Khổ như nghề đào đất

Nghề đào đất.
Nghề đào đất.
TP - Không ruộng vườn, nhiều nông dân miệt vườn xứ thẳng cánh cò bay hằng ngày lại phải kiếm sống bằng nghề đào đất thuê, bất kể nắng, mưa, gió bão. Hy vọng đổi đời của những người chuyên “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vô cùng mờ mịt.

Trần ai

Giữa trưa, nắng như đổ lửa, một người đàn ông gầy gò, lưng trần, da đen nhẻm, hai bên lộ rõ từng chiếc xương sườn, vẫn cắm cúi đào và xúc những tảng đất ướt để đắp thành luống. Mồ hôi đầm đìa, toàn thân ông ướt đẫm. Thấy có người ghé lại hỏi chuyện, ông tạm dừng công việc, ngước lên, buông cây leng (xẻng) và đưa tay vuốt mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt. Ông lắc đầu, nói: “Làm cực khổ vậy chứ buông ra là đói ngay chú ơi!”.

Người đàn ông đó là Nguyễn Văn Tiếp, 42 tuổi, ở ấp Trường Khánh 2, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang). Vừa làm, ông Tiếp vừa kể “chuyện nghề”: Hôm nay đào đất lên liếp cho người chủ đất hàng xóm trồng hoa màu. Theo ông, đào lên liếp từ đất ruộng tương đối nhẹ nhàng, vì chỉ đào một lớp leng. Ở những chỗ đào đất từ kênh lên liếp sẽ cực nhọc hơn bội phần, bởi độ sâu tương đương 3 đến 4 lớp leng. “Mỗi lần quăng một leng là xương cốt vặn răng rắc”- ông Tiếp nói.

“Nhiều đêm trằn trọc, thức trắng không ngủ được vì lo nếu mình không còn sức cầm cây leng nổi thì lấy gì lo cho vợ, con… Rồi tương lai của cháu sẽ ra sao, chẳng lẽ lại tiếp tục cầm leng như ông ngoại của nó, mà cả đời vẫn không khá nổi?”.

Ông Nguyễn Văn Thắm

Được một lúc, ông Tiếp dừng tay bước qua bờ kênh lội xuống trầm mình trong nước. Lúc lâu sau, ông trở lại với tay cầm chiếc leng, giải thích: “Hôm nay trời nóng quá, chịu không nổi, làm một lúc là phải “xả hơi” bằng cách trầm mình xuống nước cho đỡ nóng”. Ông kể,  khoảng 5 năm trước, khi dưa hấu lên ngôi, người dân đua nhau lên liếp trồng dưa hấu. Lúc đó, làm ngày đêm…và một ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng. Công việc đào đất tuy cực, phải dậy sớm, hừng đông là có mặt ngoài đồng, nhưng cũng có những niềm vui nho nhỏ. “Anh em cả chục người “đua nhau” đào ăn sản phẩm, nói chuyện rôm rả vui như hội. Đến chiều, anh em người góp lại 5-10 ngàn mua rượu, mồi nhâm nhi rồi nói chuyện đời, chuyện nghề cho giãn gân, giãn cốt” - ông Tiếp kể.

Cùng đào đất với ông Tiếp là ông Võ Văn Kiệt. Ông Kiệt 54 tuổi nhưng có gần 30 năm trong nghề đào đất. Ông Kiệt cũng mình trần, luôn tay đào giữa tiết trời oi nồng. Ông giãi bày: “Dẫu biết trời nắng nhưng cũng đành chịu vì mặc áo vô là nực chịu không nổi, làm riết quen da nên thấy bình thường”- ông Kiệt tươi cười nói. 

Ông Kiệt cho biết, làm nghề này mong trời mưa xuống cho mềm đất dễ đào. Hơn nữa, sẽ không bị hốc nắng, dội… đào không nổi. Nhưng khi dầm mưa lâu lại dễ bị cảm. “Nhiều hôm dầm mưa cả ngày về cảm sốt là chuyện thường. Đâu dám vô viện, tiền đâu? Vợ lấy lá xông, ngớt bệnh lại làm liền” -  ông Kiệt tâm sự.

Đang rôm rả, câu chuyện bỗng lắng lại. Ông Tiếp bảo, làm mấy chục năm nhưng chẳng dư dả gì. Mấy năm trước ông từng bỏ xứ đi Bình Dương làm lò gạch, nhưng cũng chẳng được bao lâu vì tiền lương làm ra phải chi phí thuê chỗ trọ, ăn uống… cuối cùng, chẳng còn xu dính túi nên đành phải quay về nhà, tiếp tục với nghề này. “Nhiều người nói vui: Số làm nghề đào đất thì có đi đâu hay chạy trời cũng không khỏi đất”- ông Tiếp ngậm ngùi.

Khổ như nghề đào đất ảnh 1

Mồ hôi ròng ròng đổi miếng ăn.

Nỗi bận tâm và cũng là điều khiến ông Tiếp lo lắng nhất là căn nhà xiêu vẹo của gia đình ông sẽ sập bất cứ lúc nào trong mùa mưa này, nhất là khi có giông lốc. Ông kể, trước đây sống cùng cha mẹ ở cạnh nhà nhưng sau khi có vợ thì ra ở riêng, cất cái nhà nhỏ đủ hai vợ chồng ở, cách nay hơn 5 năm.

