Chị Thu Hương (Hoài Đức, Hà Nội) nhận xét, nếu giấy khen mà ghi đạt “Danh hiệu học sinh khen từng mặt” thì buồn cười quá. Chính học sinh, phụ huynh còn không biết các cháu đạt được thành tích gì, ở môn nào.
“Cũng may, ở trường con em vẫn ghi trên giấy khen theo cách truyền thống là học sinh đã đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện,. Thà ghi thế cho đơn giản”- chị Hương cho biết thêm.
Trả lời báo chí, bà Trần Thị Tám - Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Phương (Ứng Hòa, Hà Nội) xác nhận đây là giấy khen của trường và cho rằng, giấy khen được ghi theo quy định của Thông tư 30. Cụ thể, trường có hai hình thức khen là học sinh toàn diện và học sinh khen từng mặt.
Cũng theo bà Tám, từ ngữ trong giấy khen gây khó hiểu: “Chúng tôi nên cụ thể hóa cho thấy các em nổi trội mặt nào, ví dụ về môn Toán, tiếng Việt, hay thể dục thể thao thay vì ghi quá chung. Nhà trường sẽ rút kinh nghiệm”.
Bà Huy Thị Lộc, giáo viên của trường Tiểu học Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, theo thông tư mới, mỗi trường đều có cách đánh giá, ghi giấy khen riêng.
“Năm đầu nhà trường còn lúng túng trong việc in giấy khen. Thay vì in một loạt giống nhau như mọi khi thì nay mỗi học sinh đạt một danh hiệu, ghi một cách khác nhau. Nhưng trường ghi trên giấy khen, khen cụ thể ở từng mặt mà học sinh đạt được như: Học sinh xuất sắc trong học tập và rèn luyện”, “Học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, “Học sinh đạt thành tích xuất sắc môn… chứ không ghi chung chung như trường này”.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về đánh giá và khen học sinh tiểu học theo Thông tư 30 ban hành ngày 6/1/2015, có ghi: “Hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm họp với các giáo viên dạy cùng lớp, thông qua nhận xét quá trình và kết quả học tập, hoạt động giáo dục khác để tổng hợp đánh giá mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của từng học sinh. Việc ghi vào giấy khen (nếu có) về nội dung khen thưởng học sinh là hết sức linh hoạt do giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng quyết định, không áp dụng theo khuôn mẫu có sẵn”.