Khó có lối thoát cho khủng hoảng Canada -Trung Quốc

TP - Sẽ không có lối thoát dễ dàng cho căng thẳng ngoại giao ngày càng tồi tệ hơn giữa Trung Quốc và Canada sau vụ bắt giữ phó chủ tịch Huawei, các chuyên gia nói.
Công dân Canada Robert Lloyd Schellenberg vừa bị kết án tử hình ảnh chụp màn hình CCTV

Sau khi bà Mạnh Vãn Châu bị giới chức Canada bắt tạm giam và có khả năng bị trục xuất sang Mỹ, hai người Canada bị bắt giữ ở Trung Quốc. Mới nhất là vụ công dân Canada Robert Lloyd Schellenberg bị kết án tử hình vì tội buôn ma túy tại phiên tòa diễn ra trong một ngày ở Đại Liên.

Canada vừa chính thức phản đối việc Trung Quốc thẩm vấn nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig về những công việc ngoại giao trước đây của ông này ở Bắc Kinh. Canada nói rằng điều  này vi phạm nguyên tắc miễn trừ theo quy định của luật quốc tế, Reuters đưa tin.

Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đã nhiều lần chứng tỏ rằng họ sẵn sàng chơi rắn với các đối tác quốc tế bị cho là làm tổn hại đến lợi ích quốc gia của họ. Nhưng việc kết án tử hình người đàn ông Canada vì tội buôn ma túy được đánh giá là bước leo thang kịch tính, có thể ảnh hưởng đến nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc xác lập chỗ đứng trên toàn cầu.

“Quyết định đó làm tổn hại uy tín quốc tế của Trung Quốc trong dài hạn. Dù trong ngắn hạn nó có vẻ cho thấy sự cứng rắn và mạnh mẽ, nhưng về lâu dài họ sẽ phải trả giá lớn”, CNN dẫn đánh giá của bà Lynette Ong, giáo sư ngành khoa học chính trị tại ĐH Toronto.

Trong bài xã luận đăng tối 15/1, Thời báo Hoàn cầu nói nếu các nước quên rằng phải tôn trọng luật pháp và lợi ích của Trung Quốc, “Bắc Kinh cần nhắc để họ nhớ”. Biên tập viên Hồ Tích Tấn nói trong video đăng trên website của báo này hồi tháng 12 rằng nếu Canada dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ, “trả thù của Trung Quốc sẽ tệ hơn nhiều việc bắt giữ một người Canada”.

Đại sứ Trung Quốc tại Canada Lư Sa Dã còn viết một bài báo hồi đầu tháng nói vụ bắt hai người Canada là để “tự vệ”.

GS Ong cho rằng điều đó không chỉ thể hiện cảm giác giận dữ trong giới lãnh đạo Trung Quốc, mà Bắc Kinh còn muốn tỏ ra cứng rắn vào thời điểm đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong và ngoài nước, đó là kinh tế tăng trưởng chậm lại và chiến tranh thương mại với Mỹ.

“Trung Quốc không muốn trông yếu ớt... Đặc biệt vì họ cần phải thể hiện sự lãnh đạo mạnh mẽ trước dư luận trong nước.Có những người ở Trung Quốc khó chịu với vụ bắt bà Mạnh, nên chính phủ của họ rất cứng rắn với Canada”, bà Ong nói.

Viết trên CNN, John Lee, một nhà nghiên cứu tại Viện Hudson (Mỹ), nói Trung Quốc là “một cường quốc đang mạnh lên nhưng cô đơn”.

“(Trung Quốc) có rất ít đồng minh và nước ủng hộ. Đó có thể là vấn đề về lòng tin hay thời điểm. Nhưng kết án tử hình một người Canada sẽ chỉ gây ra nhiều hoài nghi và cô lập”, ông Lee viết.

Một trong ít giải pháp có thể hạ nhiệt căng thẳng Canada- Trung Quốc liên quan đến Mỹ. GS Ong cho rằng nếu Washington thôi yêu cầu dẫn độ và cáo buộc bà Mạnh, Canada sẽ thả người phụ nữ này và Trung Quốc sẽ nới lỏng tay với những người Canada đang ở trên lãnh thổ của họ.

“Đây không phải điều Canada có thể làm vì yêu cầu đó từ phía Mỹ và chính phủ Canada không thể can thiệp vào quy trình tư pháp”, GS Ong nói.