Khối ngành sức khỏe: Tăng chỉ tiêu... tăng thất nghiệp!

Khối ngành sức khỏe: Tăng chỉ tiêu... tăng thất nghiệp!
Sự gia tăng về quy mô của khối ngành sức khỏe, đặc biệt ở bậc TC, gây nhiều lo ngại khi nhu cầu nhân lực ngành này quá ít, dẫn đến hàng loạt sinh viên ra trường rất khó tìm được việc làm.

Khối ngành sức khỏe: Tăng chỉ tiêu... tăng thất nghiệp!

> Trường ngoài công lập vẫn loay hoay tìm lối thoát
> 'Điểm sàn đẩy hàng nghìn học sinh ra nước ngoài'

Sự gia tăng về quy mô của khối ngành sức khỏe, đặc biệt ở bậc TC, gây nhiều lo ngại khi nhu cầu nhân lực ngành này quá ít, dẫn đến hàng loạt sinh viên ra trường rất khó tìm được việc làm.

Sinh viên bậc CĐ ngành điều dưỡng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Minh Luân
Sinh viên bậc CĐ ngành điều dưỡng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Minh Luân.

Điều dưỡng phụ bán... cà phê

 Có trường đào tạo cả ngàn học sinh mặc dù cơ sở vật chất, giảng viên đều thiếu trầm trọng. Vào trường, ngay cả chỗ ngồi học còn thiếu thì làm sao có chất lượng 

Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

M., học sinh vừa tốt nghiệp ngành điều dưỡng bậc TC (khóa 2010 - 2012) Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang làm phục vụ tại một quán cà phê ở Q.7, TP.HCM. Ra trường hơn nửa năm nhưng M. cho biết đã xin việc rất nhiều nơi và đều bị từ chối. Theo M., cả lớp chỉ có khoảng 10% xin được việc làm, chủ yếu ở các tỉnh. Những người còn lại có người xin làm phục vụ tại quán cà phê, có người phụ bán quần áo ngoài chợ. Một vài người may mắn xin được chân phụ tá tại các phòng nha khoa tư nhân. Tuy không đúng chuyên ngành nhưng cũng còn có cơ hội làm việc trong môi trường liên quan đến sức khỏe!

H. cũng là học sinh vừa tốt nghiệp ngành dược tại Trường CĐ Y tế Khánh Hòa. Sau khi học xong, H. về quê ở Đắk Lắk tìm việc làm. H. xin vào làm y tế học đường ở nhiều nơi nhưng đều chưa được.

Tháng 3.2013, Sở Y tế tỉnh Nghệ An công bố một thông tin đáng lo ngại. Theo thống kê chưa đầy đủ, hằng năm tỉnh Nghệ An có trên 7.500 sinh viên theo học các ngành y, dược, điều dưỡng các hệ CĐ, TC tốt nghiệp ra trường. Trong khi đó, mỗi năm ngành y tế chỉ có thể bố trí được trên dưới 300 chỗ làm. Như vậy, tính riêng trong 3 năm qua, tỉnh đã có trên 21.000 sinh viên ngành này ra trường thất nghiệp.

Thực tế là vậy, nhưng chỉ tiêu Bộ GD-ĐT cấp cho các trường đào tạo bậc TC ngành này vẫn không giảm. Theo thông tin từ cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh TCCN năm 2012, chỉ tiêu dành cho các trường TC của Bộ Y tế là 2.830 thì đến năm 2013 là 3.269. Năm 2012 chỉ tiêu bậc TC ngành y tế trong các trường CĐ là 3.020. Đến năm 2013, tính luôn bậc TC trong các trường ĐH, con số này vọt lên đến gần 7.600. Chỉ tiêu khối ngành sức khỏe ở các trường TC y, dược và bậc TC trong trường CĐ y tế của các tỉnh, thành lên đến hơn 63.000. Trong đó, chiếm tỷ lệ lớn là các ngành dược sĩ, điều dưỡng, y sĩ. Không kể các trường đặc thù, đa số các trường đa ngành đều xin phép đào tạo các ngành này.

Nhu cầu rất thấp

Tình hình chênh lệch cung - cầu nhân lực ngành sức khỏe rất căng thẳng tại TP.HCM. Trong hội thảo về nhu cầu đào tạo và thành lập Hội đồng chuyên gia các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe tại TP.HCM vào giữa tháng 5 vừa qua, các đơn vị đã đưa ra nhiều con số thể hiện sự chênh lệch cung - cầu.

