Khó phạt tiền người bán dùng tay bốc thức ăn?

TPO - Theo quy định mới, người bán thức ăn đường phố có thể bị xử phạt về hành vi dùng tay tiếp xúc trực tiếp với thức ăn. Trên thực tế, việc kiểm tra, xử phạt người kinh doanh trên đường gặp nhiều khó khăn khi họ không ở một địa điểm cố định.
Hành vi dùng tay tiếp xúc trực tiếp thức ăn có thể bị phạt tiền. Ảnh minh họa.

Không cảnh cáo, chỉ phạt tiền

Từ 20/10, Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm  sẽ có hiệu lực, thay thế cho Nghị định số 178/2013 của Chính phủ.  Nghị định mới bãi bỏ hình thức xử phạt cảnh cáo, giữ lại duy nhất một hình thức là phạt tiền. Đồng thời, các hình thức khắc phục hậu quả cũng được bổ sung thêm gồm buộc thu hồi sản phẩm; buộc gỡ bỏ quảng cáo, dừng phương tiện vận chuyển và nộp tiền bằng giá trị tang vật trong trường hợp tang vật không còn.

Nghị định số 115 cũng bổ sung thêm một số hành vi bị xử lý như phạt tiền từ 80 đồng đến 100 triệu đồng với hành vi sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng; phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng với hành vi không thực hiện tăng cường vi chất dinh dưỡng là vitamin, khoáng chất, chất vi lượng thuộc danh mục bắt buộc phải tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm...

Với các hành vi, mức phạt tiền tối đa vẫn giữ nguyên so với cũ tức 100 triệu đồng với cá nhân, 200 triệu đồng với tổ chức nhưng mức phạt tiền với nhiều hành vi cụ thể được nâng cao. Đơn cử, các vi phạm về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được nâng mức sử phạt từ 300.000 đồng đến 25 triệu đồng lên từ 20 đến 40 triệu đồng.

Đáng chú ý, người bán thức ăn đường phố không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, ăn ngay sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng (mức cũ từ 300.000 - 500.000 đồng). Hành vi không cách ly côn trùng, động vật gây hại với khu vực sản xuất hoặc kho chứa thực phẩm, phụ gia hoặc dụng cụ chế biến thực phẩm bị nâng mức xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng lên 5 đến 7 triệu đồng…

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm

Theo ghi nhận, nếu các quy định trên được áp dụng triệt để sẽ ảnh hưởng tới tất cả người kinh doanh thực phẩm nhất là khi thực phẩm đường phố rất nhiều tại nước ta. Tháng 9 vừa qua, kênh tài chính CNBC của Mỹ phát phóng sự tìm hiểu nguyên nhân thất bại của “ông lớn” McDonald’s khi đầu tư vào Việt Nam. Phóng viên của kênh này và rất nhiều người xem truyền hình phương Tây đều thừa nhận nguyên nhân chính đến từ đồ ăn đường phố ở Việt Nam quá nhiều, rẻ chất lượng tuyệt vời nếu so với khoai tây chiên hay thịt rán của McDonald’s.

Dữ liệu của Nielsen (Cty nghiên cứu thị trường) thể hiện, tại Việt Nam, ngành hàng thực phẩm là một trong 3 nhóm ngành hàng tăng trưởng nhanh nhất năm 2017. Với người tiêu dùng Việt, 37% số người cho rằng sức khỏe là mối bận tâm lớn nhất khi sử dụng thực phẩm. Bên cạnh đó, 80% người dùng quan tâm đến những tác động lâu dài từ các phụ chất nhân tạo có thể gây ra; 75% mong muốn biết rõ những chất cấu tạo nên thức ăn mà họ sử dụng hằng ngày.

Lo lắng nói trên của người tiêu dùng hoàn toàn có cơ sở nếu nhìn vào số liệu do cơ quan chức năng thống kê. Cụ thể, năm 2017, cả nước xảy ra 139 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.869 người mắc, 3.705 người đi viện, 24 trường hợp tử vong. Trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 44 vụ ngộ độc thực phẩm với trên 1.200 người mắc, 7 trường hợp tử vong. Riêng tháng 6/2018, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 284 người mắc, 1 trường hợp tử vong.

Khó xử phạt trên đường phố

Từ 16/8 đến 7/9, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 18 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt hơn 1,6 tỷ đồng. Theo ghi nhận, các cơ sở bị xử phạt đều là pháp nhân, việc theo dõi và xử lý vi phạm nếu có với người kinh doanh thức ăn đường phố khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Văn Khang – Chủ tịch UBND phường Bách Khoa (Hà Nội) cho biết, các lực lượng tại phường Bách Khoa đã làm rất tốt việc kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm. Tuy nhiên, công tác này áp dụng chủ yếu với các nhà hàng, điểm kinh doanh cố định. Với thực phẩm đường phố, ông Khang cho rằng chỉ có thể xử phạt trật tự đô thị, nhắc nhở người bán di chuyển khỏi lòng đường, vỉa hè…

“Bên mình ra quân thường xuyên nhưng nói thật phạt của họ rất khó. Họ kinh doanh ăn uống nhưng di chuyển trên đường, không ở lại một chỗ. Mình cũng không biết đồ ăn đó vi phạm hay không, muốn biết phải xét nghiệm. Các lỗi khác cũng khó phát hiện, chế tài xử lý chưa hoàn thiện. Như một rổ bánh rán đáng bao nhiêu mà phạt của họ? Tịch thu lại rất phản cảm” – ông Khang nói.

Tương tự, bà Hoa – một người bán đồ ăn vặt gần công viên Cầu Giấy bật cười khi phóng viên đặt câu hỏi xoay quanh việc có thể bị phạt 1 triệu đồng nếu không dùng găng tay khi bán hàng. Bà nói: “Nhìn thấy xe của phường là cả dãy này chạy luôn, ai dám dừng lại bán tiếp để cho họ nhìn có dùng tay bốc thức ăn hay không”.

Một số chủ cửa hàng kinh doanh ăn uống cố định cũng không đồng tình việc nâng mức phạt như nghị định 115 nói trên. Anh Nguyễn Văn Bắc – chủ một cửa hàng ăn uống tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết anh vừa bị phạt gần 2 triệu đồng về lỗi không có lưới cách ly côn trùng trong khu vực kinh doanh. “Tôi tin dù nhà hàng hay quán cơm bình dân cũng không thể cách ly hoàn toàn đồ ăn thức uống với côn trùng. Ruồi muỗi hay kiến ở đâu cũng có, phun thuốc chỉ định kỳ, phun nhiều còn độc hại hơn… Nhà tôi cũng chỉ lắp màn che cho đồ ăn trên kệ nhưng đến lúc bán hàng vẫn phải bỏ ra” – anh Bắc nói.