Ngày 10/10, Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 2 (TPHCM) đã tiếp xúc cử tri quận 7 và huyện Nhà Bè trước kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (khóa XIV). Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bức xúc bày tỏ nhiều năm qua, triều cường đã gây ngập nặng các tuyến đường huyết mạch của địa phương.
Mỗi khi xuất hiện triều cường, các con đường Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Nguyễn Bình, … bị ngập sâu, có đoạn gần lút bánh xe khiến việc đi lại, kinh doanh buôn bán gặp rất nhiều khó khăn.
Triều cường dâng cao làm tuyến đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) bị ngập sâu, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân
Nước hôi thối từ kênh rạch tràn vào nhà làm đời sống của hàng nghìn hộ dân bị đảo lộn. Đợt triều cường lớn đang diễn ra trong mấy ngày qua, nước chảy xiết làm nhiều người đi đường bị té ngã.
Cử tri Nguyễn Thị Nguyệt (ấp 6, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè) bức xúc: Khi TPHCM triển khai dự án chống ngập do triều cường có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, người dân đã kỳ vọng rất nhiều. Chúng tôi đã tự nguyện bàn giao mặt bằng sớm để nhà thầu thi công, sớm hoàn thành dự án.
“Và chúng tôi đã thất vọng thật nhiều. Thay vì sớm thoát khỏi cảnh ngập lụt khổ sở. Không hiểu vì lý do gì, dự án dừng thi công hơn nửa năm qua và chưa biết đến khi nào mới khởi động lại. Dự án có được tiếp tục thi công hay không và khi nào mới thi công lại phải nói rõ cho người dân chúng tôi được biết”, bà Nguyệt yêu cầu.
Tham gia trả lời các cử tri, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Bùi Hòa An cho hay, huyện Nhà Bè và khu Nam TPHCM mỗi năm lún từ 0,5 – 1cm. Sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng khiến tình trạng ngập do triều cường ngày càng nghiêm trọng hơn.
Theo ông An, TPHCM cần có giải pháp căn cơ nhất để chấm dứt tình trạng ngập do triều cường và mưa lớn. Đó là triển khai dự án chống ngập do triều cường với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Dự án hiện nay còn vướng giải phóng mặt bằng dù chính quyền địa phương đã linh hoạt, vận động người dân bàn giao mặt bằng trước cho chủ đầu tư để thi công nhằm đảm bảo tiến độ.
Thay mặt Tổ Đại biểu Quốc hội TPHCM, đại biểu Dương Ngọc Hải, Viện trưởng Viện KSND TPHCM cho biết dự án chống ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) do Công ty Trung Nam làm chủ đầu tư đã dừng thi công từ tháng 4 đến nay.
“Việc dự án này tạm dừng kéo dài không chỉ khiến thành phố không thực hiện được các chương trình trọng điểm mà còn khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Hiện UBND TPHCM đang tiến hành nhiều giải pháp để dự án sớm tái khởi động trở lại”, ông Hải cho hay.
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1 được khởi công từ tháng 6/2016 và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2019. Dự án tạm dừng thi công từ ngày 27/4 đến nay sau khi đã hoàn thành 72% khối lượng thi công.
Việc nhà thầu tạm dừng thi công là do phía Ngân hàng tài trợ vốn đã ngưng giải ngân do UBND TPHCM chưa xác nhận khối lượng thi công hoàn thành. Nguyên nhân sâu xa là do Tư vấn giám sát hợp đồng cho rằng Nhà đầu tư và nhà thầu không tuân thủ hợp đồng.
Còn công ty Trung Nam, Trung tâm chống ngập, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định dự án đang được thi công đúng quy định, nhà thầu và doanh nghiệp dự án tuân thủ hợp đồng BT đã ký kết. Qúa trình thi công được tư vấn giám sát công thi công, Bộ Xây Dựng, Cơ quan nghiệm thu thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kiểm toán Nhà nước xác nhận.
Trong khi đó, cơ quan có thẩm quyền là UBND TPHCM thì lại im lặng không quyết. Không những thế, cơ quan này còn có văn bản … cầu cứu Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 4/10 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có công văn khẩn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, chỉ đạo UBND TPHCM phải chịu trách nhiệm toàn diện về việc đầu tư và hiệu quả của dự án. Việc giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền thành phố.
Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TPHCM tập trung chỉ đạo, kịp thời giải quyết các vướng mắc để triển khai dự án giải quyết ngập do triều theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện dự án.