Chổi quét trần nhà 4.0
Tham gia Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia học sinh sinh viên năm 2020, “Chổi quét trần nhà 4.0” là một trong những ý tưởng độc đáo của nhóm sinh viên đến từ trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải. Bạn Phan Văn Diệu, sinh viên năm thứ 3, khoa Cơ khí, một trong 5 thành viên của nhóm sáng tạo ra “Chổi quét trần nhà 4.0”, cho biết sản phẩm có nhiều ưu điểm so với loại chổi tự chế truyền thống bán trên thị trường hiện nay, tạo ra giá trị cho nhiều đối tượng khách hàng.
Khi phát sinh bụi bẩn và mạng nhện ảnh hưởng đến môi trường sống, “Chổi quét trần nhà 4.0” có thể xử lý dễ dàng. Sản phẩm có thể sử dụng tại những hộ gia đình, văn phòng công sở, nhà máy, nhà xưởng, trường học, bệnh viện,… Theo Diệu, việc sản xuất đưa ra thị trường rất khả thi vì sản phẩm đơn giản, không tốn nhiều nguyên liệu, hoạt động ổn định. Nếu sản xuất hàng loạt thì giá thành chỉ khoảng trên 170.000đ/ sản phẩm. Hiện nay với gần 43 nghìn trường học, hơn 1 nghìn bệnh viện, hàng triệu cơ quan doanh nghiệp và hàng triệu tòa nhà chung cư,... đây là một thị trường rất tiềm năng.
“Trong quá trình triển khai ý tưởng, nhóm của em gặp không ít khó khăn. Từ ý tưởng đến sản phẩm chỉ mất thời gian 3 tuần. Nhưng muốn tiết kiệm pin, có bộ cảm biến, nhóm phải mất thêm 2 tuần nữa cùng với sự hỗ trợ của các thầy trong khoa. Trong quá trình hoàn thiện sản phẩm, nhóm cũng đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của các doanh nghiệp. Thời gian tới, nhóm mong muốn cải tiến sản phẩm nhỏ gọn hơn, linh hoạt hơn để thân thiện với người sử dụng”, Diệu chia sẻ.
Tiệm thêu Thương Thương
Tại Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia học sinh sinh viên năm 2020, gian hàng có tên “Tiệm thêu Thương Thương” thu hút khá đông bạn trẻ đến xem và mua hàng bởi những sản phẩm thêu tay bắt mắt. Sáng lập ra “Tiệm thêu Thương Thương” là Nguyễn Thị Hoài Thương, học sinh lớp 10, Trường THPT Thái Phiên (Hải Phòng). Theo Hoài Thương tiết lộ, điểm đặc biệt của các sản phẩm thêu tay này là nguyên liệu vải dệt 100% từ sợi tự nhiên, nhuộm thủ công bảo vệ môi trường tuyệt đối. Để có một sản phẩm thêu tay hoàn chỉnh, Thương và các bạn phải mất từ 1-3 giờ mới hoàn thiện. Mỗi ngày, nhóm của Thương hoàn thiện khoảng 20 sản phẩm vì còn dành thời gian cho việc học.
Hoài Thương sinh ra trong gia đình truyền thống làm nghề thêu nên từ nhỏ đã yêu thích những sản phẩm thêu của gia đình. Đợt nghỉ tết dài hạn vì COVID-19, Thương nảy ý tưởng, thành lập nhóm kết nối những học sinh cùng “tần số” để thêu thùa và bán sản phẩm lấy lời. “Hiện nhiều bạn dùng điện thoại từ sớm, mất rất nhiều thời gian, trong khi thêu thùa vừa giữ giá trị truyền thống vừa có thể kinh doanh, tại sao mình không thử chứ”, Thương nói.
Nghĩ là làm, tháng 4/2020, “Tiệm thêu Thương Thương” ra đời quy tụ 5 thành viên cùng lớp tham gia. Ban đầu, mỗi thành viên chỉ góp 100.000 đồng để mua nguyên vật liệu. Điều bất ngờ đối với “Tiệm thêu Thương Thương” là các sản phẩm được học sinh trong và ngoài trường đón nhận thông qua kênh bán hàng mạng xã hội, đem về nguồn thu khoảng 10 triệu đồng/tháng. “Với khoản tiền này, các thành viên có thể tự trang trải chi phí học tập, không cần xin từ gia đình”, Thương chia sẻ.
Cũng theo Hoài Thương, khi sản phẩm được nhiều người biết đến, “Tiệm thêu Thương Thương” nhanh chóng đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp nhu cầu của nhiều người. “Để chuẩn bị cho gian hàng tại Ngày hội khởi nghiệp, các thành viên đã bỏ ra nhiều công sức để thêu hàng trăm sản phẩm dự thi và giới thiệu đến sinh viên, học sinh các trường. Về lâu dài, “Tiệm thêu Thương Thương” kỳ vọng, thông qua kênh bán hàng trực tuyến có thể giới thiệu sản phẩm đến các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản”, Thương kỳ vọng.
Hãy sẵn sàng cho một thế giới nhiều biến động
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, sau 3 năm thực hiện Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp của Chính phủ, đến nay 30% cơ sở đào tạo ĐH đưa môn học khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn; 80% các trường hỗ trợ khởi nghiệp; 50% các trường thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp; 45 cơ sở chiếm 25% số cơ sở đào tạo đã thành lập được trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, trong đó có hơn 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên; tỉ lệ sinh viên sau tốt nghiệp khởi nghiệp bằng cách thành lập doanh nghiệp tăng từ 5% (cuối năm 2018) lên 9% (năm 2020).
Phát biểu tại Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia học sinh sinh viên năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, từ những ngày đầu xuất hiện ở Việt Nam, đến nay phong trào khởi nghiệp sáng tạo (start-up) đã truyền cảm hứng, tiếp sức mạnh, tạo điều kiện và đã huy động rất nhiều bạn trẻ tham gia. Ngày hôm nay, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã có một bước tiến rất dài, đặc biệt trong mấy năm gần đây.
Hiện đã có trên 60 quỹ đầu tư mạo hiểm, trong các trường ĐH đã có hơn 70 không gian làm việc chung dành cho start-up, trên 3.000 doanh nghiệp start-up thành công. Điều quan trọng nhất, rất nhiều bạn trẻ, học sinh, sinh viên, đặc biệt từ học sinh phổ thông, đã được khơi dậy khát vọng khởi nghiệp để cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước. “Chúng ta không kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp start-up thành công trong trường phổ thông, trường ĐH nhưng ít nhất là trang bị những kiến thức cơ bản, nền tảng, khơi dậy tinh thần của học sinh, sinh viên, tham gia xây dựng và phát triển đất nước sau này”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn nhủ các bạn trẻ, học sinh, sinh viên, bên cạnh việc học tốt cần tích cực học hỏi qua các hoạt động xã hội, qua giao tiếp, qua các phong trào như start-up để có được sự hiểu biết, sẵn sàng cho một thế giới nhiều biến động trong tương lai.
Tối 22/12, tại lễ bế mạc Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia học sinh, sinh viên toàn quốc, Bộ GD&ĐT trao giải Cuộc thi học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020. Đối với khối học sinh, Ban tổ chức đã chọn ra 9 dự án xuất sắc để trao giải; khối sinh viên là 10 dự án. Trong đó, giải nhất khối học sinh thuộc về ý tưởng sản xuất và kinh doanh ống hút từ hạt bơ của nhóm học sinh đến từ Đắk Lắk; giải nhất khối sinh viên thuộc về ý tưởng phế phẩm nông nghiệp - tài nguyên cho giấy bao bì của nhóm sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.