Mới đây, lễ hội đấu vật lạc đà Selcuk-Efes lần thứ 37 đã được tổ chức tại thị trấn Selcuk, Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ. Có tới 120 con lạc đà khổng lồ từ khắp Thổ Nhĩ Kỳ đã được đưa về đây để tham gia vào cuộc đấu khốc liệt.
Theo thông tin đăng tải, trong những trận đấu, hai con lạc đà đực sẽ tìm cách hạ gục đối thủ để khoe mẽ trước mặt lạc đà cái.
Cụ thể, đấu vật lạc đà là môn thể thao trong đó hai con lạc đà đực Tulu (lạc đà lai) cùng hạng cân đấu vật để phân tài cao thấp trước con lạc đà cái được dắt qua trước mũi chúng.
Trong khoảng 10 phút, hai con lạc đà đực sẽ lao vào nhau và thể hiện tất cả sức mạnh của mình nhằm hạ gục đối thủ. Con lạc đà nào hét lên, bị vật ngã xuống đất hoặc bỏ chạy thì sẽ thua cuộc.
Trong trường hợp, nếu trận đấu diễn ra quá bạo lực thì người trong ban tổ chức lễ hội đấu vật lạc đà sẽ tách chúng ra.
Được biết, một ngày trước lễ hội, những con lạc đà đấu sĩ sẽ được mặc quần áo sặc sỡ và diễu hành qua thị trấn cùng với các nhạc sĩ.
Theo ước tính, Thổ Nhĩ Kỳ có khoảng 1.200 đô vật lạc đà thuộc giống lạc đà Tulu. Chúng được nhân giống đặc biệt cho các cuộc thi.
Thông thường, những người chủ sẽ tự tay chọn lựa, nuôi dưỡng rồi đào tạo những chú lạc đà tiềm năng để chuẩn bị cho lễ hội đấu vật truyền thống này.
Chúng được chăm sóc và huấn luyện rất kỹ lưỡng, đảm bảo khi vào sân đấu sẽ dũng mãnh và đem lại niềm tự hào cho chủ.
Được biết, lễ hội đấu vật lạc đà Selcuk ở Thổ Nhĩ Kỳ có từ hơn 2400 năm và bắt nguồn từ các bộ lạc Turkic du mục. Mặc dù bị các tổ chức bảo vệ động vật chỉ trích, thành phố Selcuk đã đề nghị UNESCO đưa đấu vật lạc đà vào danh sách Di sản Thế giới vì ý nghĩa lịch sử và văn hóa của nó đối với khu vực.