Khó xếp cán bộ khi sáp nhập huyện, xã

Theo Bộ Nội vụ, số lượng biên chế cấp phó phải bảo đảm theo quy định. Ảnh minh họa: Như Ý
Theo Bộ Nội vụ, số lượng biên chế cấp phó phải bảo đảm theo quy định. Ảnh minh họa: Như Ý
TP - Ai cũng có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ai cũng đáp ứng được yêu cầu đề ra, vậy biết lựa chọn ai là người đứng đầu UBND sau khi sáp nhập huyện, xã? Số người đứng đầu còn lại và cán bộ dôi dư sẽ giải quyết ra sao?... Đây là một trong những khó khăn được lãnh đạo các địa phương nêu ra vào ngày 24/1, khi Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho các dự thảo nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021.

Tại hội thảo, nhiều địa phương cho rằng, khi sáp nhập bộ máy hành chính cấp huyện, xã khó khăn lớn nhất là lựa chọn và sắp xếp cán bộ, lãnh đạo. Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang Nguyễn Trọng Nam cho biết, việc tăng số lượng cấp phó, đối với chủ tịch, phó chủ tịch, hay bí thư, phó bí thư thì có thể dễ sắp xếp, nhưng đối với các cơ quan đoàn thể, nếu sáp nhập sẽ có tới 10 cấp trưởng. Nếu để 5 người xuống cấp phó không chuyên trách lại không đúng, vì họ đang là cán bộ chuyên trách.

Ông Nam cho rằng, đội ngũ cán bộ khi sáp nhập cần tính đến bức tranh tổng thể trong cả huyện. Chẳng hạn như, nếu trong 1 huyện chỉ có 2 xã sáp nhập thì số lượng cán bộ phải phân bổ ra các xã khác, hoặc có thể liên thông lên tuyến huyện. Mặc dù vậy, giải pháp liên thông cũng gặp nhiều khó khăn, bởi đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, nên huyện cũng không còn nhiều biên chế.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Cao Bằng Nguyễn Ngọc Định cho hay, tỉnh này hiện có 75/199 đơn vị hành chính cấp xã và 3/11 đơn vị hành chính cấp huyện không đủ cả 2 tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số, cần sắp xếp lại. Theo ông Định, quy định sau 5 năm phải sắp xếp lại biên chế và các chức danh theo đúng quy định như dự thảo sẽ gây nhiều khó khăn cho địa phương. Bởi sau khi sáp nhập, số lượng công chức, lãnh đạo cấp xã dôi dư rất nhiều.

Tương tự ở Hòa Bình, khi sáp nhập 3 xã thành 1, cũng có trường hợp cả 3 chủ tịch UBND đều còn trẻ. Nếu giữ nguyên sau khi sáp nhập thì sẽ có 3 chủ tịch, nhiều phó chủ tịch, vậy việc điều chuyển như thế nào? Đại diện Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lạng Sơn cũng kêu khó trong việc lựa chọn cấp trưởng cũng như việc chuyển tiếp số lượng cấp phó sau 5 năm sáp nhập.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn đề cập việc lựa chọn cán bộ, người đứng đầu chính quyền cấp huyện, xã sau khi sáp nhập. Ông Tuấn ví dụ, khi sáp nhập 2, hay 3 xã làm 1 thì trong số các chủ tịch UBND hiện có chỉ lựa chọn 1 người. Những trường hợp còn lại có thể sẽ thực hiện liên thông theo hình thức tiếp nhận, điều động công tác. Về cán bộ cấp phó, theo ông Trần Anh Tuấn, sau khi sáp nhập cũng nên duy trì như hiện nay, gồm 1 chủ tịch và 3 phó chủ tịch UBND xã. Những trường hợp còn lại có đủ năng lực phẩm chất, thì có thể chuyển đến những cơ quan cấp huyện đang còn thiếu biên chế.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, trong thời gian chậm nhất 5 năm kể từ khi sáp nhập, hợp nhất thì số lượng biên chế, cấp phó mới có thể bảo đảm đúng theo quy định. Ông cũng ủng hộ phương án, có thể sắp xếp từ công chức cấp xã lên huyện, để đến năm 2021 liên thông cán bộ cấp xã, huyện, tỉnh.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Hà, khi sáp nhập sẽ khó tránh khỏi tình trạng dôi dư biên chế, lãnh đạo. Để giải quyết bài toán này, ông cho rằng, cần mạnh dạn thực hiện, đặc biệt là áp dụng phương án cho nghỉ hưu trước tuổi. Ông Hà cho rằng, trong thời hạn 3 năm cần phải ổn định về biên chế và cấp phó chứ không nên kéo dài tới 5 năm.

MỚI - NÓNG