Khoa học công nghệ với khát vọng phồn vinh dân tộc

GFS với tiềm năng của đội ngũ các nhà khoa học nhiệt huyết và là đối tác toàn diện của các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ danh tiếng trong và ngoài nước, cùng đội ngũ cán bộ tâm huyết đặt lợi ích cộng đồng lên hàng đầu, GFS sẵn sàng mang đến cho xã hội những sản phẩm dược liệu hữu cơ đặc sắc, độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc và văn hóa Việt.

Bên thềm xuân mới Kỷ Hợi 2019, ngày 29 tháng 1 năm 2019 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt, chúc Tết các đại biểu trí thức, nhà khoa học. Ngoài ý nghĩa tri ân của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đây còn là dịp để giới tri thức, nhà khoa học cả nước gặp gỡ trao đổi, bàn luận về những định hướng phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Nhân sự kiện này, phóng viên đã có dịp trao đổi với ông Phạm Thành Công – Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Công nghệ GFS, Chủ tịch Tập đoàn GFS.

Ông Phạm Thành Công – Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Công nghệ GFS, Chủ tịch Tập đoàn GFS

Thưa ông, đến tham dự sự kiện ngày hôm nay với cương vị là Chủ tịch Hội đồng sáng lập của Viện Công nghệ GFS, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tinh dầu – Hương liệu – Mỹ phẩm Việt Nam, Ủy viên Hội đồng bảo trợ Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) và đồng thời là Chủ tịch một Tập đoàn kinh tế, có thể nói ông là một khách mời khá đặc biệt. Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình?

Tôi cũng như các anh em trong giới khoa học và trí thức Việt Nam rất xúc động và vinh dự khi đến tham dự cuộc gặp mặt ý nghĩa ngày hôm nay. Năm 2018, GDP của Việt Nam đạt đỉnh cao nhất trong vòng 10 năm qua, đó là sự nỗ lực từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tìm  mọi giải pháp cùng người dân, cùng các nhà khoa học và cùng các doanh nghiệp từng ngày, từng giờ đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống. Sự kiện ngày hôm nay thể hiện sự trân trọng, đặt niềm tin và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ với giới trí thức, khoa học, điều đó khẳng định vai trò của khoa học công nghệ đã và sẽ đưa đất nước tới những tầm cao mới.

Như vậy, khoa học công nghệ đã phát huy sức mạnh to lớn trong nền kinh tế và cuộc sống. Vậy thời gian qua, Viện Công nghệ GFS đã có những bước đi như thế nào để khẳng định vai trò của mình, thưa ông?

Là thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đồng thời là thành viên của Tập đoàn GFS nên con đường từ khoa học tới sản xuất của Viện Công nghệ GFS là rất ngắn. Trong năm qua, các nhà khoa học của Viện Công nghệ GFS đã tích cực, chủ động hợp tác cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước tích hợp các công nghệ hàng đầu trong các lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế, đặc biệt đi thẳng vào các nhu cầu bức thiết của Việt Nam như công nghệ được ứng dụng trong nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng, công nghệ vật liệu mới vermiculite, công nghệ Neoweb, công nghệ xử lý nước sinh hoạt và nước thải môi trường, công nghệ vi sinh,… Bước đầu, công nghệ Neoweb, công nghệ vi sinh cho chăn nuôi, công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ của Viện Công nghệ GFS đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá đạt trình độ cao.

Ngay những ngày đầu năm 2019, Viện Công nghệ GFS đã liên tục triển khai nhiều hoạt động quan trọng, tiếp tục tích hợp công nghệ với đối tác ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt trong các lĩnh vực nóng như: Môi trường, chống biến đổi khí hậu, năng lượng hoàn nguyên, nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao đặc sắc .

Với những công nghệ mới này, Viện Công nghệ GFS đã và đang xúc tiến áp dụng vào nhiều địa phương trên địa bàn cả nước như: Quảng Ninh, Yên Bái, Thanh Hóa, Bình Thuận, Cà Mau, Bạc Liêu. Chúng tôi tin rằng khi công nghệ được áp dụng vào các địa phương sẽ góp phần tạo ra một nông thôn Hiệu quả - Bền vững – Văn hóa, góp phần thúc đẩy các sản phẩm đồng hành như du lịch điều dưỡng đặc sắc và là bà đỡ cho các sản phẩm Ocop đặc sắc của các địa phương vươn ra thị trường quốc tế.

Với tư cách là Chủ tịch của Viện Công nghệ GFS, theo ông, chúng ta phải làm gì để thực hiện khát vọng phồn vinh dân tộc – Như lời hiệu triệu của Tổng bí thư – Chủ tịch nước?

Đó là điều mà chúng tôi trăn trở rất nhiều. Chúng tôi xác định, năng suất lao động quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của xã hội, sự gắn bó chặt chẽ quyền và nghĩa vụ sẽ tỷ lệ thuận với năng suất lao động. Năng suất lao động không chỉ phụ thuộc vào khoa học công nghệ mà còn phụ thuộc vào khoa học quản lý, phụ thuộc vào văn hóa giáo dục truyền lửa khát vọng tốt đẹp cho từng nhân cách, cho từng Doanh nghiệp vì một Việt Nam Phồn vinh – Văn minh – Bền vững!.

“Ba nông dân bằng một Gia Cát Lượng”, cũng như các nhà khoa học, nhà trí thức, chúng tôi tha thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ trong năm Kỷ Hợi tổ chức Hội nghị “Diên Hồng” về phát triển Kinh tế Xã hội bền vững dựa trên nền tảng khoa học công nghệ để mọi khó khăn và giải pháp, mọi sáng kiến tích cực sẽ được ghi nhận và nhanh chóng đưa vào cuộc sống.

Khát vọng phồn vinh dân tộc – đó là khát vọng của tất cả người dân Việt Nam nhưng tôi còn được biết GFS cũng có một khát vọng rất lớn nữa - “Đưa Việt Nam thành vườn dược liệu của thế giới”. Ông có thể chia sẻ về khát vọng này?

Với GFS, đây cũng chính là khát vọng phồn vinh dân tộc. Việt Nam với khí hậu nhiệt đới gió mùa, được thiên nhiên ban tặng hàng nghìn cây dược liệu quý hiếm, đặc sắc cùng kho tàng quý báu của nền đông y trải qua hàng nghìn năm lịch sử đã mang lại tinh hoa và giá trị vô giá cho cộng đồng. GFS với tiềm năng của đội ngũ các nhà khoa học nhiệt huyết và là đối tác toàn diện của các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ danh tiếng trong và ngoài nước, cùng đội ngũ cán bộ tâm huyết đặt lợi ích cộng đồng lên hàng đầu, GFS sẵn sàng mang đến cho xã hội những sản phẩm dược liệu hữu cơ đặc sắc, độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc và văn hóa Việt.

Khi đó, không chỉ người tiêu dùng Việt Nam ngưỡng mộ các sản phẩm tiêu chuẩn Âu Mỹ mà người Châu Âu, người Mỹ cũng yêu mến, tin dùng các sản phẩm của Việt Nam. Và như thế, đưa “Việt Nam thành vườn dược liệu của Thế giới” không phải là mục tiêu quá xa vời, mà nó hoàn toàn nằm trong tầm tay của GFS, của các nhà khoa học và các doanh nghiệp Việt. Đó thực sự chỉ là việc thực hiện sứ mệnh “Trả lại vị thế tiềm năng vốn có của Việt Nam” mà thôi.

Trân trọng cảm ơn ông!