Khổ vì cái gì?

TP - 4.000 hồ sơ nộp thì có 1.000 hồ sơ toàn điểm 10. Chưa kể số hồ sơ có giải nọ giải kia. Đó là thực trạng được PGS. Văn Như Cương, chủ tịch Hội đồng quản trị trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội chia sẻ.

Thực trạng của trường Lương Thế Vinh đại diện cho rất nhiều trường chất lượng cao trên toàn thành phố Hà Nội cũng như của các tỉnh khác. Vậy chúng ta nên mừng hay nên lo?

Năm 2015, Bộ GD&ĐT yêu cầu tất cả các trường THCS không được tổ chức thi vào lớp 6. Mục đích để các lò luyện không còn đất tồn tại, giảm tình trạng dạy thêm học thêm từ cấp tiểu học. Nhưng giảm một cuộc thi, lập tức một loạt các cuộc thi khác ra đời đúng theo phương châm “có chính sách sẽ có đối sách”. Các cuộc thi này trở thành phao cho các trường trong việc tuyển chọn học sinh. Trong một “rổ trứng” 4.000 quả  đều nhau khá giỏi như trường của PGS. Văn Như Cương, để chọn ra mấy trăm quả trứng vào lớp 6 nếu không được thi, bắt buộc trường phải dựa vào các tiêu chí phụ. Đó là các giải thưởng từ văn hóa, đến thể dục thể thao, năng khiếu, âm nhạc. Các cuộc thi bỗng nhiên bung nở.

Đó là bề nổi của tảng băng chìm mà từ năm 2006, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân lúc bấy giờ đã chỉ mặt đặt tên là bệnh thành tích trong giáo dục.

Nhà trường thích thành tích, phụ huynh thích thành tích. Từ lớp 1, phụ huynh đã nháo nhào tìm trường, tìm lớp để chuẩn bị tinh thần vào lớp 6, lớp 10. Trước khi vào trường nào, phụ huynh đều “nhắm” xem cô nào dạy tốt, cô nào dạy giỏi để xin bằng được cho con học.  Thế nên mới có tình trạng dù cấm thi vào lớp 6 nhưng vẫn ngày đêm học thêm.  Học sinh học thêm để đi thi lấy thành tích cho trường, lấy kết quả xét tuyển chuyển cấp. Trường tổ chức thi để có thành tích báo cáo, thi đua. Phụ huynh cho con học thêm để mong vào trường tốt. Hệ quả của việc này là lớp nào cũng 80 -90% học sinh giỏi. Hiệu trưởng một trường chất lượng cao của Hà Nội khẳng định, học sinh học hết tiểu học nếu đạt 12 điểm 10  với hai môn Toán, Tiếng Việt (gồm 2 điểm 10 lớp 1, 2, 3, 4 và 4 điểm 10 năm lớp 5) thì mới có cơ may “vớt” vào trường. Còn nếu có 1 điểm 9, chắc chắn là không có cửa. Vì ngoài đạt thành tích 12 điểm 10, rất nhiều hồ sơ vào trường còn có cả loại giải thưởng. Chính vì vậy, câu cửa miệng của phụ huynh muốn xin vào học trường điểm cho con là “cháu có giải gì không”?. Giáo viên môn phụ như Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật bỗng nhiên “có giá”.

Cả xã hội lao tâm khổ tứ vì các kỳ thi, vì sổ học bạ đẹp. Mỗi kỳ thi, hàng nghìn, học sinh tham gia để lấy chứng chỉ, lấy giải mong có được một tấm vé vào cấp học tiếp theo ở trường tốt. Thế nhưng kết quả cuối cùng của nó là chất lượng nguồn nhân lực lại không được nâng lên. Có lẽ so với thế giới, học sinh Việt Nam tham gia nhiều cuộc thi, đạt nhiều loại giải thưởng nhất. Các giảng viên đại học đang kêu vì sinh viên không thể viết nổi đơn xin việc, tư duy logic, tư duy phản biện không có. Vậy chúng ta đang khổ vì cái gì?

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.