Hôm qua, bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã phải khẳng định với báo chí, rằng “thông tin lấy nội tạng tử tù Nguyễn Hải Dương là thất thiệt”. Khi trước đó có báo đã tung tin này ra.
Điểm lại, thấy có lẽ đây là lần đầu tiên một vụ thi hành án tử hình được công khai lịch từ trước, báo chí đăng tải. Và cũng lần đầu tiên những hình ảnh chi tiết, cận cảnh một vụ tử hình được “phơi” ra trên báo chí, kết thúc bằng hình ảnh gia đình khiêng quan tài ra về… Ngược lại hoàn toàn so với những vụ tương tự kể cả với những tử tù “ghê gớm” nhất. Lý do, chắc phải ít ngày nữa mới biết chính thức từ cơ quan chức năng.
Hiện, mới chỉ có vài tờ báo gỡ bớt ảnh xuống. Nhưng lại được “nhân” lên ở nhiều báo mạng khác.
Hôm qua, nhân giảng bài cho lớp báo chí năm cuối, tôi đặt câu hỏi cho hơn 100 sinh viên, rằng nghĩ gì về cuộc “lăn xả tác nghiệp” quanh thi thể tử tù này? Và theo dõi vụ việc từ đâu, báo chính thống hay facebook ? Câu trả lời chung nhất của sinh viên là theo dõi qua mạng xã hội dẫn lại đường link của các báo. Và cảm giác đọng lại là “ghê sợ, ám ảnh”!
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn vừa trả lời chất vấn tại Quốc hội, thừa nhận tốc độ truyền tin của mạng xã hội rất nhanh chóng, thậm chí “áp đảo” báo chí chính thống.
Nhưng trong vụ này, báo chí chính thống ngược lại, đã “dắt mũi” mạng xã hội. Và đáng tiếc, năng lượng mà nhiều tờ báo mang lại cho người đọc từ đây, lại cơ bản là thứ “năng lượng đen”, như chữ dùng của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khi nói về mặt trái của mạng xã hội. Ít nhất dấu hiệu “xâm hại đời tư” ở đây là khá rõ.
Trong Tâm lý học, có một hiệu ứng, gọi là “Hiệu ứng quá giới hạn”. Liên tiếp các vụ thảm án, rồi nay thậm chí đến cả cảnh hành quyết được báo chí khai thác quá kỹ, quá chi tiết, tạo ra một thứ tâm lý khiến người ta khó chịu, bứt rứt, dẫn đến phản kháng tiêu cực. Hành vi phản kháng khi vượt ngưỡng, không loại trừ tạo ra bạo lực tiếp theo. Rất nhiều vụ án kinh hoàng xuất phát từ các bộ phim, những trò game đẫm máu, điều ấy hẳn ai cũng biết.
Cung cấp thông tin, hình ảnh nhằm cảnh báo mọi người sống tuân thủ luật pháp, tránh xa tội ác. Nhưng khi vượt ngưỡng, thì chỉ với một làn ranh mảnh như sợi nơron thần kinh, cũng rất dễ trở thành tiếp tay cho khoái cảm trả thù, khoái cảm “máu” của một bộ phận người, hoàn toàn xa lạ với thế giới con người. Trong vụ hành quyết này, báo chí đã hoàn toàn vượt ngưỡng cho phép.