Khóc, cười chuyện đi chợ phải trình thẻ

Soát thẻ người dân đi chợ tại chợ Cồn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) Ảnh: Nguyễn Thành
Soát thẻ người dân đi chợ tại chợ Cồn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Từ ngày 12/8, thành phố Đà Nẵng tổ chức phát thẻ cho dân ra vào chợ để hạn chế tập trung đông người, giảm tần suất đi chợ. Trong ngày đầu, nơi siết chặt, nơi còn buông, nơi người dân có thẻ nhưng không có chợ để đi. 

In phiếu không kịp 

 Lần đầu tiên trong lịch sử, chợ ở Đà Nẵng được phát thẻ theo kiểu luân phiên ngày chẵn/lẻ, cách nhau 3 ngày. 

Sáng sớm, chợ Cồn (quận Hải Châu) inh ỏi tiếng còi bảo vệ thổi, tiếng loa nhắc nhở người dân của các thành viên tổ giám sát cộng đồng, bảo vệ, ban quản lý chợ. Vài người chưa có thẻ, hoặc quên mang thẻ chí choé cãi nhau với lực lượng làm nhiệm vụ vì không được vào chợ. Ban quan lý chợ phải tuyên truyền thuyết phục để người dân chấp hành chủ trương. 

Tại chợ An Hải Bắc (quận Sơn Trà) từ sáng sớm, công an, dân phòng, chị em hội phụ nữ và tổ dân phố có mặt đông ở chợ để nhắc nhở người dân sát khuẩn, giữ khoảng cách. Việc ra vào ở chợ An Hải Bắc tạm thời phải “thả cửa” bởi thẻ chưa in kịp để phát cho dân. Tất cả các gian hàng trong chợ được giãn cách và giăng dây, tiểu thương ngoài đeo khẩu trang còn được yêu cầu đeo bao tay, đội mũ chống giọt bắn. 

“Chủ trương thành phố đưa ra từ trưa 11/8. Anh em xoay không kịp vì tiệm in đã đóng cửa. Đêm qua in, đóng dấu lên thẻ đến tận 22h mà không xong. Sáng nay phải làm tiếp rồi mới phát được cho dân, nên đành cho qua ngày hôm nay. Anh em phải ra chợ để nhắc nhở giãn cách”, một cán bộ phường An Hải Bắc, cho biết. 

Bà Lê Thị Hoa (52 tuổi, tổ 15 phường An Hải Bắc), cho biết không cảm thấy phiền hà gì. “Đi chợ giờ thoải mái hơn, lại có bảo vệ, công an đi dạo cùng, không lo kẻ gian móc túi”, bà Hoa cười nói. 

Trong những ngày đầu, tại các chợ cũng phát sinh trường hợp “dở khóc dở cười”. Chị Nguyễn Thị Tâm (phường Hải Châu 1) cầm thẻ vào chợ mua đồ nhưng lại quên tiền. Theo thói quen chị đi ra ngoài mở cốp xe để lấy ví. Nhưng khi đi vào lại không còn thẻ nên bảo vệ quyết không cho vào dù chị hết lời giải thích, đưa cả giấy tờ tùy thân ra. Cuối cùng chị đành gọi điện cho chồng mang thẻ khác đến, điền tên rồi vào lại chợ. 

Có phiếu nhưng không còn chợ để đi

 Sáng sớm 12/8, phường Nại Hiên Đông mới huy động toàn bộ tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố đi phát thẻ đi chợ cho dân. Thế nhưng có thẻ, người dân phường này lại không còn chợ. Bởi lẽ, chợ duy nhất trên địa bàn phường đã phải tạm ngưng hoạt động từ sáng cùng ngày. 

Nại Hiên Đông đang là “điểm nóng” về tình hình lây nhiễm COVID-19 khi trên địa bàn phường này có 12 ca mắc COVID-19. Trong đó, lịch trình dịch tễ của các bệnh nhân nhiều người đi đến chợ Nại Hiên Đông. Thông tin công bố, chợ này bỗng chốc trở thành tâm điểm lo lắng của người dân. 

Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, cho biết: Chợ phải tạm ngừng  để chờ kết luận điều tra dịch tễ của cơ quan chức năng. Nếu kết quả xét nghiệm của các tiểu thương và người dân xung quanh chợ âm tính, chợ sẽ mở cửa trở lại. Nếu có ca dương tính thì phải tiếp tục tạm ngừng để xử lý làm sạch chợ. “Đây là việc bất khả kháng, chính quyền đã thông báo đến từng hộ dân và mong muốn người dân chia sẻ với chính quyền vì dịch bệnh đang căng. Khả năng một số khu dân cư ở địa bàn phường sẽ phải phong tỏa nếu tiếp tục có các ca bệnh lây lan”, ông Hải cho biết.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc sở Công Thương thành phố Đà Nẵng chia sẻ: Quy định phát thẻ vào chợ mục đích nhằm hạn chế tình trạng người dân đi chợ nhiều lần, rủ thêm người khác đi cùng, dẫn đến việc điều tra dịch tễ khó khăn khi có ca bệnh liên quan đến chợ. “Việc này có thể gây bất tiện nhưng rất mong người dân vì đại cục, ý thức hơn trong việc chung tay cùng thành phố phòng chống dịch bệnh. Bởi dịch COVID-19 ở Đà Nẵng được dự báo đang còn diễn biến rất phức tạp và khó lường”, ông Bắc nói. 

MỚI - NÓNG
Ông Phạm Quang Nghị: 'Tôi từng nói, việc của Hà Nội nhiều như nước sông Hồng'
Ông Phạm Quang Nghị: 'Tôi từng nói, việc của Hà Nội nhiều như nước sông Hồng'
TPO - Trao đổi với phóng viên sau khi được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị chia sẻ, ông từng nói câu "việc của Hà Nội nhiều như nước sông Hồng, cứ dạt dào chảy suốt ngày đêm, không thể nào làm hết được. Cho nên phải lựa chọn việc gì trước, việc gì làm sau".
Đan rọ sắt, đập đá, xây kè vá đường ở Yên Bái
Đan rọ sắt, đập đá, xây kè vá đường ở Yên Bái
TPO - Nhiều ngày nay, bất kể thời tiết nắng nóng gay gắt, khắp các tuyến đường giao thông nông thôn tại huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) rộn rã tiếng hô hào của người dân đang cùng nhau đan rọ, bê đá, vá đường nhằm thông tuyến để bà con đi lại thuận tiện.