Khổ vì hai giá

Khổ vì hai giá
TP - Những ngày qua, thị trường tiền tệ đã và đang tồn tại hai tỷ giá - một theo niêm yết của Ngân hàng Nhà nước, một theo giá chợ đen, cũng đồng thời tồn tại hai bảng lãi suất - một công khai và một thỏa thuận ngầm... Cứ để tình trạng trên tồn tại, hệ lụy sẽ là gì?

Theo phân tích, cơ chế hai giá trong lãi suất và tỷ giá đã và sẽ làm biến dạng các báo cáo tài chính, gây bất ổn trong hoạt động của ngân hàng và doanh nghiệp. Vậy giới kinh doanh sẽ ứng xử thế nào?

Dù thị trường ngân hàng cuối tuần qua đã tạm yên với cam kết ràng buộc lãi suất huy động không vượt quá 15%/năm kể cả khuyến mại nhưng với việc phải âm thầm thỏa thuận trước đó, lãnh đạo nhiều ngân hàng không che giấu hệ quả phải giải quyết sau này đó là hạch toán chi phí đầu vào tăng thêm vài phần trăm so với biểu niêm yết.

“Khoản chênh 2% so với bảng niêm yết thì theo pháp lý còn nhét được vào khuyến mại chứ cao hơn thì quả là nan giải. Bất kể thế nào, bằng nghiệp vụ, ngân hàng cũng phải lo cho bằng được”- lãnh đạo một ngân hàng nói.

Với tỷ giá, câu chuyện còn phức tạp hơn. Nhiều ngân hàng buộc phải mua USD của doanh nghiệp cao hơn niêm yết để đảm bảo cân bằng ngoại tệ, cũng như nhiều doanh nghiệp cần USD phải “nhắm mắt đưa chân” chịu mức chênh trên 1.500 đồng cho mỗi USD so với giá quy định, họ sẽ phải làm gì?

Để hạch toán khoản chênh lệch lớn trên mà vẫn đảm bảo không phạm luật, nhất là khi không được phép đưa trực tiếp vào hóa đơn chứng từ, bài giải mà họ dùng để lách chủ yếu qua sử dụng nghiệp vụ như mua hoặc bán USD vòng qua đồng tiền thứ ba và bớt đi một động tác cộng thêm biên độ.

Điều đáng ngại là việc hợp thức hóa chênh lệch giữa hai giá có thể tạo lợi ích cho một số cá nhân; ngược lại, trường hợp bất lợi có thể bị đẩy về kết quả kinh doanh chung và ở đó là lợi ích của doanh nghiệp, cổ đông, nhà đầu tư...

Với một nền kinh tế thị trường, việc tồn tại hai giá trong bất cứ lĩnh vực nào đều là tối kỵ. Vấn đề cuối cùng vẫn là làm thế nào để triệt tiêu cơ chế hai tỷ giá, hai lãi suất. Theo nhiều chuyên gia, ngoài các biện pháp hành chính như mạnh tay xử lý vấn đề tỷ giá ngoại tệ, xử lý đầu cơ và tâm lý cạnh tranh ăn thua, về lâu dài hơn, lời giải vẫn nằm ở Chính phủ với những hoạch định trong chính sách, cân đối giữa các mục tiêu tăng trưởng và lạm phát, đi kèm với phép tính thắt chặt chi tiêu ngân sách, kiểm soát chi tiêu công mạnh, kiểm soát tốt nhập siêu...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG