Khóc trong BMW còn hơn cười sau xe đạp
Lửa Ấm - Tiền bạc có đem lại hạnh phúc không? Câu trả lời là “có” nhưng một cách gián tiếp và kèm theo một số điều kiện!
Ảnh minh họa. |
Một nhóm khoa học người Anh đã thử trả lời câu hỏi tương tự “Bao nhiêu tiền để đủ thấy hạnh phúc?”. Mọi người được hỏi đều không thỏa mãn với mức thu nhập họ đang có mặc dù có người đã đạt con số mơ ước.
Tiền có làm người đàn ông hấp dẫn không? Các nhà xã hội học cũng đã chứng minh trong các chỉ tiêu hấp dẫn, tiền đứng vị trí số một rồi sau mới là tính hài hước, có nghề nghiệp ổn định…
Nhưng, thị phi không bênh người giàu
Khi đọc những thông tin khẳng định vị thế của tiền bạc, mọi người đều thấy đúng nhưng chỉ vận dụng chúng như những trích dẫn.
Tiền vẫn là chủ đề khó nói với phụ nữ châu Á. Chúng ta có thể nghĩ thế nhưng không thể nói thể. Bạn có thể thấy lời ví von hạnh phúc “một túp lều tranh hai trái tim vàng” không hiện thực nhưng bạn không thể gièm pha. Bởi nếu bạn coi trọng túp lều vàng hơn thì thiên hạ sẽ dìm bạn luôn. Đàn ông cũng chẳng đoái hoài tới bạn đâu.
Một cô gái có thể bỏ một chàng trai nghèo để cưới người giàu hơn nhưng cô không thể nói mình lựa chọn vì tiền, trong khi đám đông khẳng định điều đó về cô ấy. Thị phi luôn có sẵn một vài khuôn mẫu áp tội người “tham vàng bỏ ngãi”: đã ham giàu thì phải trả giá không tình yêu hay là lấy chàng giàu đêm nằm cứ nhớ chàng nghèo…
Tôi chứng kiến một lần cộng đồng mạng xô vào đập tơi bời một blogger vì câu nói vu vơ dại dột: “khóc trong BMW còn hơn cười sau xe đạp”. Ôi trời, mọi người đã mắng mỏ cho cô gái kia không kịp thở. Mặc dù trước câu nói này cô gái đã dẫn câu chuyện của mình, rằng cô yêu một chàng quá nghèo, chẳng biết cách kiếm tiến, cứ sống vò võ với đồng lương ít ỏi.
Cùng với sự nghèo là sự mặc cảm. Chàng hay dằn vặt, hờn ghen, lo sợ người yêu không tôn trọng mình. Hai người dấm dứt làm khổ nhau. Cô gái phải bỏ cuộc. Sau đó cô gặp một chàng khá giả, có xe hơi. Anh chàng này cũng làm cô rơi nước mắt nhiều lần nhưng cô vẫn thấy có chút hãnh diện trong mắt mọi người.
Có vẻ như chẳng ai quan tâm đến tâm sự của cô gái. Tất cả đều không chấp nhận chiêm nghiệm trơ trẽn của cô. Nhất là những comment của phái mày râu.
Thị phi không bao giờ bênh người giàu. Cũng là một người tình nhưng nếu anh ta có của có lẽ anh ta phải có nhiều tính xấu: bội bạc, gia trưởng, cục cằn và nhiều thói hư khác. Trong khi đó không ai chịu nhớ rằng người tình nghèo cũng có thể làm rơi nước mắt phụ nữ. Mà xác suất tuyệt đối như nhau vì họ cùng là đàn ông cơ mà.
Thị phi không cho những cặp đôi giàu có được hạnh phúc. Đã có hẳn tên một bộ phim mà sau này thành một triết lý “người giàu cũng khóc” để thiên hạ không được tin rằng có thể có một qui luật ngược lại. Thực ra thị phi thừa biết xã hội càng phát triển, tỉ lệ mong manh của hạnh phúc càng cao. Cùng lúc vị trí của tiền bạc có ảnh hưởng càng tăng tới các mối quan hệ trong đó có lứa đôi và hôn nhân.
Tiền là thứ đáng ngại để công nhận thế mạnh của nó.
Khi đang hẹn hò phụ nữ cố tránh nói về tiền, lúc kết hôn người ta đau đầu nghĩ cách làm sao để nó không điều khiển cảm xúc. Nhưng cuối cùng, nó vẫn chi phối chúng ta nhiều hơn mức ta muốn. Có muôn lần chúng ta nhắc nhở mình “hãy cảnh giác, tiền đang lấy đi nhiều thứ của ta”. Vậy mà cuộc giằng co dường như không phân thắng bại. Thứ bạc bẽo ấy vẫn lấy đi quá nhiều cảm xúc, điều tốt lành, bình yên của mỗi người trong cộng đồng.
Johnny Deep có thể đã đúng khi cho rằng:“Tiền không thể mua cho bạn được hạnh phúc, nhưng nó lại có thể mua cho bạn được một chiếc thuyền buồm tiện nghi”. Đối với chàng Cướp biển những giờ phút quây quần cùng vợ con trên chiếc thuyền căng gió hướng về một hòn đảo mà anh mua riêng cho gia đình là những khoảnh khắc không gì có thể đánh đổi trên đời. Vậy thì không chỉ mình Johnny Deep, chúng ta không thể tới được bến bờ hạnh phục nếu bỏ qua “cửa ải” của tiền.
Thử giải mã nhân vật Gabriel Solis trong “Những bà nội trợ kiểu Mỹ”. Một phụ nữ gợi tình, lẳng lơ, ham giàu ra mặt và rất “tốn” đàn ông nhưng ở Mỹ cô trở thành tuýp phụ nữ được đàn ông mê mẩn nhất. Khi được hỏi rất nhiều khán giả nam thú nhận họ mơ được dan díu với Gabriel một lần trong đời.
Vì sao? Gabriel hồn nhiên, cô không bao giờ giấu giếm nỗi sợ nghèo khổ, cô yêu cuộc sống vương giả tiện nghi nhưng luôn gặp phải hoàn cảnh trớ trêu. Anh chồng giàu bị phá sản, người tình giàu lộ ra là chính khách keo kiệt… Sau tất cả mọi người vẫn thấy yêu một Gabriel yếu đuối, tội nghiệp. Cô trở nên quyến rũ nhất vào những lúc cần được che chở. Đằng sau những cuộc cãi vã về tài sản tiền bạc, thấy một Gabriel khao khát điều duy nhất, được nuông chiều và yêu thương.
Trở lại câu chuyện của cô gái “khóc trong BMW”. Cộng đồng comment hình như không để ý đến chia sẻ cuối cùng của cô gái, rằng cô còn chút vớt vát vì cảm giác hãnh diện được “lên xe xuống ngựa”. Hình ảnh cô gán cho mình “khóc trong xe đẹp” mang vẻ tự chế giễu đồng thời cũng kể lể chút đỉnh về điểm yếu vốn có của phụ nữ là cần được che chở và nguyện vọng khoe khoảnh khắc đó với đời. Ham muốn khoe “lát cắt” chớp nhoáng này vượt lên cả ham muốn nhiều tiền. Ham muốn này triền miên bị thị phi trà trộn với ham muốn tiền.
Hát Hát
Lửa Ấm