Tại hội thảo về an toàn thực phẩm trong trường học diễn ra sáng ngày 29/10, bà Nguyễn Thị Bích Nga, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nghĩa Tân, Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay, bữa trưa và bữa phụ tại trường đã đảm bảo dinh dưỡng nên kiên quyết không cho phép căng-tin hoạt động trong trường để hạn chế học sinh ăn quà vặt.
Thừa nhận việc hàng rong, quà vặt vẫn chưa được xử lý hết trước các cổng trường, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên, Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ: “Quà vặt có màu xanh đỏ, tím vàng hay những thức ăn không rõ nguồn gốc khiến chúng tôi rất lo lắng. Đơn vị đã có quy chế phối hợp với lực lượng liên ngành thành phố để xử lý”.
Cũng theo ông Tuấn, sở và trường chỉ được phép quản lý từ cổng trường học trở vào, ngoài cổng trường học đơn vị phải nhờ đến lực lượng chức năng địa phương. Vì thế, 3 tháng một lần, Sở GD&ĐT tổ chức giao ban trường học với chính quyền địa phương để tìm cách giải quyết. Ông Tuấn nói thêm, phụ huynh cần chung tay trong việc dẹp quà vặt cổng trường. “Khi đưa con đi học, tôi thấy khá nhiều phụ huynh chủ động mua cho con quà vặt trước cổng trường hoặc cho con tiền để tự mua”, ông Tuấn nói.
Ai kiểm soát đầu vào thực phẩm?
Theo số liệu thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 1.400 bếp ăn tập thể trong các trường học, cung cấp trung bình mỗi ngày khoảng 1,4 triệu suất ăn phục vụ học sinh. Dù chưa có vụ ngộ độc nào xảy ra nhưng bếp ăn tập thể trong trường học được xác định có nguy cơ ngộ độc cao.
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh thông tin, gần đây khi đi kiểm tra bất ngờ 42 bếp ăn ở các trường học thì có khoảng 10% còn sai sót liên quan đến xuất xứ nguồn gốc thực phẩm, cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Một số bếp ăn khi kiểm tra xuất trình đầy đủ giấy tờ, hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm có nguồn gốc nhưng thực tế khi nấu lại mua thực phẩm trôi nổi ngoài chợ.
Cũng theo ông Hạnh, hiện nay, đang có 3 phương thức cung cấp bữa ăn cho học sinh gồm: trường tự nấu, trường phối hợp doanh nghiệp vào trường nấu và ký hợp đồng mua suất ăn ở bên ngoài đưa vào trường. “Dù phương thức nào thì trách nhiệm đảm bảo an toàn cho học sinh trước hết là do hiệu trưởng. Trường có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các khâu từ nhập thực phẩm, quy trình nấu nướng, cơ sở vật chất bếp ăn…”, ông Hạnh nói.
Trả lời câu hỏi về công cụ nào kiểm tra thực phẩm có đảm bảo hay không? Ông Hạnh cho hay, Sở Y tế đã giao bộ công cụ kiểm tra nhanh thực phẩm về các trung tâm y tế xã, phường. Bộ công cụ này cho phép người sử dụng có thể kiểm tra thực phẩm có dư lượng thuốc bảo quản, thuốc trừ sâu hay không.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, bà Nguyễn Thị Bích Nga, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nghĩa Tân cho hay, trường này thành lập ban kiểm soát thực phẩm. Khi thực phẩm được đơn vị cung cấp đưa về trường mỗi ngày, nhân viên kiểm tra bằng cảm quan, thấy thực phẩm tươi ngon mới đồng ý sử dụng. Trong quá trình sơ chế, trường đầu tư thêm máy sục ozone để loại bỏ chất độc hại tồn dư nếu có.
Bà Hoàng Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội cho biết, đơn vị đã hướng dẫn các cơ sở trường học kiểm tra thực phẩm, đặc biệt chú trọng hạn sử dụng, có dấu kiểm định thú y. Khi nhập sản phẩm phải lưu mẫu, tuân thủ đúng quy trình khám bệnh cho đầu bếp, đeo bao tay khi chế biến.
Công khai đơn vị vi phạm
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, ở trường học hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm cao nhất, ngoài học tập, trường phải đảm bảo nhiệm vụ chăm lo sức khỏe học sinh thông qua việc nâng cao chất lượng bán trú. Ngoài ra, các đơn vị doanh nghiệp được ký kết hợp đồng cung ứng thực phẩm phải là đơn vị chịu trách nhiệm. Còn theo bà Hoàng Minh Thu, đối với các đơn vị sai phạm trong việc cung cấp thực phẩm sẽ được thông tin công khai để các trường không mua sản phẩm của đơn vị đó nữa.