Không còn chuyện nghiệm thu xuất sắc xong bỏ đấy
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, điểm mới của Thông tư 27 là tất cả đề tài, dự án KH&CN sẽ được khoán chi theo một trong hai phương thức khoán chi, khoán từng phần và khoán đến sản phẩm cuối cùng. Phương thức khoán từng phần được áp dụng đối với các nhiệm vụ không đủ điều kiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng như khó xác định rõ sản phẩm đầu ra, tiêu chí của sản phẩm đầu ra. Phương thức này sẽ khoán chi một số nội dung như tiền công, hội thảo, công tác trong nước; không khoán chi tiền mua nguyên nhiên, vật liệu, phụ tùng chưa được ban hành định mức kinh tế kỹ thuật; sửa chữa, mua sắm tài sản cố định.
Khoán chi đến sản phẩm cuối cùng áp dụng đối với các đề tài, dự án được xác định rõ tên sản phẩm cụ thể, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm, đơn vị đo, mức chất lượng hoặc yêu cầu khoa học cần đạt được, số lượng quy mô sản phẩm tạo ra, địa chỉ ứng dụng. Theo ông Quân, khi thực hiện cơ chế khoán chi, sản phẩm sẽ chỉ được nghiệm thu khi đáp ứng đúng các tiêu chí, yêu cầu trong thỏa thuận ban đầu giữa cơ quan đặt hàng đề tài và nhà khoa học, có nghĩa là quản chặt sản phẩm nghiên cứu đầu ra. “Trước đây chúng ta quản chặt đầu vào và thả lỏng đầu ra. Đầu vào kiểm tra rất chặt, nghiệm thu cũng rất chặt nhưng chỉ chặt về chứng từ mà ít quan tâm đến sản phẩm đầu ra. Nhiều sản phẩm nghiệm thu xuất sắc nhưng không có sản phẩm, không được ứng dụng trong thực tiễn. Giờ sẽ không như thế”, ông Quân nói.
“Trước đây, cơ chế tài chính dẫn đến việc các nhà khoa học phải mất quá nhiều thời gian cho việc làm hóa đơn, chứng từ. Nay các nhà khoa học, khi nộp kết quả cuối cùng đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu của đề tài, dự án thì toàn bộ quá trình thanh quyết toán, hóa đơn chứng từ sẽ không cần thiết nữa. Đây là một phương thức làm khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế, được hầu hết các quốc gia làm theo”.
Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân
Với cơ chế khoán chi, việc thanh quyết toán sẽ đơn giản hơn với các nhà khoa học. Trong quá trình nghiên cứu, chủ trì đề tài và cơ quan chủ quản được chủ động chi để thực hiện nghiên cứu, không phụ thuộc và mức chi vào dự toán từng nội dung chi. Việc thanh toán kinh phí, tạm ứng kinh phí căn cứ vào bảng kê khối lượng công việc chứ không phải kiểm soát chứng từ chi tiết. Bộ trưởng Quân cho hay, “trước đây, cơ chế tài chính dẫn đến việc các nhà khoa học phải mất quá nhiều thời gian cho việc làm hóa đơn, chứng từ. Nay các nhà khoa học, khi nộp kết quả cuối cùng đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu của đề tài, dự án thì toàn bộ quá trình thanh quyết toán, hóa đơn chứng từ sẽ không cần thiết nữa. Đây là một phương thức làm khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế, được hầu hết các quốc gia làm theo”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ, trước đây một vài năm trên diễn đàn xã hội, quốc hội rất căng thẳng, các nhà khoa học rất kêu ca, phàn nàn nhiều về cơ chế tài chính trong nghiên cứu. Có ý kiến cho rằng đó là rào cản cho sự phát triển của KHCN. Thông tư lần này là một đột phá. Vừa quản sản phẩm đầu ra nhưng đồng thời đề cao hơn trách nhiệm, quyền tự chủ cho các tổ chức KHCN cũng như nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu, nhất là việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho nhà khoa học yên tâm nghiên cứu.
Phải bồi thường nếu không ra sản phẩm
Nghiên cứu khoa học nhiều rủi ro, nếu sản phẩm nghiên cứu không đáp ứng yêu cầu thì chế tài như nào? Bộ trưởng Nguyễn Quân nói rằng, để cho nhà khoa học lựa chọn giữa hai phương thức. Nếu nhà khoa học cảm thấy đây là vấn đề mới, nhiều rủi ro, mạo hiểm, không chắc chắn về sản phẩm đầu ra thì nên áp dụng khoán từng phần. Phương thức này tương đối an toàn. Nếu nhà khoa học cảm thấy có đủ năng lực, có thể đáp ứng được yêu cầu của đề tài thì hãy mạnh dạn khoán chi đến sản phẩm cuối cùng.
Trong trường hợp không có sản phẩm cuối cùng, nhà khoa học phải trả phần lớn kinh phí sử dụng, tối thiểu là 40% tổng kinh phí thực hiện đề tài, dự án. Trường hợp do lỗi chủ quan phải hoàn trả 100% kinh phí. Bộ trưởng Quân cho biết, với cơ chế này, nhà khoa học phải tìm mọi phương thức, huy động mọi nhân lực để có thể ra được sản phẩm cuối cùng. Như thế sẽ không có chuyện làm chơi ăn thật như đâu đó vẫn có trước đây.