Kho dự trữ quốc gia cho thuê vô tội vạ: Có còn là bí mật quốc gia?

Sau lùm xùm xuất khẩu gạo, lại lộ ra hàng loạt bất cập trong quản lý, đấu thầu gạo dự trữ Ảnh minh họa của Hòa Hội
Sau lùm xùm xuất khẩu gạo, lại lộ ra hàng loạt bất cập trong quản lý, đấu thầu gạo dự trữ Ảnh minh họa của Hòa Hội
TP - Hàng loạt cục dự trữ nhà nước cho thuê mượn kho bãi vốn thuộc bí mật quốc gia một cách vô tội vạ, theo thanh tra Bộ Tài chính. 

Vừa qua, trước việc hàng loạt doanh nghiệp (DN) trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia (DTQG) nhưng từ chối ký hợp đồng, cùng những bất cập trong quản lý xuất khẩu gạo, Bộ Tài chính đã lập đoàn thanh tra. 

Kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính đã chỉ ra hàng loạt bất cập. Trước hết, là ở công tác tổ chức và thực hiện đấu thầu mua gạo dự trữ nhà nước 4 tháng đầu năm 2020. 

Theo kết luận, năm 2020, Bộ Tài chính được Chính phủ giao mua 190.000 tấn gạo dự trữ. Kết quả mở thầu ngày 12/3 có 28 DN trúng thầu cung cấp gạo DTQG đợt 1 với số lượng 178.000 tấn. Trong đó, có 2 DN trúng thầu tại 2 cục Dự trữ Nhà nước khu vực (DTNNKV) Đông Bắc và Đông Nam Bộ đã ký hợp đồng cung cấp đủ số lượng gạo 5.900 tấn; 2 DN trúng thầu tại 2 cục DTNNKV Nghệ Tĩnh và Nam Tây Nguyên ký hợp đồng cung cấp một phần số lượng gạo đã trúng thầu 1.800 tấn. Còn lại, 24 DN từ chối ký hợp đồng với tổng số lượng 170.300 tấn. Trước tình hình trên, ngày 9/4, các Cục DTNNKV đã thu bảo đảm dự thầu của 24 nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu, tổng số tiền 27,8 triệu đồng. 

Theo quy định, nếu các nhà thầu xếp hạng 1 đã thương thảo nhưng không ký hợp đồng thì chủ thầu, tức các Cục DTNNKV phải mời các nhà thầu xếp hạng tiếp theo tới thương thảo. Thế nhưng, đoàn thanh tra phát hiện có 3 cục DTNNKV không thực hiện việc này, gồm: Cục DTNNKV Vĩnh Phúc (gói thầu 07), Cục DTNNKV Tây Bắc (gói thầu 05), Cục DTNNKV Bắc Thái (gói thầu 01). 
Qua kiểm tra các điểm kho dự trữ tại 22 cục DTNNKV trên toàn quốc, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều đơn vị cho thuê, mượn kho dự trữ thuộc danh mục bí mật nhà nước trái quy định. 

Cụ thể, đoàn kiểm tra phát hiện 6 cục  (gồm Hà Bắc, Đông Bắc, Bắc Thái, Hà Nội, Hà Nam Ninh và Bình Trị Thiên) có số lượng gạo thực tế tại kho lớn hơn số gạo trên sổ sách kế toán và thẻ kho 11.239 tấn. 

Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy số gạo này không có hợp đồng gửi, bảo quản giữa các chi cục và DN, không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, không có tài liệu thể hiện việc giao nhận về số lượng gạo, cũng không có xác nhận chủng loại, chất lượng gạo. 

Riêng tại Chi cục DTNN Hà Trung (Thanh Hóa), đoàn kiểm tra phát hiện chi cục này đã cho Cty TNHH Minh Thu (là đơn vị trúng thầu cung cấp gạo DTQG đợt tháng 3 tại Thanh Hóa với số lượng 1.000 tấn nhưng từ chối ký hợp đồng-PV) gửi 100 tấn tại kho DTNN của Chi cục từ 30/3 đến 25/4. Tuy nhiên, ngày 26/4, công ty này đã vận chuyển số gạo này ra ngoài, trước thời điểm đoàn kiểm tra kiểm kê kho.

