Khởi công Dự án Cảng Dịch vụ Đa chức năng Đua Fat 450 tỷ đồng tại Ninh Bình

0:00 / 0:00
0:00
(Dân trí) - Kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đua Fat khởi công Dự án Cảng Dịch vụ Đa chức năng Đua Fat Kim Sơn vào ngày 26/3 tại Ninh Bình.
Khởi công Dự án Cảng Dịch vụ Đa chức năng Đua Fat 450 tỷ đồng tại Ninh Bình ảnh 1

Nghi thức khởi công dự án.

Buổi lễ khởi công có sự tham gia của đại diện HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các sở, ngành tại Ninh Bình, chủ đầu tư, đối tác, nhà thầu phụ, cán bộ công nhân công trường…

Khởi công Dự án Cảng Dịch vụ Đa chức năng Đua Fat 450 tỷ đồng tại Ninh Bình ảnh 2

Toàn cảnh lễ khởi công

Phát huy sức mạnh kinh tế Cảng Dịch vụ Đa chức năng tại Ninh Bình

Những năm qua, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chứng kiến những thay đổi to lớn, mang tính bước ngoặt trong việc định hình cục diện mới. Trong bối cảnh đó, việc xác lập, nâng cao vị thế quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoạch định chiến lược phát triển của đất nước. Là thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ở trung tâm Đông Nam Á, thuộc châu Á - Thái Bình Dương, khu vực phát triển năng động nhất hiện nay, Việt Nam có những lợi thế và điều kiện đặc biệt để phát huy vị thế quốc gia, góp phần vào sự ổn định, phát triển và phồn vinh trong khu vực và trên thế giới.

Trải dọc theo chiều dài đất nước với 3.260 km đường biển, hệ thống cảng biển nước ta đảm nhận vai trò chính trong xuất nhập khẩu hàng hóa, là cánh cửa thông thương với thế giới. Trong đó có những cảng cửa ngõ quốc tế được đầu tư hiện đại, có khả năng tiếp nhận các tàu trọng tải hàng trăm nghìn tấn. Trên thế giới, 80% khối lượng hàng hóa giữa các quốc gia là do vận tải biển đảm nhận. Riêng Việt Nam, 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu hàng năm của cả nước được thông qua hệ thống cảng biển. Theo số liệu từ Cục Hàng hải, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển luôn tăng từ 8% đến 12% mỗi năm.

Khởi công Dự án Cảng Dịch vụ Đa chức năng Đua Fat 450 tỷ đồng tại Ninh Bình ảnh 3

Lãnh đạo tỉnh chia sẻ tại sự kiện.

Tỉnh Ninh Bình ở phía cực Nam của khu vực Đồng bằng sông Hồng - khu vực trọng tâm phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp miền Bắc, cách thủ đô Hà Nội hơn 90km về phía Nam, nằm trên tuyến giao thông huyết mạch Bắc - Nam.

Có lợi thế là tỉnh Ninh Bình khá gần thủ đô (90km) và vùng trung tâm kinh tế công nghiệp phía Bắc, Ninh Bình có vị trí địa lý và giao thông tương đối thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội nói chung và đối với các ngành nghề công nghiệp nói riêng.

Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có quy hoạch 7 khu công nghiệp, với tổng diện tích quy hoạch 1.472 ha, bao gồm khu công nghiệp Gián Khẩu, khu công nghiệp Khánh phú, khu công nghiệp Tam Điệp I, khu công nghiệp Tam Điệp II, khu công nghiệp Phúc Sơn, khu công nghiệp Khánh Cư và khu công nghiệp Kim Sơn.

Lĩnh vực thu hút đầu tư và các ngành công nghiệp của khu công nghiệp Kim Sơn gồm: vận tải; dịch vụ cảng biển; đóng tàu; năng lượng; chế biến thủy-hải sản; công nghệ thực phẩm; công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, thủy sản.

