Khó phủ kín điện nông thôn

Khó phủ kín điện nông thôn
TP - Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng việc cấp điện nông thôn cho toàn bộ hộ dân tại tỉnh Lâm Đồng vẫn gặp nhiều khó khăn do chi phí quá cao, địa bàn dân cư phân bố không đồng đều, dân di cư tự do vào vùng sâu vùng xa.

> Dấu ấn ngành điện Thủ đô
> Mọi giá phải đáp ứng đủ điện…

Khó đạt 100% hộ có điện

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng cho biết, số hộ nông thôn đã có điện là 98%, tỉ lệ 100% hộ có điện rất khó đạt được vì tỷ lệ hộ tăng lên liên tục theo sự phát triển của xã hội.

Để đạt được chỉ tiêu tăng số hộ điện nông thôn trên địa bàn Lâm Đồng, Tổng công ty Điện lực miền Nam đang triển khai dự án KFW vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức.

Quy mô xây dựng 41-46 km đường dây trung thế ba pha, 11,2 km hạ áp, xây mới và cải tạo 76 trạm biến áp… dự kiến sẽ hoàn thành trong quý IV năm 2013, cấp điện thêm cho 4.645 hộ.

Giải thích việc khó đạt 100% hộ có điện, ông Hoàng cho biết, do người dân ở quá xa lưới điện, hàng năm đều phát sinh những khu dân cư ở vùng sâu vùng xa do người dân di dân tự do. Giải pháp của công ty điện lực là cấp điện cho những điểm có nhu cầu sử dụng điện lớn trước với số tiền đầu tư thấp.

Liên quan đến việc giảm tổn thất điện năng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, theo ông Hoàng, thời gian vừa qua do địa bàn dân cư phân bố không đều, tỷ lệ điện nông thôn cao trong quá trình đầu tư các dự án điện nông thôn, mục tiêu tăng nhanh số hộ có điện nên quá trình đầu tư điều kiện kỹ thuật chỉ ở mức độ nên khi vận hành nhu cầu sử dụng điện tăng dẫn đến tình trạng phát triển nóng, đầu tư điện khí hóa nông thôn quá tải, tổn thất điện năng tăng cao.

Để khắc phục hiện trạng này, ông Hoàng cho biết, công ty đã thành lập ban chỉ đạo chống tổn thất điện năng. Hằng năm, Tổng công ty phân bổ một phần vốn đầu tư phát triển, sửa chữa lớn, sử dụng phần vốn làm mới và đầu tư cải tạo khu vực điện nông thôn để giảm tổn thất điện năng. Mùa khô, nhu cầu tưới tiêu của bà con tăng thêm, tỷ lệ tổn thất điện năng sẽ biến động.

Điện cải thiện đời sống dân nghèo

Ông Vũ Thế Kỷ, Giám đốc Điện lực huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ khi có điện, đời sống của người dân đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện đã được cải thiện rất nhiều. Lý do được ông Kỷ đưa ra do khi có điện người dân đã tiếp cận được thông tin, văn hóa, xã hội, thời sự thông qua đài, ti vi. Các hoạt động sinh hoạt, sản xuất được dễ dàng như việc tưới nước cho cà phê, chế biến xay xát diễn ra thuận lợi, tiết kiệm nhiều thời gian, tiền bạc.

Được biết, huyện Đức Trọng có quá trình đầu tư điện nông thôn diễn ra trong thời gian dài bằng nhiều hình thức và nhiều nguồn vốn nên mức độ đầu tư không đồng bộ. Nhu cầu sử dụng điện của dân ngày càng cao nên lưới điện phải cải tạo liên tục, hàng năm chi ra rất nhiều tiền để cải tạo nơi tiếp nhận mới.

Nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày càng cao. Trước đây nhu cầu tưới có thể dùng máy nổ để tưới cà phê nhưng ao hồ không có, nhiên liệu đắt nên người dân phải khoan giếng ngầm để bơm tưới nên nhu cầu về điện cấp cho vùng nông thôn trong mùa khô rất lớn. Lưới điện đã đầu tư cải tạo cách đây 7-8 năm phải tái đầu tư cải tạo mới đáp ứng được nhu cầu. Dù khách hàng không tăng nhưng tốc độ tăng trưởng điện của huyện Đức Trọng là 10%.

Theo ông Kỷ, hiện đã cấp được hơn 90%, chỉ còn hơn 100 hộ chưa có điện tập trung ở những xã quá xa, ngành điện khó có thể đầu tư. Nếu có chính sách của nhà nước mới có thể cấp điện cho toàn bộ hộ dân ở những khu vực này vì mỗi hộ gia đình sinh sống trên một quả đồi, cách xa nhau nhiều cây số, điện năng sử dụng cũng rất ít.

Về công tác tuyên truyền tiết kiệm điện, Điện lực Đức Trọng đã hướng dẫn bà con sử dụng điện hợp lý, tắt bóng đèn khi không cần thiết, phát tờ rơi vừa về an toàn vừa về tiết kiệm điện. “Người dân sử dụng cũng rất có ý thức tiết kiệm vì nó ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của họ, nhất là khu vực đồng bào dân tộc. Mỗi tháng, bà con dân tộc chỉ dùng 15-20KW vì họ tiết kiệm điện và thiết bị điện sử dụng không nhiều”, ông Kỷ nói.

Ông Kia Khiêm, người dân sống tại thôn K’nai, xã Phú Hội (Đức Trọng, Lâm Đồng) cho biết, mỗi tháng gia đình ông sử dụng khoảng 80 nghìn đồng tiền điện. Hiện gia đình ông sử dụng 3 bóng điện thắp sáng, nồi cơm điện, ti vi, và máy bơm nước cho 5 sào cà phê. “Bà con nào có giếng khoan dùng máy bơm điện, rẻ hơn dùng dầu nhiều lần”, ông Kia Khiêm nói.

Chỉ tiêu tổn thất điện năng trên địa bàn huyện Đức Trọng là 7,9%. Theo ông Kỷ, sẽ đạt được chỉ tiêu khi thực hiện nhiều biện pháp như tăng cường công tác quản lý vận hành lưới điện, đảm bảo cân, pha, sang tải, phát quang đường dây, thay dây tăng cường công suất máy biến áp… Về thương mại, thay điện kế đúng quy định và tăng cường kiểm tra giám sát tránh trộm cắp điện.

Hiện trên địa bàn huyện, không có những vụ trộm cắp điện mang tính chất lớn, tinh vi, chủ yếu ăn cắp hộ gia đình, tác động đến công tơ. Từ đầu năm đến tháng 8/2013 phát hiện được 16 vụ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.