Khổ vì tin theo quy hoạch

Cơ sở chế biến gỗ Ánh Quang. Ảnh: Sáu Nghệ
Cơ sở chế biến gỗ Ánh Quang. Ảnh: Sáu Nghệ
TP - Khoảng 60 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh ở TP Cần Thơ đang lo phá sản, khi quy hoạch xây dựng Trung tâm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp chỉ tồn tại 5 năm và nay chuyển sang dự án khu đô thị.

> Thêm nhiều doanh nghiệp xả trực tiếp nước thải ra sông

Cơ sở chế biến gỗ Ánh Quang. Ảnh: Sáu Nghệ
Cơ sở chế biến gỗ Ánh Quang. Ảnh: Sáu Nghệ.

Trung tâm Công nghiệp và Tiểu chủ công nghiệp Cái Sơn -Hàng Bàng ở phường An Bình (Ninh Kiều, Cần Thơ) được UBND Cần Thơ phê duyệt tỷ lệ 1/500 tháng 4-2002, nhằm tạo mặt bằng hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo vệ môi trường. Rất nhiều chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tin theo.

Ông Nguyễn Văn Diễn, GĐ Cty TNHH Cơ điện Thới Hưng, kể rằng năm 2004, lãnh đạo địa phương vận động ông vào mua đất mở cơ sở sản xuất ở khu quy hoạch, khi chưa có đường đi. Cty của ông xây dựng xưởng sản xuất thiết bị cơ khí dây chuyền chế biến lương thực, chế biến thức ăn thủy sản; xưởng sửa chữa thiết bị điện và hệ thống kho cho 10 doanh nghiệp thuê.

Kho hàng phân phối cả khu vực ĐBSCL của bánh Kinh Đô, bóng đèn Ánh Quang, Coca Cola…đều nằm ở đây. Trên diện tích khoảng 2 ha, hiện có khoảng 400 lao động làm việc thường xuyên.

Ông Nguyễn Văn Cường, chủ cơ sở chế biến gỗ Ánh Quang, cho biết, năm 2007, vào khu quy hoạch mua hơn 2.000 m2 đất.

Nhưng quy hoạch Trung tâm công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp chỉ tồn tại được 5 năm. Tháng 6-2007, UBND TP Cần Thơ có quyết định hủy bỏ, với lý do “không còn phù hợp với thành phố loại 1 trực thuộc Trung ương”. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không biết việc hủy bỏ, nên vẫn đầu tư sản xuất kinh doanh.

Cuối năm 2010, hơn 20 ha đất trong khu quy hoạch được chuyển thành Dự án Khu đô thị đường Nguyễn Văn Cừ, chủ đầu tư là Tập đoàn Đầu tư phát triển nhà và đô thị của Bộ Xây dựng. Ông Lưu Đình Thông, GĐ Ban quản lý dự án, cho biết đang đề nghị duyệt phương án bồi thường và chi trả tiền trước Tết Nguyên đán 2012.

Doanh nghiệp mong bớt khổ

Nhưng phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vừa đưa ra, chỉ nêu 218 hộ dân bị ảnh hưởng mà không hề nhắc tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ông Dương Tấn Hiển, PGĐ Sở TN-MT kiêm GĐ Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Cần Thơ, giải thích với PV Tiền Phong, phương án đang hoàn chỉnh, sẽ xem xét từng doanh nghiệp cụ thể và tìm nơi di dời.

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ, băn khoăn: “Có được nơi phù hợp với việc kinh doanh không, và có được ổn định lâu dài hay vài năm lại phải chuyển theo quy hoạch mới?”. Có 36 doanh nghiệp nằm ở vùng lõi của dự án khu đô thị, đang gửi “đơn kêu cứu” đến nhiều cấp chính quyền.

Ông Võ Thành Thống, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nói: “Thành phố bảo đảm các chính sách về đất đai và các quyền lợi khác liên quan đến di dời”. Phó chủ tịch UBND quận Ninh Kiều Nguyễn Văn Kết cam kết “sẽ đề xuất hướng giải quyết để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".