Căn nhà mái lá, xung quanh vách cũng lợp lá, giờ cũ kỹ. Vì sợ mưa giông, ông Tiếp phải phụ thêm cây và chằng néo đủ kiểu để sống tạm qua mùa mưa. Bên trong nhà không có đồ đạc hay vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc giường bằng cây tạp cũ kỹ để ngủ và cũng là nơi tiếp khách.

Đang trò chuyện, ông Tiếp ngửa mặt lên nhìn mặt trời đứng bóng, rồi buột miệng: “Giờ này chắc vợ đi làm thuê cho hàng xóm đã về nhà lo cơm nước, dọn dẹp và tắm rửa cho con rồi”.

Theo chân ông Tiếp, chúng tôi đến nhà của vợ chồng ông, cách đó chừng vài cây số. Lúc đến nơi, gặp vợ ông - bà Nguyễn Thị My đang rửa thau chén dưới sàn nước bên hông nhà. Dừng tay, bà My nói: “Tôi chuẩn bị cơm nước cho chồng con xong là đi dặm lúa cho chủ đến chiều mới về”.

Bà My nỗi niềm: “Tối ngày vợ chồng ngoài đồng làm thuê cho khắp đầu trên xóm dưới, tối về vợ chồng mới quây quần bên nhau. Bữa cơm chủ yếu là rau và cá bắt ngoài đồng về. Phúc phần, đắp đổi được qua ngày, thấy tự bằng lòng là hạnh phúc rồi”.

Leng còn dính bùn thì còn tiền

Gặp ông Nguyễn Văn Thắm (64 tuổi) ở ấp Mỹ Lợi, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) cũng làm nghề đào đất thuê trong xóm. Ông Thắm cho biết, ông có thâm niên trong nghề đào đất hơn 40 năm. Ông kể, ngày nào cũng vậy, khoảng 4 giờ sáng là vợ thức dậy chuẩn bị cơm nước cho ông mang theo ra đồng ăn trưa, đến chiều mới về.

“Nhà không ruộng đất nên phải “cày”, mỗi ngày kiếm được hơn trăm ngàn đồng. Làm ngày nào ăn ngày đó, buông ra là đói”- ông Thắm nói. Ông còn kể: “Ngày trước, hễ có người kêu 5-7 công (1.000 m2/công) đào lên bờ là lãnh luôn, rồi kêu anh em cùng làm. Bây giờ sức khỏe yếu, làm ít lại không dám lãnh mão (lãnh khoán) nữa và mỗi ngày kiếm trên dưới trăm ngàn, đủ gạo ăn là mừng rồi”.

 Vợ ông Thắm, bà Lê Thị Thu đang nấu cơm sau bếp, góp chuyện: “Bây giờ trong nhà chỉ có 2 vợ chồng già nhưng quanh năm suốt tháng, nắng cũng như mưa, làm không ngơi nghỉ, vậy mà chẳng dư đồng nào. Muốn giúp con cháu chút tiền lo thuốc thang bệnh hoạn cũng khó”.

Khổ như nghề đào đất ảnh 2

Bà Nguyễn Thị My bế con trước nhà. Ảnh: Hòa Hội

“Cái leng còn dính bùn là còn tiền chứ leng khô là trong nhà khô luôn. Có khi ở trong xóm không ai kêu phải đi xa 5 - 10 ngày mới về một lần”- ông Thắm cho biết. Gia đình ông bà 8 đứa con nhưng không ruộng đất.

Căn nhà xiêu vẹo, không đủ giường ngủ, cơm không đủ ăn nói chi học hành. Ngày xưa ông làm dành dụm mua được hơn 1 công đất, rồi chia lại cho các con mỗi đứa một nền ở san sát nhau. Đứa thì ở đây làm thuê, đứa thì vợ chồng dắt nhau đi làm mướn tận Bình Dương…   

Ông Thắm dẫn chúng tôi ra sau vườn, thăm căn nhà của vợ chồng con trai út bỏ đi Bình Dương để lại cho cháu ngoại ở tạm. Hôm chúng tôi đến nhà là lúc cháu ngoại của ông, chị Nguyễn Thị Xuân Mỹ mới từ bệnh viện về.

 Chị Mỹ nằm trong căn nhà tình thương được nhà nước cấp cho cách nay gần chục năm, hiện hai vách lá rách nát muốn bung ra. Xuân Mỹ thều thào: “Những ngày mưa chẳng khác nào ở ngoài sân, mưa tạt khắp nơi không chỗ nào ráo. Có lúc mưa to quá, ngoại thương nên dìu em và 2 con lên nhà ngoại trú tạm”.

Chỉ vào Xuân Mỹ, ông Thắm kể, ba năm trước Mỹ lấy chồng ở Trà Vinh và lần lượt hai đứa con ra đời. Mỹ bị bệnh, vợ chồng lục đục rồi chia tay nhau. “Thấy cháu tội nghiệp, tôi nói mẹ con dắt nhau về đây ở tạm. Tôi đã già yếu, làm kiếm tiền lo vợ chồng già còn chưa xong, giờ cháu bệnh mà không giúp được gì, trong lòng rất áy náy”- ông Thắm buồn bã. 

Trầm ngâm một lúc, rồi tiếp lời: “Nhiều đêm trằn trọc, thức trắng không ngủ được vì lo, nếu mình không còn sức cầm cây leng nổi thì lấy đâu lo cho vợ, con rồi cháu… Tương lai của cháu sẽ ra sao, chẳng lẽ lại tiếp tục cầm leng như ông ngoại của nó mà cả đời vẫn không khá nổi?”. Giọng ông Thắm trầm đục, mắt đỏ hoe.


MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.