Khó kết luận hành vi tham nhũng: Do bao che, can thiệp hay năng lực?

ĐBQH đề nghị Nhà nước kiểm soát chặt chẽ những loại thiết bị y tế quan trọng, tránh trục lợi người bệnh. Ảnh: Như Ý
ĐBQH đề nghị Nhà nước kiểm soát chặt chẽ những loại thiết bị y tế quan trọng, tránh trục lợi người bệnh. Ảnh: Như Ý
TP - Thảo luận tại Quốc hội, ngày 26/10 về báo cáo phòng, chống tham nhũng, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ sự băn khoăn khi báo cáo của Chính phủ cho rằng, việc kết luận hành vi tham nhũng trong một số lĩnh vực như đất đai, xây dựng, quản lý tài chính còn gặp khó khăn.

Ông Nhưỡng đề nghị làm rõ lý do kết luận khó khăn là do bao che hay có sự can thiệp trái pháp luật, hoặc do năng lực của các cơ quan phòng, chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn?

Nhiều sai phạm… nhưng khó kết luận tham nhũng

Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2020, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, tham nhũng đã được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng giảm. Song, ông Khái thừa nhận, tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn. Các vụ, việc tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình đang diễn ra hiện nay. Về những khó khăn, vướng mắc, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, việc kiểm tra nội bộ, tự phát hiện tham nhũng trong một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, chủ yếu qua đơn thư tố cáo, báo chí phản ánh hoặc khi cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, thanh tra mới phát hiện sai phạm.

Trong khi đó, công tác thanh tra, giải quyết tố cáo phát hiện nhiều sai phạm trong nhiều lĩnh vực như đất đai, xây dựng, quản lý tài chính, ngân sách... nhưng việc kết luận hành vi tham nhũng trong các sai phạm này còn gặp khó khăn, nhiều trường hợp chỉ khi chuyển cơ quan điều tra, áp dụng các biện pháp tố tụng mới làm rõ được.

Bày tỏ băn khoăn với nhận định trên, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị đánh giá kỹ vấn đề này để có biện pháp hiệu quả. “Việc kết luận hành vi tham nhũng trong các sai phạm về đất đai, xây dựng, quản lý tài chính còn gặp khó khăn, phải chăng do bao che hay có sự can thiệp trái pháp luật, hoặc do năng lực của các cơ quan PCTN chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn? Cái này phải báo cáo rõ ràng”, ông Nhưỡng đề nghị.

Trong khi đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp lưu ý tình trạng tham nhũng trong việc thực hiện xã hội hóa, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

“Qua công tác thanh tra, kiểm tra và qua phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy, còn nhiều trường hợp thực hiện quy tắc ứng xử chưa nghiêm, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp; tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, đồng thời cũng phản ánh về tình trạng tội phạm tham nhũng bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý, gây bức xúc trong dư luận. Điển hình như bị can Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) bị truy nã quốc tế về các tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; bị can Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, khi bị khởi tố không có mặt tại Việt Nam...

Có hay không doanh nghiệp  “sân sau” của một vài người?

Nhấn mạnh, công tác PCTN đạt được nhiều kết quả rõ nét để lại dấu ấn tốt, song ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ lo lắng khi “lợi ích nhóm”, “sân sau” vẫn tồn tại, thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Nhất là, vẫn xảy ra tham nhũng tại các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp. Thậm chí, có trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi tham nhũng, điển hình là vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội. Theo kết quả điều tra, các can phạm đã nâng khống giá thiết bị y tế lên gấp nhiều lần giữa lúc cơn đại dịch đang bùng phát rất mạnh.

Từ điểm cầu Đà Nẵng, ĐB Nguyễn Bá Sơn đề nghị, điều tra làm rõ có hay không việc 5 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu và phân phối thiết bị y tế hình thành một mặt bằng giá để đẩy CDC của các địa phương vào tình trạng buộc phải mua với giá “cắt cổ” vì không còn con đường nào khác.”Vậy những doanh nghiệp đó là ai? Có phải là sân sau của một vài người? Tại sao những loại thiết bị y tế đặc biệt quan trọng này Nhà nước không nắm giữ, kiểm soát để điều tiết, để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, để cho dân nhờ”, ông Sơn đặt vấn đề.

Phản ánh những bức xúc của cử tri, ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị Chính phủ và các ngành chức năng xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật khi các đơn vị chức năng mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế nâng khống, trục lợi từ chính sách xã hội hóa về dịch vụ khám, chữa bệnh. Ông đề nghị, tình trạng lợi dụng khó khăn do thiên tai, bão lụt để đầu cơ, tích trữ, nâng giá, gian lận thương mại các mặt hàng thiết yếu, hưởng lợi trên sự đau khổ của nạn nhân vẫn diễn ra, cần xử lý nghiêm.

Trên cơ sở thực tế tình hình PCTN, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của Luật PCTN năm 2018 nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của công tác này trên thực tế. Bên cạnh đó, quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là chú trọng tăng cường công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.