Theo ông Đặng Ngọc Tuyến, Phó chánh Thanh tra Bộ Tài chính, việc có tới 6/22 Cục DTNNKV cho các DN, cá nhân sử dụng kho để giữ hộ hàng hóa vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật DTQG và danh mục bí mật nhà nước (mức độ mật) của ngành tài chính. Đồng thời, vi phạm quy định về thẩm quyền quyết định việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; về quản lý, sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, kho dự trữ quốc gia. 

Đoàn thanh tra phát hiện trong số các đơn vị gửi hàng hóa tại kho DTNN, nhiều đơn vị đã trúng thầu đợt đấu thầu tháng 3/2020 nhưng hủy kết quả đấu thầu, không ký thực hiện hợp đồng nhưng lại có số lượng lớn gạo đưa vào kho DTNN cùng thời điểm đã được phát hiện như: Cty CP Lương thực Hà Tĩnh (1.205 tấn), Cty CP Lương thực Hà Nam Ninh (2.563 tấn), Cty CP Thương mại Minh Khai (1.940 tấn), Cty TNHH Phát Tài (1.098 tấn), Cty TNHH Thủy Long - Hà Nam (983 tấn), Cty CP Lương thực Cao Lạng (1.490 tấn),... 

Tốn 200 tỷ đồng đấu thầu gạo dự trữ đợt 2

Theo thông tin từ Tổng cục DTNN, từ 10h ngày 12/5,  22 cục DTNNKV đã tổ chức đấu thầu đợt 2 mua 182.300 tấn gạo DTQG. Việc đấu thầu được tổ chức rộng rãi trong nước, hồ sơ phát hành trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Nguồn vốn để mua gạo đấu thầu được trích từ ngân sách nhà nước. 

Đáng chú ý, so với đơn giá bình quân khoảng 9.720 - 9.950 đồng/kg của đợt 1 vào ngày 12/3 nhưng nhà thầu đã xù hợp đồng, đến thời điểm này, mỗi cân gạo ngân sách phải chi thêm 1.100 - 1.470 đồng. Ước tính để mua 182.300 tấn gạo dự trữ quốc gia năm nay, ngân sách sẽ phải tốn thêm khoảng 200 tỉ đồng, gấp 7 lần so với 27,8 tỉ đồng mà 22 cục DTNN tịch thu tiền bảo lãnh dự thầu của 26 nhà thầu hủy hợp đồng.

Để ngăn chặn việc từ chối hợp đồng như đợt đấu thầu gạo đợt 1, lần này một loạt cục DTNN đã thông báo nâng giá trị đảm bảo trong hồ sơ mời thầu. Cụ thể, tỉ lệ đặt cọc được nâng từ 3% lên 5% giá trị gói thầu. Trường hợp hết thời hạn giao hàng mà bên dự thầu không giao đủ số lượng hàng thì bị phạt bằng 5% giá trị giao thiếu thay cho mức 1,5 - 3% như quy định trước đó.

Chuyển hồ sơ sai phạm sang công an 

Trước kết quả thanh tra, Bộ Tài chính đã yêu cầu Thanh tra Bộ chuyển hồ sơ vụ việc sai phạm sang Cơ quan điều tra - Bộ Công an để điều tra, xử lý. Bộ yêu cầu Tổng cục trưởng DTNN chỉ đạo và tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã để xảy ra các sai phạm đã nêu. 
Đồng thời, Bộ Tài chính yêu cầu lãnh đạo Tổng cục DTNN và các vụ chức năng của Tổng cục kiểm điểm trách nhiệm đã thiếu kiểm tra giám sát, để xảy ra các sai phạm như trên. Bộ Tài chính cũng ra quyết định tạm đình chỉ công tác để kiểm điểm làm rõ sai phạm đối với 7 cục trưởng cho phép tư nhân gửi hàng vào kho DTNN trái quy định; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân khác có liên quan sai phạm. 

MỚI - NÓNG
Thống đốc Ngân hàng: Đầu tư vàng nhiều rủi ro, có thể 'mất tiền khi mua bán'
Thống đốc Ngân hàng: Đầu tư vàng nhiều rủi ro, có thể 'mất tiền khi mua bán'
TPO - “Trên thế giới, giá vàng tăng cao rồi lại xuống trong ngày, nên người ta phải cân nhắc khi bán, mua để quản lý rủi ro. Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo, vàng là mặt hàng biến động rất phức tạp, khó lường. Nếu đầu tư mặt hàng này sẽ chịu rủi ro và cũng có thể mất tiền khi mua bán”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nói.