Khóc và cười ở lớp học Hoa hậu

Giảng viên catwalk Crazy Nhóc và các thí sinh vòng chung khảo phía Bắc trong giờ họ. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà.
Giảng viên catwalk Crazy Nhóc và các thí sinh vòng chung khảo phía Bắc trong giờ họ. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà.
TP - Phần lớn thời gian của thí sinh ở vòng chung khảo phía Bắc trôi qua tại lớp học của cô Crazy Nhóc. Tại đây họ được hướng dẫn từ dáng đứng/ngồi cho đến lời ăn tiếng nói… nhưng chủ yếu vẫn là đi. Nếu không có hoạt động gì ngoại khóa, thì các cô gái sáng đi, chiều đi và tối lại đi. Tất nhiên đi như thể mình là Hoa hậu không hề đơn giản.

Đi như một nghệ thuật

Mặt mũi lúc nào cũng tươi rói trên đôi guốc 15 phân, nhưng vừa được cho nghỉ, có thí sinh sà ngay xuống ghế vì chuột rút. Lại có cô khoe một ngón chân không còn cảm giác. Tất nhiên vụ này Ban tổ chức (BTC) phải hỏi bác sĩ ngay. Trong khi nhiều cô khác giờ nghỉ vẫn tiếp tục miệt mài, hớn hở tập đi. Tối về các cô dưỡng bàn chân bằng nước muối ấm và xoa kem dưỡng chuẩn bị cho ngày đi sau. Tóm lại đường đi tới vương miện Hoa hậu chông gai ra sao chưa biết nhưng cũng đau chân ra phết, nhất là những ngày đầu.

Khóc và cười ở lớp học Hoa hậu ảnh 1

Một vài thí sinh đã phải rơi nước mắt trong buổi học của cô Nhóc

Ngồi dự thính lớp học này, tôi vỡ ra: Đi là một nghệ thuật, người đi là nghệ sĩ. Phạm Thị Huyền Trang - sinh viên trường múa năm 2, đi diễn đã nhiều, vẫn khẳng định: “Để đi đẹp, đúng vẫn cần tập luyện nhiều”. Cô giáo Crazy Nhóc mặc dù cơ thể nam giới, cao hơn mét rưỡi tí, da ngăm và đầy hình xăm… nhưng khi sải bước đồng bộ cùng nụ cười ánh mắt, thì quả nhiên cô phụ nữ 100%. Hơn thế, còn là một phụ nữ cực kỳ quyến rũ.

Thí sinh Phạm Ngọc Linh (tiếp viên Hàng không Việt Nam) lần đầu học catwalk chuyên nghiệp cho hay: “Em bất ngờ về phong thái của cô Nhóc- vô cùng tự tin quyến rũ, chừng mực và có sự chín chắn nhất định. Bài học đầu tiên chính là từ cách cô thu hút chúng em, cách cô bước đi khiến cho chúng em cảm thấy phải nỗ lực nhiều hơn để hoàn thiện bản thân”. Nguyễn Phương Anh hình dung lớp catwalk cũng căng thẳng, toàn lý thuyết, buồn chán như nhiều lớp học truyền thống khác, nhưng thực tế ngược lại. Những bài học với cô mới mẻ, nhưng không quá sức. “Bản thân mình tin tưởng mình làm được thì chắc chắn sẽ làm được. Đó chính là luồng năng lượng tích cực cô đã truyền cho bọn em”, Người đẹp Hạ Long tâm sự.

Nguyễn Hoài Phương Anh từng học qua catwalk khi dự thi hoa khôi Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhưng đến với lớp học của Hoa hậu Việt Nam, cô thấy mình được học lại từ đầu. Vì kiểu đi của hoa hậu không như người mẫu. “Đi kiểu người mẫu không được đánh vai. Đến đây cô Nhóc dạy phải đánh vai cho tươi hơn, điệu hơn. Em tâm đắc với lời dạy, bọn em phải thể hiện được thần thái và sự vui tươi qua đôi mắt để kết nối với khán giả. Đi tốt không phải là tất cả mà còn phải có hồn”, Hoa khôi Nữ sinh Báo chí cho hay.

Khóc và cười ở lớp học Hoa hậu ảnh 2

Tập đi kiểu bikini với khăn lụa.

Đi kiểu áo dài khác mà đi kiểu bikini lại khác. Mỗi thí sinh được phát một tấm lụa trắng làm đạo cụ khi trình diễn áo tắm. Cô Nhóc đưa ra gần một chục kiểu “bung lụa”, trong đó có kiểu mà cô khuyên thí sinh đừng làm theo vì quá khó. Cả bọn vỗ tay theo những đường khăn kiêu sa của cô và cười như xem hài mỗi khi cô thị phạm một kiểu diễn quá lố. Cô không quên nhắc các thí sinh nếu cần gặp riêng để cô sửa sang thêm. 