Năm 2007, TP.HCM chỉ có 3 cơ sở đào tạo TC khối ngành y dược với quy mô hạn hẹp trực thuộc các trường ĐH ngành y dược. Đến nay, có tới 27 cơ sở đào tạo (6 trường ĐH, 1 viện, 2 trường CĐ, 18 trường TC) với quy mô lên đến hơn 14.000 sinh viên (chiếm 37% số lượng sinh viên các ngành khác). Chỉ tính riêng ngành điều dưỡng đa khoa đã có đến 3.527 sinh viên.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thực tế này báo động nhằm giúp các trường đào tạo theo nhu cầu xã hội để tránh lãng phí. Ngoài hàng ngàn điều dưỡng bậc TC do các trường đóng trên địa bàn TP.HCM đào tạo chưa có việc, mỗi năm TP.HCM còn phải tiếp nhận hàng trăm sinh viên các trường ở tỉnh lên tìm việc. Trong khi đó, theo số liệu của Sở Y tế TP.HCM, nhu cầu tuyển dụng cán bộ y tế trình độ TC ở các cơ sở y tế đến năm 2020 không nhiều. Năm 2013, TP.HCM chỉ cần 581 chức danh trong đó chỉ 11 vị trí ngành dược sĩ trung học, điều dưỡng trung học, y sĩ y học cổ truyền… Năm 2014, nhu cầu tuyển dụng cao nhất cũng chỉ có 607 người. Trong vòng 8 năm từ 2013 - 2020, tổng số nhân lực cần tuyển chỉ đến 4.429 người.

Nhu cầu nhân lực tại các bệnh viện trong thời điểm hiện tại và vài năm tới cũng không lớn. Theo một lãnh đạo của Bệnh viện ĐH Y Dược, bệnh viện này ưu tiên tuyển người tốt nghiệp ĐH tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Ngay cả trường công lập như Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đào tạo 400 sinh viên ngành điều dưỡng nhưng cũng chỉ một nửa có việc làm sau tốt nghiệp.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong tháng 4, nhu cầu nhân lực khối ngành y dược - chăm sóc sức khỏe rất thấp. Cụ thể, chỉ số cầu nhân lực trong tháng 4 là 1,05% (đứng thứ 22/40 ngành nghề thống kê).

Ào ạt mở ngành dù thiếu cơ sở vật chất

Theo khảo sát của các trường ngoài công lập tại TP.HCM có đào tạo ngành sức khỏe thì chỉ khoảng 40-50% học sinh, sinh viên tốt nghiệp xin được việc làm, làm trái ngành nghề đào tạo. Các trường này phần lớn chỉ xét tuyển đầu vào nhưng chuẩn đầu ra chưa rõ ràng. Chất lượng sinh viên về thực tập, làm việc tại các đơn vị cũng chưa hiệu quả khiến các bệnh viện, cơ sở y tế rất ngần ngại khi nhận vào.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh từng bức xúc nói: “Trong khi điều dưỡng TC có hộ khẩu TP.HCM đang dư tới 1.500 người thì các cơ sở vẫn cứ ồ ạt tăng chỉ tiêu. Có trường đào tạo cả ngàn học sinh mặc dù cơ sở vật chất, giảng viên đều thiếu trầm trọng. Vào trường, ngay cả chỗ ngồi học còn thiếu thì làm sao có chất lượng”. PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng khá nhiều trường ngoài công lập đào tạo bậc TC khối ngành sức khỏe. Trong đó ngành dược còn có thể xin làm việc tại các hiệu thuốc chứ ngành điều dưỡng thì hiện nay rất khó khăn.

Tìm cách nâng cao chất lượng

Theo ông Lâm Văn Quản, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT TP.HCM, sở tổ chức hội thảo vừa qua nhằm cân đối lại việc tuyển sinh đầu vào để đảm bảo đáp ứng đầu ra. Ngoài ra còn tìm cách để nâng cao chất lượng đào tạo khối ngành này. Đó là quá trình dạy và học kết hợp lý thuyết và thực hành, giữa nhà trường và đơn vị sử dụng để các em thực tập, làm việc...

Bộ Y tế cũng đang chỉ đạo các đơn vị tiến hành xây dựng chuẩn đầu ra cho tất cả các ngành, trình độ đào tạo trong lĩnh vực y tế, đồng thời tiến hành đào tạo trước khi cấp chứng chỉ hành nghề, thực hiện luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành. Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ GD-ĐT xây dựng và ban hành chương trình khung của 12 mã ngành thuộc nhóm ngành khoa học sức khỏe, nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế trong giai đoạn tới.

Theo Đăng Nguyên
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.