Khó phát hiện vì hối lộ rất tinh vi

TP - Ngày 6/11, trả lời báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên nhấn mạnh: Phải xử lý ngay quan chức sai phạm trong vụ Công ty Bio-Rad của Mỹ khai hối lộ 2,2 triệu USD cho các quan chức phía Việt Nam.
Khó phát hiện vì hối lộ rất tinh vi ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Tiên.

Ông Tiên cho biết: Vấn đề này cần xác minh làm rõ. Năm ngoái, Trung Quốc đã xử phạt một công ty của Mỹ mấy trăm triệu USD vì tội hối lộ mà họ chấp nhận chịu phạt. Trường hợp ở ta, phải xác định công ty đó họ hoạt động trong lĩnh vực nào: Thuốc, hóa chất hay thiết bị y tế. Tôi nghĩ trong 5 năm hối lộ 2,2 triệu USD, có lẽ còn quá nhỏ. Thực tế nhiều năm nay, chi hoa hồng cho bác sĩ kê đơn thuốc là chuyện phổ biến. Ở các nước như Mỹ thì họ kiểm soát ngay từ các công ty, xem danh sách chi hoa hồng, chi cho những ai do đó mới phát hiện được. Mình cũng muốn kiểm soát nhưng rất khó. Tôi mong đợt này, chúng ta sẽ phát hiện được xem ở lĩnh vực nào, dược hay thiết bị y tế.

Lâu nay, dư luận cho rằng chi hoa hồng cho bác sĩ kê đơn thuốc là chuyện phổ biến, theo ông có những hình thức hối lộ nào trong lĩnh vực y tế?

Để chi những khoản đó, họ có thể tài trợ dưới hình thức mời đi nước ngoài tham dự hội thảo, cộng vào là có thể thành mấy triệu USD. Ví dụ, hãng tài trợ cho mấy trăm bác sĩ đi dự hội thảo, mỗi người vài nghìn USD cộng lại đã thành một khoản lớn. Hình thức hối lộ rất tinh vi, vấn đề phát hiện ra như thế nào. Nhiều nơi có tình trạng chủ yếu trả hoa hồng qua đơn thuốc. Tôi nghĩ là những công bố của cơ quan điều tra ở nước ngoài như vậy sẽ khó với chúng ta.

Những hình thức hối lộ như ông vừa nói là rất tinh vi, vậy làm gì để kiểm soát, phát hiện và xử lý?

Phải nói trong hàng mấy chục công ty nước ngoài đầu tư trang thiết bị y tế và bán thuốc ở Việt Nam, chỗ nào cũng có hoa hồng, vấn đề là làm thế nào để phát hiện được, rất khó. Vì các doanh nghiệp ấy thường thông qua việc mời các quan chức đi tham dự hội thảo khoa học. Đây là dịp cho cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn, nhưng ẩn bên trong đó có chế độ, chính sách tài chính gì đó cho cán bộ, bác sĩ được mời, chúng ta khó mà biết được. Vấn đề đặt ra ở đây là y đức, sự tự giác, quản lý của cơ quan quản lý cán bộ, bác sĩ đó. Cái khó là họ mời dự hội thảo, có cơ chế trả hoa hồng rất tinh vi, không qua tài khoản, ngân hàng, nên khó phát hiện.

Nhưng đây cũng là một dịp tốt cho Việt Nam tìm cách đưa giá thuốc, giá trang thiết bị y tế về giá thực mà không bị chi phối bởi những khoản hoa hồng rất khó kiểm soát. Tôi rất muốn Quốc hội ban hành Luật Đấu thầu, quy định có mục riêng cho đấu thầu cung ứng thuốc, thiết bị y tế để kiểm soát.

Theo ông, cần có biện pháp gì để có thể kiểm soát thu nhập, tài sản của cán Bộ y tế, bác sĩ?

Luật Thuế thu nhập cá nhân, chính sách kê khai tài sản có rồi, nhưng thực tế, văn hóa tiền mặt ở Việt Nam rất khó kiểm soát. Ở Nhật, lương của bác sĩ cao hơn gấp 3 lần mức bình quân của xã hội, nhưng họ kiểm soát chặt, chỉ có thu nhập chính thức gấp 3 lần. Còn ở ta, mặc dù lương của bác sĩ theo hệ thống chung nhưng thu nhập của các bác sĩ ở một số bệnh viện rất lớn. Nhưng chúng ta không kiểm soát được thu nhập từ nguồn này, nguồn kia. Đây là cái khó, chỉ khi chúng ta kiểm soát được tất cả thu nhập cá nhân qua tài khoản thì việc chống tham nhũng mới thuận lợi hơn.

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.