

Khởi nghiệp “cú chót”, Phúc và Bằng cùng các cộng sự tập trung phát triển ứng dụng tổng đài chăm sóc khách hàng Gcalls, với chiến lược giúp doanh nghiệp địa phương toàn cầu hóa dịch vụ chăm sóc khách hàng bằng ứng dụng tích hợp. Để có vốn, Bằng tiếp tục làm việc cho công ty nước ngoài, còn Phúc chuyên tâm vào điều hành.

Với ý tưởng phát triển ứng dụng tổng đài chăm sóc khách hàng Gcalls, Phúc cùng Bằng thành lập Công ty Gcalls tại Singapore. Với ý tưởng này, công ty đã nhận được khoản đầu tư 10.000USD của quỹ BFBZ và một nguồn vốn khác trị giá 40.000 đôla Singapore của Telstra - tập đoàn viễn thông hàng đầu của Úc.

Gcalls giúp tạo lập tổng đài nghe gọi (call center) nhanh chóng, đơn giản chỉ với một đầu số hotline.Trong vòng 5 phút, doanh nghiệp mua một số điện thoại, sau đó các nhân viên địa phương sử dụng Gcalls đã có thể chăm sóc được khách hàng của mình từ xa (telemarketing).“Gcalls đem lại giải pháp kết nối giữa hệ thống quản trị doanh nghiệp với hệ thống quản trị khách hàng qua việc tích hợp nhiều phần mềm quản trị khách hàng.Từ đó người sử dụng Gcalls thể có được nhiều sự lựa chọn, đồng thời có thể dễ dàng phát triển hơn nữa hệ thống chăm sóc khách hàng”,CEO Gcalls Phạm Tấn Phúc chia sẻ.

Cũng theo CEO 9X này, Gcalls phù hợp với tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phát triển dịch vụ chăm sóc khách hàng một cách nhanh chóng, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực như: bất động sản, tài chính - ngân hàng, tư vấn giáo dục, kinh doanh online... Nhờ đó, doanh nghiệp tiết kiệm được đáng kể chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, lắp đặt máy chủ hay các thiết bị vật lý nội bộ khác, mà vẫn thiết lập được ngay một tổng đài chuyên nghiệp với đầy đủ tính năng hỗ trợ chăm sóc khách hàng và quản lý tổng đài.

Thu hút nhiều nhà đầu tư

Trước những bước đi vững chắc trong phân khúc cung ứng nội dung số, Gcalls đã thu hút được nhiều nhà đầu tư cùng các nguồn quỹ hỗ trợ khởi nghiệp uy tín như một nguồn lực to lớn trên hành trình chinh phục các thị trường tiềm năng. Điển hình, cuối tháng 12/2017, Gcalls đã nhận được khoản cam kết đầu tư 1 triệu USD từ “shark” Thái Vân Linh, Giám đốc vận hành Quỹ đầu tư VinaCapital.

Sở hữu một doanh nghiệp theo mảng công nghệ, bà Thái Vân Linh hiểu rõ nhu cầu về một hệ thống chăm sóc khách hàng đa dụng như Gcalls. Nữ doanh nhân này nhận định, với những tính năng hiện có cùng với mức phí phải chăng so với những hệ thống tích hợp tương tự tại khu vực châu Âu, châu Mỹ, Gcalls xem như một phương pháp hữu hiệu giúp người nhân viên có thể “mang theo” cả hệ thống để làm việc mọi lúc mọi nơi.

“Tôn chỉ để Gcalls liên tục hoạt động và phát triển, cũng là tầm nhìn trong 5 năm tới là sẽ kết nối các doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á lại với nhau thông qua phần mềm ứng dụng Gcalls. Gcalls mong ước trở thành cầu nối để các doanh nghiệp tại Việt Nam hay các nước trong khu vực Đông Nam Á có thể đưa sản phẩm, dịch vụ của mình vươn ra phục vụ thị trường khu vực hay toàn cầu. Đây cũng là cách để các doanh nghiệp địa phương có thể vươn ra sân chơi toàn cầu”, Nguyễn Xuân Bằng, Giám đốc vận hành Gcalls, chia sẻ.

Mong muốn là “một mảnh ghép nhỏ” trong sự phát triển của cả cộng đồng, hai chàng trai trẻ tiếp tục nỗ lực sáng tạo startup công nghệ của mình để giúp các đối tác, khách hàng phát triển nhanh hơn.Khi được hỏi nếu “cú chót” vẫn thất bại có dừng lại? Cả hai đều khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện những “cú chót” khác.

Năm 2016, đại diện cho Gcalls, Phạm Tấn Phúc được Tổng thống Mỹ Barack Obama mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh doanh nhân toàn cầu (GES), diễn ra tại Thung lũng Silicon từ ngày 22-24/6. Tại đây, Phúc cùng hàng trăm doanh nghiệp công nghệ trên toàn cầu có dịp gặp gỡ, chia sẻ cùng các quan chức cấp cao của Chính phủ Hoa Kỳ như: Tổng thống Barack Obama; Bộ trưởng Thương mại Penny Pritzker; Giám đốc Cục Quản lý doanh nghiệp nhỏ Maria Contreras-Sweet; Tổng Giám đốc USAID Gayle Smith...

MỚI - NÓNG