Khóc và cười ở lớp học Hoa hậu ảnh 3

Nguyễn Lan Hương-Quảng Ninh. Số Báo danh: 189.

“Cô rất nhiệt tình. Em cảm thấy cô không phải cô giáo mà như người chị, dồn hết cả tâm huyết truyền đạt cho bọn em. Nhiều khi bọn em cũng sợ bị chị khiển trách nên cố gắng làm tốt nhất”, Hoàng Thị Bích Ngọc (Á khôi 1 Phụ nữ Việt Nam qua ảnh) cho biết. Ngay tối hôm đó, Ngọc đã khóc khi được BTC và các bạn dành cho một bữa tiệc tại chỗ bất ngờ với các cô gái sinh cùng tháng Bảy. Rất tiếc cô Nhóc không ở lại dự vì phải về phòng dưỡng họng.

Điều kỳ diệu của âm nhạc

Buổi sáng ngày học thứ hai, cô Nhóc mời tất cả các thí sinh đứng thành vòng tròn. Nhạc nổi lên. Bắt đầu những hiện tượng lạ xảy ra. Nhiều thí sinh mỉm cười, một số không chỉ cười mà tay còn múa theo nhạc, và vài cô khác chảy ròng ròng trên mặt không phải mồ hôi mà là nước mắt.

Khóc và cười ở lớp học Hoa hậu ảnh 4

Phạm Ngọc Hà My - Hà Nội. Số Báo danh: 127.

Tôi gặp một thí sinh trong nhóm khóc và được chia sẻ câu chuyện khá riêng tư. Từ bé cô đã ở với ông bà và được yêu chiều hết mực. Nhưng khi ông bị tim ra Hà Nội nằm viện cả tháng, cô không thu xếp đến thăm được. Trong một lần tranh thủ về quê với đầy ắp những lời hẹn đi chơi với bạn bè thầy cô, tình cờ cô ghé qua thăm ông, mới tá hỏa không nghĩ người đang nằm truyền thuốc giảm đau lại là ông mình. Hình ảnh người ông khỏe mạnh chưa đến 70 tuổi biến mất, thay vào đó là một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Người nhà giấu không cho cô biết điều này. Lúc ấy cô muốn đút cháo cho ông ăn thì cũng không thể được nữa.

Khóc và cười ở lớp học Hoa hậu ảnh 5

Trương Thị Tố Uyên - Thanh Hoá. Số Báo danh: 215.

“Ông cho em một số tiền”, vừa kể cô vừa cố nén cơn nức nở. “Em không nghĩ ông lại thương em đến mức đấy. Lương hưu ông vẫn cất đi để dành cho em”. Ông dặn: “Mày đi học cho giỏi, khi nào mẹ gọi thì hãy về còn không thì thôi, đừng về thăm ông cho mất công mất việc”. “Từ khi nghe câu đấy đến khi ông mất chỉ hai mấy tiếng, em vừa bay đến Vinh nghe tin vội bắt tàu trở ra… Đến giờ em vẫn hối hận không về với ông nhiều hơn, lúc ông nhắm mắt, em không ở bên cạnh. Lúc nãy mở bản nhạc, tự nhiên hình ảnh ông ôm em lần cuối cùng lại hiện ra trong đầu…”. Khi còn trẻ, ta luôn hướng tới thế giới bên ngoài và mặc định rằng mình luôn có một chỗ để trở về và chỗ đấy chẳng mất đi đâu được. Và khi bỗng nhiên nó không còn nữa, ta mới biết nó quý giá đến nhường nào. Đó là điều cô đã nhận ra.

Khóc và cười ở lớp học Hoa hậu ảnh 6

Đặng Thị Trúc Mai - Bến Tre. Số Báo danh: 295.

Phạm Ngọc Linh- tiếp viên hãng Hàng không Quốc gia nói rõ hơn về bài học giải tỏa tâm lý của cô Nhóc: “Rất ấn tượng và bất ngờ khi cô chọn cách cho chúng em nghe một bài hát và để chúng em tự đi sâu vào cảm xúc của mình, đi vào chính những vấn đề chúng em đang gặp phải, suy nghĩ về nó và loại bỏ những gì tiêu cực ra khỏi đầu”. Về bài hát, Linh nói: “Có những người cảm thấy bài hát buồn sâu lắng, riêng em cảm thấy bài hát có nhịp điệu rất sôi nổi, nâng tinh thần mình lên. Giai điệu bài hát như đang khích lệ cổ vũ chúng em: “Cuộc thi này là một trải nghiệm rất tốt đẹp, mọi người hãy cùng nhau cố gắng!”. Còn tôi có thêm một bằng chứng để khẳng định: Âm nhạc thật kỳ diệu nhưng tâm hồn con người còn kỳ diệu hơn. Xem nó cắt nghĩa một bài hát thì biết.

MỚI - NÓNG