Riêng Cảng Kim Sơn nằm trên địa phận xã Kim Tân (huyện Kim Sơn), cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 45 km, cách thị trấn Phát Diệm khoảng 15 km; cách Hà Nội 100km, cách cảng hàng không Quốc tế Nội Bài 140km. Kim Sơn có quốc lộ 10 cũ, quốc lộ 10 mới và quốc lộ 21B đi xuyên ngang qua 11 xã ở phía bắc. Phía Nam có tỉnh lộ 481 nối từ Yên Lộc đến bờ biển Ninh Bình qua 8 xã đang được đầu tư nâng cấp thành quốc lộ 12B kéo dài. Phía Bắc huyện có tỉnh lộ 481D nối từ ngã ba Quy Hậu tới đò 10 sang Nam Định. Hệ thống giao thông đường thủy thuận lợi với 2 tuyến quốc gia qua sông Đáy và sông Vạc. Các tuyến đường thủy khác qua sông Càn, sông Giang, sông Vực, sông Cà Mau, sông Hoành Trực...

Khởi công Dự án Cảng Dịch vụ Đa chức năng Đua Fat 450 tỷ đồng tại Ninh Bình ảnh 4

Ông Lê Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đua Fat phát biểu tại Lễ khởi công dự án.

Năng lực chủ đầu tư

Ông Lê Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đua Fat cho biết: "Trong bối cảnh quy hoạch chung tỉnh Ninh Bình sẽ không phê duyệt thêm các cảng mới, dự án nằm trong khu vực quy hoạch vành đai kinh tế biển Kim Sơn Ninh Bình đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển năng lực sông biển của tập đoàn. Việc hoàn thành sẽ giúp cho doanh nghiệp chủ động trong việc bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị hệ nổi và tàu chuyên dụng cũng như mở ra hướng phát triển, đóng mới bổ sung liên tục vào hệ thống thiết bị hệ nổi và tàu chuyên dụng để phục vụ cho công tác thi công các công trình trên sông và thềm lục địa Việt Nam đúng tiến độ và chất lượng, giảm chi phí cho các công trình".

Nhiều năm qua, Đua Fat Group cho biết luôn kiên định và trung thành với mục tiêu phát triển bền vững của mình. Với lợi thế kinh nghiệm triển khai nhiều dự án lớn trên sông biển, nắm công nghệ nền móng và thiết bị kỹ thuật thi công đặc chủng quy mô Đông Nam Á, Đua Fat Group mở lối trong việc đáp ứng nhu cầu xây dựng cảng biển và xây lắp hệ thống điện gió ngoài khơi.

Hiện tại, Đua Fat Group sở hữu nhiều trang thiết bị hiện đại, có tính cơ động cao trên sông biển như hệ thống Jackup sàn tự nâng có thể duy trì hoạt động trên thềm lục địa trong thời tiết gió mùa đặc hữu tại Việt Nam. Điều này giúp đảm bảo tiến độ công trình, kết hợp với hệ sinh thái thiết bị máy móc cơ giới hùng hậu là thành quả của quá trình hợp tác nhiều năm giữa Đua Fat Group và các tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu thế giới như Bauer, Liebhherr, Sunward, Sany, Xcmg, ,…

Dự án Cảng Đua Fat Kim Sơn có Giấy chứng nhận đầu tư số 7728488826 ngày 29/12/2020 của UBND tỉnh Ninh Bình tọa lạc trên địa phận xã Kim Tân, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Quy mô xây dựng trên tổng diện tích 172.716,4 m2. Bao gồm các hạng mục 5 cầu cảng có công suất thiết kế bốc xếp 3 triệu tấn hàng hóa/năm, dịch vụ vận tải 1 triệu tấn/năm, đóng mới và sửa chữa lần lượt là 12 chiếc và 36 lượt/năm cùng khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng tối đa 10.000 Tấn. Với tổng mức đầu tư là 450 tỷ đồng trong đó giai đoạn 1 là 179 tỷ đồng.

Dự án chấp thuận triển khai vào công tác san lấp mặt bằng, vận chuyển thiết bị thi công và chuẩn bị xây dựng cơ sở hạ tầng. Dự kiến đưa giai đoạn I vào hoạt động vào quý III/2022.

MỚI - NÓNG